Chủ Nhật, 22/12/2024Mới nhất
Zalo

Bài dự thi "Ấn tượng World Cup": "Cơn mưa gạch, đá” trên mái nhà cấp bốn!

Thứ Tư 04/07/2018 12:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Có lẽ chỉ ai từng trải qua những năm tháng đầu Đổi mới mới cảm nhận được hết cái “cơn khát” của những tín đồ túc cầu giáo mùa World Cup.
 
Có lẽ chỉ ai từng trải qua những năm tháng đầu Đổi mới mới cảm nhận được hết cái “cơn khát” của những tín đồ túc cầu giáo mùa World Cup. Đó là quãng thời gian mà nhiều con phố dài có “bói cũng không ra” một chiếc Ti-vi.

Trước thời điểm quả bóng World Cup 1986 chính thức lăn những vòng đầu tiên, “xem bóng đá ở đâu?” là một trong những câu hỏi cửa miệng của rất nhiều người.
 
“Nhà ông Khếnh có vô tuyến” - người ta kháo nhau bên vòi nước công cộng rồi cười hỉ hả dù đa số dân cư trong đám đông ấy chẳng biết ông Khếnh là ai. Nhưng mặc kệ! Cứ kéo đến xem nhờ còn “trước lạ sau quen”, lo gì!

Vậy là gian nhà cấp bốn thấp tè nằm trong con ngõ “làng Hạc” sâu hun hút mặc nhiên trở thành điểm hẹn của hàng chục hộ gia đình cư ngụ ở các khu dân cư gần đấy: Phố Phan Chu Trinh, phố Tô Vĩnh Diện, khu tập thể của viên chức Sở Tài chính - Vật giá, cư dân làng Hạc và “xóm liều” sau chợ phường Điện Biên… (những địa danh thuộc thị xã Thanh Hóa cũ - nay là thành phố Thanh Hóa) dẫu rằng để xem bóng đá, không ít người phải “cuốc bộ” tới vài cây số.
 
Và còn điểm này nữa, ngày ấy, dẫu Brazil, Italia, Tây Đức… (đội tuyển Đức ngày nay) là những “ông lớn” trên bản đồ bóng đá thế giới và đặc biệt là Argentina với “cậu bé vàng” Maradona về sau đã đi vào huyền thoại nhưng người ta vẫn dành cho đội tuyển Liên Xô sự yêu mến đặc biệt.

Người người hâm mộ đội tuyển Liên Xô, nhà nhà ủng hộ đội tuyển Liên Xô - một thứ tình cảm trong sáng, bất vụ lợi với đội tuyển đại diện cho đất nước là “thành trì” của khối Xã hội Chủ nghĩa.
 
“Cố bóc hết chỗ lạc (phân phối)” hay “gắng thêm vài gánh nước, đầy chum rồi tha hồ xem bóng đá”… là những gì người ta động viên, hối thúc nhau trước mỗi bận đội tuyển Liên Xô ra sân. Tiếng người gọi nhau í ới, tiếng bước chân rầm rập, hối hả.

Một góc thị xã rộn lên, huyên náo, nô nức như ngày hội; có kẻ còn thủ sẵn trong túi vài củ khoai luộc “chống đói”, sẵn sàng “quẩy”… xuyên màn đêm. Tất cả đều trực chỉ nhà ông Khếnh - chủ nhân của chiếc ti-vi đen trắng mà nếu còn giữ được, nó xứng đáng được đưa vào Viện bảo tàng như chứng tích của một thời đã qua. 
 
Bài dự thi Ấn tượng World Cup Cơn mưa gạch, đá trên mái nhà cấp bốn! hình ảnh
 
Dường như ý thức được sự “quá tải” nên ngay từ chiều muộn, ông Khếnh đã chủ động quét dọn sạch sẽ khoảng sân xi măng trước nhà. Chiếc vô tuyến cũ mèm được trịnh trọng đặt trên chiếc bàn gỗ, cũng cũ kỹ không kém, hai “râu” oai vệ hướng thẳng lên trời, dây điện chạy loằng ngoằng phía sau.

