Ta là một, là riêng, là thứ nhất
Brazil là đội bóng giàu thành tích số một, nhưng thành tích chắc chắn không phải điều khiến bóng đá Brazil trở nên đặc biệt nhất, thứ khiến cả Thế giới phải ngả mũ trước họ chính là những pha phối hợp như thêu hoa dệt gấm, lối chơi đậm chất hoa mỹ, tấn công phóng khoáng, bùng nổ cũng như chính con người Brazil.
Chả thế mà đến tận bây giờ người ta vẫn luôn tôn vinh thế hệ 1982 của những Zico, Socrates… như những nhà vô địch thực thụ bởi họ đã chơi thứ bóng đá vị nghệ thuật đầy mê hoặc.
Khác với người Ý luôn đề cao toan tính với hệ thống chiến thuật Catenaccio trứ danh; hay người Đức thích thực dụng, kỷ luật.
Bóng đá với người Brazil giống như một thứ tôn giáo, một tình yêu bất diệt, người Brazil sống phóng khoáng và bản năng, họ có điệu nhảy Samba truyền thống thể hiện được toàn bộ tính cách của dân tộc, và các cầu thủ Brazil qua biết bao thế hệ, khi vào sân vẫn là những vũ công Samba cuồng nhiệt, nhưng hơi khác một chút, những vũ công này còn có quả bóng trong chân.
Ngay cả những huyền thoại bóng đá nước ngoài cũng coi Brazil như một hình mẫu để hướng tới: Roy Kean người đội trưởng đội hình giành cú ăn ba huyền thoại của Man United khi nhớ về một trận đấu hay của mình và các đồng đội tại CLB đã viết: "Chúng tôi đã chơi tuyệt hay, cứ như thể đội tuyển Brazil vậy”.
Hay Jose Mourinho, HLV nổi tiếng thực dụng cũng từng phát biểu: “Một đội bóng mà không có cầu thủ Brazil nào thì không đáng được gọi là đội bóng nữa”. Bấy nhiêu đấy là đủ để nói về sự vĩ đại của bóng đá xứ sở Samba rồi.
Theo lẽ tự nhiên đứa trẻ nào cũng sẽ cổ vũ những đội bóng có nhiều danh hiệu. Giải đấu đầu tiên mà tôi bắt đầu cảm nhận được là France 98, năm ấy trẻ con cả thôn đều nghêu ngao câu hát dựa theo lời bài “The cup of life” của Ricky Martin: “Ronaldo đầu trọc như trái dừa khô”. Còn người lớn sau đêm chung kết thì trầm ngân bên ấm nước chè, “Pháp nó mua rồi, không thì sao Brazil thua trắng 3 bàn được”…
Những người làng quê vốn chân chất, mộc mạc, khi xem bóng đá cũng vậy, họ không có khái niệm fan cuồng đội bóng nào mà chỉ ủng hộ cho những đội đá đẹp và năm ấy, tuy còn nhỏ nhưng tôi biết cả làng tôi đều là fan Brazil…
Khi ấy, Brazil không còn là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch nữa, giới chuyên môn thích nói về Pháp và Argentina hơn, thậm chí vua bóng đá Pele còn quả quyết các hậu bối của mình sẽ bị loại từ vòng bảng, dù khi ấy đối thủ của họ ở vòng bảng chỉ là Thổ Nhĩ Kỳ, Costarica và… Trung Quốc.
Thế rồi, Argentina đứng thứ 3 bảng F, còn đương kim vô địch World Cup và Euro Pháp thì… mà thôi bỏ đi, họ chẳng thể ghi nổi một bàn thắng nào.
Cả xóm, trong đó có tôi không quan tâm nhiều thứ như các chuyên gia nên vẫn cổ vũ cho các vũ công Samba, vẫn dõi theo từng bước chạy của người ngoài hành tinh Ronaldo De Lima, à mà không chỉ cần gọi là Ronaldo thôi, bởi với tôi Ronaldo chỉ có một, anh ấy là người Brazil!
Tôi không hề có ý dìm hàng CR7 tuy nhiên thực sự những ai đã từng theo dõi Ronaldo thi đấu thời đỉnh cao, sẽ rất khó có thể công nhận một ai khác nữa giỏi hơn anh vì thứ cảm xúc mà anh mang lại cho người xem bóng đá là độc nhất vô nhị.
Khỏi phải nói, tôi đã có một “lần đầu tiên” không thể trọn vẹn hơn, Brazil vô địch bằng một phong độ hủy diệt nhờ một đội hình kết hợp hoàn hảo giữa sức trẻ và kinh nghiệm.
Họ băng băng tiến về đích với thành tích toàn thắng, Ronaldo đã khiến người ta quên đi ký ức buồn cách đấy bốn năm tại Paris bằng hai bàn thắng vào lưới thủ môn huyền thoại Oliver Kahn trong chận chung kết, cả giải anh ghi 8 bàn và giành danh hiệu chiếc giầy vàng.
Thế là đám trẻ con cả xóm với bóng bòng, bóng nhựa, bóng gói trong chân lại ùa ra khắp xóm rồi thi nhau tự xưng là Ronaldo…
Ronaldo người hùng của biết bao thế hệ. Ảnh Goal.com |
Năm 2006 là Carlos Alberto Parreira, HLV của đội tuyển Brazil được đánh giá là thực dụng bậc nhất lịch sử năm 1994, và dù năm 2006 đội tuyển vàng xanh được đánh giá khác biệt so với phần còn lại của giải đấu với những siêu sao hàng đầu thế giới như Ronaldo, Ronaldinho, Kaka, Andriano… Họ vẫn phải dừng bước trước đội một tuyển Pháp với ngôi sao số một là Zidane khi ấy đã 35 tuổi.
