Khát khao đòi lại ngôi vương Đông Nam Á của ĐT Thái Lan
Không thể đạt được thành công như mong muốn cùng HLV Akira Nishino, ĐT Thái Lan đặt niềm tin ở HLV Mano Polking. Nếu so về thành tích hay CV, “thầy cũ” Công Phượng khó có thể so bì với người tiền nhiệm, nhưng thứ HLV Mano vượt trội là những am hiểu của ông về bóng đá Thái Lan với hơn 8 năm làm việc tại đội bóng ở Thai League.
ĐT Thái Lan mang đến AFF Cup 2020 một đội hình đầy sức mạnh với đầy đủ “binh hùng tướng mạnh”. Những sao số thi đấu ở nước ngoài đều có tên, những cầu thủ nhập tịch, Thái kiều đều góp mặt. Lứa tài năng trẻ với Supachai Jaded, Supachok Sarachat được trao cơ hội và được những đàn anh kinh nghiệm như Teerasil Dangda, Theerathon Bunmathan chỉ bảo.
Chanathip và Theerathon có mặt cùng ĐT Thái Lan tại AFF Cup 2020 |
Ngay sau buổi hội quân đầu tiên cùng “Voi chiến”, HLV sinh năm 1976 đã tuyên bố ông sẽ cùng học trò lên ngôi vô địch: “Thật khó khăn để giành chức vô địch nhưng tôi tin ĐT Thái Lan có thể đạt được thành tích đó nếu cầu thủ thi đấu với một thái độ đúng đắn cũng như đề cao tinh thần đồng đội".
Lãnh đạo LĐBĐ Thái Lan cũng không quên tạo động lực cho cầu thủ trước thềm giải đấu quan trọng. Madam Pang - trưởng đoàn ĐT Thái Lan tại AFF Cup tiết lộ mức thưởng lên tới 30 triệu Bath nếu thầy trò Mano Polking có thể soán ngôi ĐT Việt Nam.
HLV Mano Polking được kì vọng sẽ mang cup vàng AFF về Thái Lan |
Nhìn vào công tác chuẩn bị, có thể thấy ĐT Thái Lan khát khao chức vô địch AFF Cup như thế nào. Sau thành công rực rỡ với đỉnh cao là tấm vé dự vòng loại 3 World Cup 2018, “Voi chiến” dần rời xa quỹ đạo chiến thắng của mình. Thất bại tại đấu trường châu lục, khi trở về “ao làng”, đội bóng xứ Chùa vàng cũng không còn duy trì thế độc tôn.
Sự vươn lên của ĐT Việt Nam hay ĐT Malaysia chẳng khác nào chạm vào “lòng tự ái” của ĐT Thái Lan và chức vô địch AFF Cup năm nay sẽ khẳng định cho sức mạnh của “Voi chiến” sau quãng thời gian bị đối thủ vượt mặt.
Lối đá đầy sức mạnh và hiệu quả
Tấn công biên là một trong những thứ vũ khí đáng sợ nhất của ĐT Thái Lan. Với Theerathon bên cánh trái và Narubadin bên cánh phải, những pha xuống biên của ĐT Thái Lan luôn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy. Các cầu thủ Thái Lan không ồ ạt tấn công, thay vào đó, họ đá cầm chừng theo kiểu "ru ngủ" đối phương rồi bất ngờ tăng tốc và tung đường chuyền quyết định.
Hầu hết những pha dàn xếp của ĐT Thái Lan đều diễn ra theo “kịch bản” quen thuộc: một tiền vệ trung tâm (Chanathip, Sarach, Thitipan…) thả bóng rất vừa vặn xuống khoảng 1/3 cuối sân đối phương để hai cầu thủ chạy cánh băng lên đón bóng.
