Thứ nhất: Bóng đá phòng thủ lên ngôi, mơ về quá khứ hoàng kim
Thời buổi hiện đại hóa đã kéo theo bóng đá của hầu hết nước tiên tiến trên thế giới, người ta thường áp dụng công nghệ để phục vụ việc tập luyện cũng như thi đấu cho các cầu thủ.
Chính vì lẽ đó, độ chuẩn xác về cự li, khoảng cách giữa vận động viên với nhau là rất khoa học và chặt chẽ. Đặc biệt những đội bóng yếu hơn (cửa dưới) tại World Cup lần này thường chọn lối đá phòng ngự phản công bởi họ biết tầm bản thân đến đâu.
Dẫn chứng cụ thể là các đội bóng mạnh có lối đá tấn công đẹp như Tây Ban Nha, Đức, Argentina, Pháp,… gặp phải quá nhiều khó khăn trước sự phòng ngự số đông của đối thủ.
Nhìn đội tuyển Iceland cũng như Hàn Quốc đá, dường như không có một kẽ hở nào để những Messi hay Muller đột phá, dứt điểm thậm chí là đột nhập vào vòng 16m50.
Họ phòng thủ như kiểu được lập trình sẵn, cộng với khoảng cách về thể lực, thể hình đã được thu hẹp, chả trách gì khi suốt 90 phút thi đấu tuyển Đức không thể xuyên thủng mảnh lưới của thủ môn Cho Hyun Woo, ngược lại họ lại còn phải nhận 2 trái đắng bởi các tình huống phản công sắc bén bên phía đội bóng châu Á.
Lại một kì World Cup bất ngờ và rất đáng xem, đội bóng nào sẽ vô địch năm nay? Bóng đá phòng thủ sẽ lên ngôi hay tấn công hoa mĩ vẫn giữ được vị thế? Hãy đón nhận chúng một cách thật hưởng thụ!
Thứ hai: Ngủ quên trên chiến thắng, không làm mới bản thân, nhạt nhòa
Lên ngôi vương 4 năm về trước trên đất Brazil trước sự khâm phục của nhiều người hâm mộ xem bóng đá. Thế hệ vàng do HLV Joachim Loew này mang đến kì World Cup 4 năm sau đó với một bộ khung không quá nhiều thay đổi, đồng thời chia tay hàng loạt những chỉ huy già dặn kinh nghiệm như Philipp Lahm, Per Mertesacke, Bastian Schweinsteiger,…
Người ta nhìn thấy ở đội tuyển Đức 2018 sự thiếu gắn kết, quyết tâm và tham vọng. Vẫn những đường bóng cũ với những con người cũ việc bắt bài rất đơn giản, đội bóng “con cưng” chỉ biết dạt biên rồi tạt vào trong, nhưng lại thiếu một trung phong cắm thực thụ như Klose (World Cup 2014) đổi lại là một Muller xuống dốc về phong độ, cảm giác chơi bóng vốn có của cầu thủ trẻ xuất sắc nhất tại kì World Cup 2010.
Nếu cứ đà này, bóng đá Đức không có thay đổi trong tương lai, không có thế hệ tốt kế thừa đàn anh thì 2, 3 kì World Cup nữa bị loại ngay tại vòng bảng cũng là điều dễ hiểu.
Thứ ba: Cái dớp của nhà vô địch, vận đen theo đuổi
Trước Đức, Italy đã phải rời World Cup 2010 trong cay đắng khi xếp cuối tại bảng F dù rằng 4 năm trước đó họ lên ngôi vô địch. Sau đó tại World Cup 2014, Tây Ban Nha cũng trở thành cựu vô địch khi bị loại ngay tại vòng bảng (xếp thứ 3 bảng).
Ngoài ra, lịch sử World Cup cũng chứng kiến 3 trường hợp nhà đương kim vô địch bị loại ngay tại vòng bảng khác gồm: Italy năm 1950, Brazil năm 1966, Pháp năm 2002.
Một cái dớp khác của bóng đá mở ra, giống như tại Cup C1 mấy năm trước (hiện tại Real đã phá vỡ). Điều đó khiến khán giả ngày càng thích thú, chờ đợi đội bóng vô địch năm nay và cách họ thể hiện cho mùa giải tiếp theo, mong chờ cái gì đó bị lật đổ.
Góc nhìn về một cá nhân với vận đen theo đuổi – Marco Reus, tiền vệ với lối đá hào hoa hiếm có nhưng luôn phải chịu thiệt thòi ở góc độ đội tuyển quốc gia.
Khi mà đồng đội của anh ăn mừng chiến thắng trên đỉnh thế giới 2014 thì một mình anh ngồi ở nhà cổ vũ với bao tiếc nuối. Chấn thương đã cướp đi niềm vui mà công bằng nói là anh đáng được nhận, cú đánh “đầu” chệch khung thành của Mats Hummels tiễn Reus và đội tuyển chia tay giải thật cay đắng.
Kỳ World Cup tiếp theo Reus sẽ 33 tuổi, liệu World Cup 2018 là lần đầu cũng như lần cuối mà anh tham dự? Cái dớp của Marco Reus trên đội tuyển vẫn bám theo mãi hay chính anh là cái dớp của những nhà cựu vô địch?
Bài dự thi Ấn tượng World Cup
Tác giả: Phạm Đình Phong