Đèn măng-xông nối từ ắc-quy tỏa sáng yếu ớt, hợp với thứ ánh sáng lờ mờ từ màn hình vô tuyến tạo thành thứ “ma lực” hấp dẫn, thu hút sự chú ý của cả trăm cặp mắt. 
 
“Roét” - trọng tài nổi hồi còi khai cuộc. “Hôm nay Liên Xô phải “giã” cho “thằng Hung” (đội tuyển Hungary) chục bàn là ít!” - một khán giả “dự đoán”.
 
Không phụ sự trông đợi từ khán giả, ở lượt trận ra quân, Belanov cùng đồng đội đã đè bẹp Hungary tới 6 bàn không gỡ, giành trọn 2 điểm (1 trận thắng chưa được tính 3 điểm như hiện tại), tạo tiền đề cho thành tích “đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất World Cup 1986” với 12 lần sút tung lưới đối phương.
 
Trận thư hùng Liên Xô - Pháp diễn ra sau đó 3 ngày; mọi người lại vội vã dùng bữa, lại hối hả đổ về nhà ông Khếnh trong sự háo hức, phấn khích tới tột cùng.

Nhưng tất cả đều sững người trước 2 cánh cổng im ỉm khóa. Khoảng sân trước nhà ông Khếnh vắng ngắt, không ti-vi mà cũng chẳng đèn đóm gì - những biểu hiện “đuổi khách” của chủ nhà khiến các fan đội tuyển Liên Xô đều cảm thấy ngỡ ngàng.
 
- Đến giờ bóng rồi sao vẫn lặng ngắt thế này?
 
- Mở cửa đi ông Khếnh ơi!
 
Tiếng gọi cửa ngày càng rộn giã, thằng Hoàng (hơn mười tuổi nhưng có thể đọc vanh vách đội hình xuất phát Liên Xô) bám 2 tay vào cổng nhà ông Khếnh giật đùng đùng. Từ trong nhà, ông Khếnh sấp ngửa chạy ra, đặt tay lên cổ (giả bộ) húng hắng ho:
 
- Bà con thông cảm, hôm nay nghỉ xem 1 trận, tôi mệt quá, muốn yên tĩnh để nghỉ ngơi!
 
Lời cảm thông của ông Khếnh xem ra không có tác dụng bởi đáp lại chỉ là những âm thanh đầy phẫn uất.
 
- Ai ốm cứ nghỉ, ai xem cứ xem, sao lại thôi? - một người lên tiếng.
 
- Phải đấy, mau mở cổng đi!
 
- Ông mà không mở Ti-vi sẽ biết tay chúng tôi - tiếng một thanh niên khác.
 
Diễn biến sau đấy cho thấy phát ngôn kia không dừng ở mức độ “dọa dẫm”, bằng chứng là sau khi ông Khếnh bỏ vào nhà, một “cơn mưa gạch, đá” được ném thẳng lên mái ngôi nhà cấp bốn tội nghiệp, phát ra chuỗi âm thanh “rào rào”, “lóc cóc” lạ lẫm.
 
- Mở cửa ra, ông Khếnh! Không cho xem bóng đá thì chúng tôi sẽ khiến nhà ông tan tành. Lần này không phải đá vụn mà sẽ là “gạch chỉ”, ông nhìn đây!
 
Hoảng sợ trước cơn “cuồng bóng đá” từ đám đông, nhất là khi 2 viên “gạch chỉ” được ném thẳng vào sân như cảnh cáo, ông Khếnh lại tấp tểnh chạy ra, vừa tháo sợi xích sắt khóa cửa, vừa luôn miệng phân trần:
 
- Xin bà con dừng tay! Khổ lắm, có dám keo kiệt gì với bà con đâu, xem bóng đá càng đông càng vui nhưng sợ rằng cứ thế này nhà tôi chẳng còn cái bát để ăn.
 
- Ông nói thế là sao, chúng tôi xem nhờ bóng đá chứ có xin cơm đâu? - Ông Thức - người lớn tuổi nhất ngạc nhiên hỏi lại. 
 
