Từ đội bóng xếp hạng 70 trên bảng xếp hạng FIFA, thấp nhất trong các đội tham dự vòng chung kết FIFA World Cup 2018, giờ đây những chú gấu Nga đã là một trong 8 đội mạnh nhất. Còn ở bên kia chiến tuyến, thất bại của cựu vương Tây Ban Nha để lại cho ta rất nhiều điều dang dở.
Sau thất bại trong hai giải đấu lớn World Cup 2014 và Euro 2016, Tây Ban Nha bắt đầu làm mới mình, bắt đầu từ vị thuyền trưởng. Lopetegui được chỉ định làm huấn luyện viên, và những cầu thủ Tây Ban Nha được ông nhắm để xây dựng một Tây Ban Nha thời hậu tiki taka cũng không còn là nòng cốt Barcelona. Những Lucas Vazquez, Marco Asensio tốc độ, khéo léo bên hành lang cánh.
Rodrigo, Aspas nhanh nhẹn là dự bị cho Diego Costa mạnh mẽ. Những nhân tố mới ở tuyến giữa như Koke, Saul, Isco. Đội tuyển Tây Ban Nha mới này, dưới sự dẫn dắt của Lopetegui, đã trải qua một mạch 20 trận bất bại.
La Furia Roja - cơn cuồng nộ đỏ - đang hừng hực khí thế trước giải, với mục tiêu khẳng định bản thân, lấy lại vị thế đã mất của mình, bị dội một gáo nước mạnh một cách bất ngờ.
18 giờ trước khi World Cup chính thức khai mạc, Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha RFEF thông báo sa thải HLV Trưởng Julen Lopetegui. HLV người xứ Basque bị sa thải do đã công bố hợp đồng với Real Madrid khi còn đang tại vị ở tuyển Tây Ban Nha.
Chủ tịch RFEF Rubiales là người chịu trách nhiệm chính cho quyết định này, trong khi tập thể cầu thủ đồng lòng bảo vệ Lopetegui. Sau cùng, vị quan chức cao cấp nhất của RFEF cũng đã quyết định, và Tây Ban Nha bước vào giải đấu với trợ lý HLV Fernando Hierro.
Trong buổi tập ngày hôm sau, phóng viên chụp được cảnh đội trưởng Ramos có tranh cãi với Hierro - lúc này đã là HLV Trưởng; tin Lopetegui kí với Real Madrid bị lộ ra - điều khiến cho Madrid và Lopetegui phải công bố sớm hợp đồng, được cho là bị truyền ra bởi một cầu thủ Tây Ban Nha "không phải Madrid"; cầu thủ không đồng tình với quyết định của Rubiales.
Tuyển Tây Ban Nha vào giải với tình hình nội bộ không khiến người ta có thể an tâm.
Màn trình diễn trong giải của Tây Ban Nha cũng không phải là thuyết phục. Hòa 3-3 trước Bồ Đào Nha của cánh chim không mỏi Ronaldo, thắng may mắn trước Iran, và hòa phút cuối trước Morocco, dẫu vậy Tây Ban Nha vẫn đi tiếp với ngôi đầu bảng và tránh được Uruguay với phong độ đỉnh cao. Họ "chỉ phải" gặp chủ nhà Nga. Ít nhất đó là điều người ta đã nghĩ.
Như một chân lý, Tây Ban Nha lại vào trận với tư thế người kiểm soát thế trận. Bò tót có bàn thắng sớm, và tưởng chừng như tham vọng phòng ngự phản công của gấu Nga phá sản. Tây Ban Nha tiếp tục kiểm soát bóng đến hơn 70%, nhưng không thực sự tạo được cơ hội rõ rệt nào để gia tăng cách biệt, để rồi Nga gỡ hòa từ quả penalty sau sai lầm đậm chất trung vệ Barcelona của Pique.
Diego Costa không liên kết được với tuyến tiền vệ rồi tàng hình, hàng tiền vệ vẫn kiểm soát được thế trận nhưng không thể nhồi bóng hiệu quả vào vòng cấm tuyển Nga, Tây Ban Nha đành giải quyết trên chấm 11 mét với chủ nhà Nga.
Đây đúng thật là đất dữ cho tuyển Tây Ban Nha: khi đã đọ súng trên chấm phạt đền, không còn đội mạnh đội yếu hay đẳng cấp nữa, chỉ có ai sắt đá hơn, và tuyển Nga đang đá trên sân nhà, với sự ủng hộ trực tiếp của hàng vạn khán giả trên sân Luzhniki.
Hơn thế nữa, Tây Ban Nha trong lịch sử đã thua trước bốn đội bóng chủ nhà các giải đấu lớn. Và người Nga sẽ là thất bại thứ năm của họ trước các đội chủ nhà.
Koke và Aspas đá hỏng, De Gea không cứu được bất cứ quả penalty nào, Tây Ban Nha gục ngã trên chấm 11 mét oan nghiệt. Kì World Cup lấy lại vị thế của họ, chấm dứt một cách quá đột ngột và đau đớn.
Cầm bóng 79%, thực hiện 1114 đường chuyền, tung ra 25 cú sút nhưng Tây Ban Nha không thể tự ghi dù chỉ một bàn. Người ta tiếc nuối tại sao không thể dù chỉ 1 trong 23 key passes của Isco là một đường kiến tạo.
Người ta cũng sẽ tiếc nuối tại sao thủ thành top đầu thế giới như De Gea lại chơi như nghiệp dư, tại sao cặp trung vệ siêu sao Ramos - Pique không thể đá hợp với nhau. Và trên hết, người ta tiếc, nếu Julen Lopetegui không bị sa thải thì sẽ thế nào?
Có thể Rubiales đã đúng khi sa thải Lopetegui để giữ gìn kỉ luật và thể diện của Liên đoàn, nhưng sau cùng, với thất bại đau đớn ở Luzhniki, thì người Tây Ban Nha vẫn là người sai.
Với thất bại của ĐKVĐ Đức và cựu vương Tây Ban Nha, cũng như xu hướng của bóng đá thế giới, ý kiến rằng possession-based football đã đến hồi thoái trào không phải không có cơ sở.
Trước giai đoạn hoàng kim 2008-2012, Tây Ban Nha chưa bao giờ là một ông lớn của bóng đá lục địa già cũng như thế giới. Tiki taka đưa họ lên đỉnh cao thế giới, nhưng giờ đây, trong giai đoạn tìm lại hào quang, bóng đá kiểm soát lại cũng chính là thứ tiễn họ về nước.
Họ lên đến đỉnh cao vinh quang cũng nhờ bóng đá kiểm soát, rồi gục ngã cũng bởi kiểm soát bóng. Trước thời bóng đá kiểm soát, bóng đá Tây Ban Nha không có bản ngã cụ thể. Họ xây dựng lên bản ngã của mình, rồi định hình cả thế giới bằng bóng đá kiểm soát.
Thế nhưng giờ đây, khi từ nền tảng bóng đá kiểm soát, bao lối chơi khác đã được sáng tạo ra, thì người Tây Ban Nha lại tụt lại phía sau khi vẫn mắc kẹt với bóng đá kiểm soát nguyên thủy. Nỗ lực trở lại của họ đã thất bại thảm hại, giờ đây, câu hỏi cho các nhà làm bóng đá Tây Ban Nha sẽ là, từ bỏ hay thay đổi?
Bài dự thi Ấn tượng World Cup
Tác giả: Quang Vinh