Narubadin (số 15) và Chanathip (số 18) là hai cầu thủ quan trọng trong lối chơi của ĐT Thái Lan |
Khi nhận bóng ở sát vòng 16m50, hai hậu vệ biên của ĐT Thái Lan có rất nhiều lựa chọn, hoặc là căng ngang cho Teerasil dứt điểm, hoặc trả ngược tuyến hai nơi có những tiền vệ đang đón lõng. Bài đánh này tuy đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả, đối phương dù biết nhưng khó có thể bắt bài.
Đó không phải bài đánh duy nhất của ĐT Thái Lan. Chanathip và đồng đội rất nguy hiểm trong những tình huống cố định. Khả năng tấn công trung lộ của “Voi chiến” cũng mang về cho đội bóng này không ít tình huống tấn công nguy hiểm.
Sức mạnh của ĐT Thái Lan còn đến ở chiều sâu đội hình. Nhìn cách ĐT Singapore chật vật trước “đội hình B” của HLV Mano Polking mới thấy được hết năng lực từng cá nhân cũng như sức mạnh tập thể của đội bóng xứ Chùa vàng.
Đội hình dự bị của ĐT Thái Lan dễ dàng đánh bại Singapore |
Thế độc tôn Đông Nam Á của ĐT Việt Nam có còn vững chắc?
Sau khi bảng B khép lại, chuyên gia về bóng đá châu Á Steve Darby có nhận xét về ĐT Việt Nam: “Chúng ta không thể chê bai gì ở đội bóng trải qua 4 trận vòng bảng mà không để lọt lưới bàn nào”.
Lời nhận xét ấy đúng nếu xét về mặt con số, nhưng là chưa đủ để tạo sự an tâm trong lòng cổ động viên Việt Nam. Kỷ lục bất bại 13 trận liên tiếp tại AFF Cup khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam trong khu vực nhưng nó không đồng nghĩa với "bảo chứng" cho chiến thắng của thầy trò Park Hang Seo trong những trận đấu tới.
ĐT Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm |
Tính riêng ở cấp độ ĐTQG, ĐT Thái Lan chưa thể đánh bại ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park. Ngược trở lại, ĐT Việt Nam cũng chưa thể đánh bại ĐT Thái Lan ở một giải đấu chính thức dù ở giai đoạn HLV Park có lực lượng mạnh nhất.
Với những gì hai đội đã trình diễn, người hâm mộ hy vọng vào trận chung kết "trong mơ" giữa hai đại diện hàng đầu Đông Nam Á và việc gặp nhau ở bán kết phần nào đó mang lại sự hụt hẫng nơi cổ động viên.
Khi trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Campuchia khép lại, người hâm mộ thấy hình ảnh BHL cũng như cầu thủ ĐT Việt Nam thẫn thờ vì kết quả của trận đấu. Không rõ các cầu thủ "tiếc" vì không thể hẹn Thái Lan nơi chung kết hay BHL lo lắng vì những toan tính đi chệch đường, nhưng nếu mang hình ảnh và tinh thần đó vào bán kết, ĐT Thái Lan sẽ dễ dàng lấn lướt ĐT Việt Nam.
ĐT Việt Nam thẫn thờ sau trận đấu với Campuchia |
Lần gần nhất hai đội gặp nhau trên sân Mỹ Đình, ĐT Thái Lan (khi ấy được dẫn dắt bởi Akira Nishino) trình diễn một thứ bóng đá “trên trình” Đông Nam Á. Ở hai trận bán kết tới, HLV Park sẽ không còn Văn Hậu lăn xả truy cản cú sút của đối thủ, cũng chẳng có Văn Lâm xuất thần cản phá penalty, liệu ông sẽ đối phó với người Thái như thế nào?
Hơn cả một trận bán kết, cuộc so tài sắp tới giữa ĐT Việt Nam và ĐT Thái Lan sẽ đi tìm lời giải cho câu hỏi liệu “Voi chiến” vừa mới tỉnh giấc sau cơn mê dài hay “Chiến binh Rồng vàng” mới là người xứng đáng với ngôi vương Đông Nam Á.