Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp vượt lên trên tranh cãi

Thứ Tư 11/01/2023 11:28(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Bất chấp những chỉ trích về lối chơi, tài năng của Theerathon Bunmathan là điều không phải bàn cãi và hậu vệ này xứng đáng là biểu tượng của bóng đá Thái Lan.

Đẳng cấp của Theerathon

Không ai có thể phủ nhận năng lực của Theerathon Bunmathan. Hậu vệ sinh năm 1991 xứng đáng là ngôi sao sáng giá nhất tại AFF Cup 2022. Theerathon đã thể hiện năng lực lãnh đạo của mình một cách cực kỳ xứng đáng, ở cả khía cạnh chuyên môn lẫn tinh thần.

Năm nay, HLV Mano Polking không có trong tay dàn nhân sự tốt nhất. Ở tuyến giữa, Chanathip và Supachok, hai cái tên sáng giá nhất ở vị trí của mình vắng mặt. Trên hàng công, người Thái phải kỳ vọng vào những cựu binh như Dangda, Adisak Kraisorn. Nếu so với chính mình ở AFF Cup 2020, ĐT Thái Lan cho thấy sự đi xuống đáng kể ở chất lượng đội hình.

Trong bối cảnh không có nhiều sự lựa chọn ở khu trung tuyến, HLV Mano Polking buộc phải tin tưởng vào khả năng kiến thiết của Theerathon. Ông đẩy cầu thủ sinh năm 1991 lên đá tiền vệ trung tâm, người đá thay vị trí của Theerathon bên hành lang trái là Sasalak. Thay đổi kể trên của HLV Polking mang lại hiệu quả khi Thái Lan càng đá càng hay và góp mặt ở trận chung kết.

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp vượt lên trên tranh cãi 1
Theerathon dẫn đầu ở số lần tạo cơ hội cho đồng đội sau vòng bảng  (Ảnh: OptaChai)

Theo thống kê của OptaChai, Theerathon là cầu thủ tạo ra nhiều cơ hội nhất sau vòng bảng AFF Cup 2022, với 19 lần. Con số này cao gần gấp đôi 4 cầu thủ xếp sau là Văn Quyết (Việt Nam), Safawi Rasid và Lee Tuck (Malaysia) cùng Dangda (tất cả đều có 10 lần mở ra cơ hội cho đồng đội). Nếu đồng đội của Theerathon làm tốt hơn, số kiến tạo của cầu thủ này có lẽ không dừng lại ở con số 3.

Thực chất, người hâm mộ không cần chờ tới AFF Cup 2022 để chứng kiến năng lực tấn công xuất sắc của hậu vệ sinh năm 1991. Tại AFF Cup 2020, Thái Lan khi ấy có Chanathip trong đội hình, đồng thời Theerathon chỉ đá hậu vệ trái nhưng cầu thủ này vẫn là điểm trung chuyển bóng quen thuộc mỗi khi Thái Lan tấn công.

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp vượt lên trên tranh cãi 2
Theerathon xuất sắc ở khả năng đóng góp vào mặt trận tấn công (Ảnh: Twitter Keeshmatstats)

Trước đó, tại J.League 1 2020, dù chỉ xếp thứ 9 chung cuộc nhưng Theerathon vẫn có trung bình 22 đường chuyền tịnh tiến trong 90 phút (dẫn đầu J.League 1) cùng 6 đường chuyền vào vòng cấm đối phương mỗi trận (xếp thứ 3 tại J.League 1). 

Nói cách khác, Theerathon sở hữu sự toàn diện đáng kinh ngạc ở cả khả năng phòng ngự lẫn tấn công. Quan trọng hơn, cầu thủ sinh năm 1991 luôn là điểm trung chuyển bóng chất lượng cho hàng công ĐT Thái Lan, bất chấp việc phải đá hậu vệ trái hay được xếp đá tiền vệ.

Năng lực vươn tầm tranh cãi

Nhắc tới năng lực của Theerathon mà bỏ qua những tiểu xảo của hậu vệ này quả thật là điều thiếu sót. Ở một giải đấu chưa có VAR như AFF Cup, những ngón nghề phòng ngự tinh quái của Theerathon bỗng phát huy tác dụng. 

Theerathon Bunmathan và đẳng cấp vượt lên trên tranh cãi 3
Theerathon Bunmathan chơi xấu Quang Hải ở AFF Cup 2020

Còn nhớ, ở giải đấu năm ngoái, CĐV Việt Nam phẫn nộ khi trọng tài bỏ qua tình huống Theerathon đánh cùi trỏ Quang Hải. Sau trận, hậu vệ này còn làm hành động khiêu khích BHL ĐT Việt Nam. Năm nay, dù chưa có tình huống nào gây ra tranh cãi tương tự, nhưng đối đầu Theerathon chưa bao giờ là trải nghiệm dễ dàng với bất cứ cầu thủ nào.

Theerathon hiểu rằng, ở cuộc chơi cân bằng về mặt năng lực, đội bóng nào có được ưu thế về tinh thần sẽ dễ dàng xoay chuyển cục diện trận đấu. Lẽ đó, cầu thủ thuộc biên chế Buriram United liên tục làm lung lạc tinh thần đối phương. Khi những pha bóng tiểu xảo không bị phát hiện, ức chế lên tâm lý đối phương sẽ tích tụ ngày một lớn, ảnh hưởng tới sự tỉnh táo trong từng tình huống bóng

Chưa kể, Theerathon còn tự biến bản thân thành tâm điểm của sự chú ý, của những chỉ trích. Điều này gián tiếp cởi bỏ áp lực đè lên đồng đội, qua đó giúp cải thiện tinh thần cũng như tâm lý thi đấu của cầu thủ Thái Lan. Trong bối cảnh HLV Mano Polking không có những cái tên tốt nhất ở cả mặt chuyên môn lẫn tâm lý, tinh thần sẵn sàng làm "kẻ phản diện" của Bunmathan càng trở nên giá trị.

theerathon thai lan
Theerathon sẵn sàng trở thành tâm điểm cho những chỉ trích

Tất nhiên, không lối đá nào là không có thiếu sót. Người hâm mộ rõ ràng không hài lòng khi thấy những pha đánh nguội, tiểu xảo liên tục xuất hiện trong sân. Chính Theerathon cũng bị treo giò ở chung kết lượt đi AFF Cup 2020 vì nhận đủ thẻ phạt. Nghiêm trọng hơn, cầu thủ này còn có thể trở thành mục tiêu cho những pha trả đũa của đối thủ.

Nói đi cũng phải nói lại, bóng đá là môn thể thao đối kháng và một đội bóng luôn cần người làm thủ lĩnh tinh thần. Theerathon có thể trở thành kẻ phản diện đáng ghét bậc nhất trong mắt CĐV Đông Nam Á, nhưng với CĐV Thái Lan, hậu vệ này sẽ là biểu tượng không thể thay thế trong giai đoạn thành công rực rỡ nhất của bóng đá xứ Chùa vàng.

Nếu ai cũng nhận việc nhẹ nhàng thì sẽ không ai chọn làm việc gian khổ. Theerathon xuất sắc không đơn thuần bởi yếu tố chuyên môn thuần túy, cầu thủ này đẳng cấp vì tinh thần thi đấu hết mình vì đồng đội. Suy cho cùng, riêng việc chấp nhận xuất hiện với nhân dạng của một "kẻ phản diện" thôi đã nói lên bản lĩnh của Bunmathan rồi!

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X