- Vâng, chuyện là thế này ạ!
 
Theo lời ông Khếnh thì ở trận đấu trước, 6 bàn thắng của Liên Xô đã châm ngòi cho ngần ấy cơn phấn khích. Kể ra chỉ vỗ tay hay hò hét thì không sao nhưng trong số những “khách mời bất đắc dĩ” hôm ấy, không ít kẻ “quá khích” đã lao vào bếp nhà ông Khếnh.

Xoong nồi, mâm đồng hay bất cứ thứ gì phát ra âm thanh đều được những cổ động viên “quá khích” nói trên sử dụng, khua gõ ầm ĩ, miệng không ngừng hô vang “Liên Xô, Liên Xô!”. 
 
Vài người khác không kìm được cơn hứng khởi đã đứng bật dậy triển khai điệu “nhảy ngẫu hứng” trên chiếc giường duy nhất của gia đình và hệ quả là 2 chiếc “thang” giường đã… “tan xác pháo” ngay tại trận!
 
Nhìn bộ xoong, nồi cùng chiếc mâm đồng méo mó đến thảm hại được bày ra trước mắt và gương mặt chảy dài của ông chủ nhà, đám “khán giả trời đánh” ôm bụng cười ngặt nghẽo.
 
- Thế này nhé - ông Thức đại diện khán giả lên tiếng, cố nén tràng cười - Bác Khếnh cho xem nhờ Ti-vi, lại nước nôi tử tế là quá tốt rồi nhưng chúng ta không thể để bác thiệt được.

Vậy tôi đề nghị mọi người, trận đấu sau, nhà ai dư xoong, nồi; ai chế được thang giường thì chúng ta cùng đem đến giúp bác “khắc phục sự cố”. Còn bây giờ thì phiền bác Khếnh mở vô tuyến, bà con cũng ổn định chỗ ngồi để chứng kiến Liên Xô hôm nay “làm thịt gà trống Gô-loa” (thực tế thì trận đấu ấy, Liên Xô đã chia điểm cùng người Pháp: hòa 1-1). 
 
Những khán giả thị xã Thanh Hóa năm ấy không những giữ lời hứa mà còn “hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao”. Tình yêu bóng đá đã khiến tất cả trở nên hào sảng, không toan tính. Trước trận đấu cuối cùng của Liên Xô ở vòng bảng (thắng Canada 2-0), trên khoảng sân nhà ông Khếnh la liệt xoong, nồi cùng một bó “thang” giường, số lượng lên tới cả chục chiếc.
 
- Chú Khếnh yên tâm rồi nhé, với số “chiến lợi phẩm” này tụi cháu tha hồ nhảy nhót , đập phá từ giờ đến hết World Cup - Vừa chuyển “quà” cho gia chủ vào bếp, đám thanh niên vừa vui vẻ tán chuyện.
 
***
 
Ngõ “làng Hạc” xưa, nay đã được đổi tên thành phố Đông Lân, diện mạo con ngõ chật hẹp, tối tăm, quanh năm ngập nước cũng được “quy hoạch” lại cho xứng tầm một Thành phố cấp hai: rộng rãi, trải nhựa phẳng lỳ, tấp nập xe cộ.
 
Trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, bề thế nhưng vắng lặng, bên chiếc vô tuyến “màn hình cong” 48 inch đời mới nhất, ông Khếnh trầm ngâm cầm tách trà sâm bốc khói, chép miệng:
 
- Nhanh quá, mới đó đã hơn 3 thập kỷ rồi. Cậu hỏi tôi Ấn tượng World Cup thì “cơn mưa gạch đá” năm 1986 chính là những ký ức mãi không thể phai mờ!
 
Và tôi, khi sắm vai một ký giả đã cố làm đúng phận sự của mình: ghi lại câu chuyện của một tín đồ bóng đá mà tuổi đời đã vượt ngưỡng “thất thập cổ lai hi”./.

Bài dự thi Ấn tượng World Cup
Tác giả: Mạnh Hà

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X