Đến tận bây giờ người ta vẫn chẳng hiểu tại sao ở trận đấu mang tính then chốt ấy Parreira lại cất “Hoàng đế” Andriano đang vào phom lên ghế dự bị và chỉ cắm duy nhất Ronaldo ở phía trên. Ronaldinho, cầu thủ hay nhất thế giới bấy giờ thì vật vờ cả giải, có lẽ Parreira không phải là người giỏi trong việc kết hợp các cầu thủ tấn công.
Bốn năm sau trên đất Nam Phi, HLV của Selecao lúc bấy giờ là Carlos Dunga, đội trưởng đội hình vô địch năm 1994 trên đất Mỹ, một trong những nhà vô địch WC kém được yêu thích nhất tại Brazil. Năm ấy Brazil lại dừng bước ở tứ kết trước Hà Lan, tội đồ trong trận đấu ấy là Melo, một đồ tể rất ít chất Samba trong người, một sự tranh cãi lớn trong đội hình dự World Cup của Selecao năm đó.
Tôi vẫn nhớ như in vẻ mặt thất thần của Kaka thi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, anh choàng áo lên đầu, bước nhanh vào đường hầm để những giọt nước mắt đau đớn của mình không bị lọt vào ống kính…
Nhưng làm sao ám ảnh được bằng kỷ niệm kinh hoàng ngày 08/07/2014, trận thua thảm họa 1-7 trước người Đức ngay tại sân vận động Mineirão trước hàng vạn khán giả nhà, trận đấu khiến cả đất nước Brazil như chìm trong tang tóc, niềm kiêu hãnh của đội bóng vĩ đại nhất lịch sử sụp đổ. Hôm ấy Ronaldo ngồi trong cabin bình luận, lặng lẽ nhìn đội nhà thua thảm, kỷ lục ghi bàn tại World Cup của mình thì bị Klose phá.
Còn tôi thất thần ngồi trên sa lông chứng kiến trọn 90 phút đội bóng yêu thích bị hành hạ, đó là một Brazil của tột cùng thất vọng, ở phía dưới Dante và Luiz như hai gã hề thực thụ. Tuyến giữa nghệ sĩ ngày nào, giờ tràn ngập những anh công nhân chơi bóng như Paulinho, Luis Gustavo hay Fernandinho…
Còn phía trên hàng tiền đạo nơi đã chứng kiến những Pele, Romario, Bebeto, Ronaldo… tung hoành nay là đất diễn của Fred và Jo hai người sau đó được coi là đã khai sinh ra một vị trí mới: tiền đạo phòng ngự ! Khi người Brazil thôi nhảy múa, họ sẽ không còn là chính mình và một khi đã từ bỏ đi sở trường để theo đuổi sở đoản, cơ hội chiến thắng của các vũ công Samba gần như là bằng không.
Pháp năm 2006, Hà Lan 2010 đều đang được dẫn dắt bởi các HLV theo trường phái thực dụng, người Đức thì khỏi nói, dù lối chơi đã cởi mở hơn nhiều so với quá khứ nhưng tinh thần, sự lì lợm là thứ họ có thừa so với người Brazil. Rõ ràng thành công bất ngờ năm 1994 tại Mỹ không thể là hình mẫu để Brazil theo đuổi.
Và quả thực, ông đã tiến hành một cuộc Cách mạng thực sự, biến một Brazil bạc nhược, một đội ngũ lộn xộn, khủng hoảng niềm tin sau World Cup 2014 trở lại thành một đội bóng trẻ trung, phóng khoáng tràn đầy nhựa sống.
Brazil dưới thời Tite đã lại nhảy múa trở lại trên đôi chân của những vũ công Samba với đàu tàu Neymar, mặc dù vậy họ vẫn có những cầu thủ phòng ngự đẳng cấp để đảm bảo sự chắc chắn: Alisson, Marcelo, hay Casemiro vẫn là những cầu thủ phòng ngự hàng đầu mà mọi Clb đều mơ ước sở hữu.
Dĩ nhiên những người hâm mộ Brazil hoài cổ vẫn có nhiều cái cớ để lo lắng, Neymar giỏi đấy nhưng dường như vẫn chưa đủ tố chất để dẫn dắt Selecao tiến lên, Jesus chẳng thể so được với Edmundo thời xưa chứ đừng nói đến Romario, Ronaldo…
Nhưng sự trở lại đầy bùng nổ sau chấn thương của Neymar trong loạt trận giao hữu khiến tôi nhớ lại tình cảnh của Ronaldo hồi World Cup 2002. Quan trọng là khi những đôi chân vàng xanh đã được thoải mái nhảy vũ điệu Samba quen thuộc thì tất cả đều trong tầm tay của họ. Tiến lên các vũ công Samba, như cách mà Donald Trump đã nói: “Let's make Brazil great again”.
Bài dự thi Ấn tượng World Cup
Tác giả: Trần Ngọc Thạch
Độc giả có thể gửi bài dự thi về email gocbandoc@bongda24h.vn, những bài viết chất lượng tốt sẽ được đăng tải trên chuyên mục Ấn tượng World Cup và có cơ hội giành những phần thưởng hấp dẫn của chương trình. Xem chi tiết thể lệ cuộc thi TẠI ĐÂY! |