Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Nhìn lại lịch sử giải vô địch Đông Nam Á: 18 năm lấn… biển

Thứ Ba 18/11/2014 09:51(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Năm 1996, giải vô địch Đông Nam Á bắt đầu được AFF tổ chức nhằm giúp các ĐTQG trong khu vực tích lũy kinh nghiệm trận mạc để vươn ra những đấu trường lớn của châu Á và thế giới. Trải qua 9 lần tổ chức, Tiger Cup và nay là AFF Suzuki Cup, thực sự đã giúp đời sống bóng đá nơi đây có một diện mạo mới, nhiều sức sống hơn.

WORLD CUP CỦA… KHU VỰC

Từ giải đấu đầu tiên được tổ chức năm 1996 tại Singapore, những trận cầu rực lửa giữa các ĐTQG trong khu vực đã diễn ra một cách thường xuyên hơn và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của các tín đồ túc cầu ở ĐNÁ. Mỗi lần giải đấu diễn ra lại có những ngôi sao mới của bóng đá khu vực xuất hiện, còn trình độ chuyên môn của các đội tuyển, từ những “đại gia” như Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Singapore… cho tới những nền bóng đá còn non trẻ như Đông Timor, Lào, Brunei… đều được cải thiện mạnh mẽ.

 

Sức hút của Tiger Cup (từ năm 2004 được đổi là AFF Suzuki Cup) đối với các CĐV Đông Nam Á ngày càng tăng lên. Thậm chí, trong những năm gần đây, ngày hội của bóng đá khu vực còn được CĐV yêu mến so sánh với… World Cup. Sự so sánh này không phải là không có cơ sở khi AFF Suzuki Cup 2012 đã có hàng vạn lượt khán giả tới sân theo dõi các trận cầu sôi động, ngoài ra còn có hàng trăm triệu người trên khắp thế giới theo dõi cuộc tranh tài của các “anh hào Đông Nam Á” qua truyền hình.

Với các nền bóng đá phát triển thì cuộc đua tại World Cup hay EURO là động lực để phát triển, còn với các nền bóng đá khu vực ĐNÁ thì AFF Suzuki Cup cũng mang ý nghĩa tương tự!

16 NĂM, 9 GIẢI ĐẤU VÀ 4 NHÀ VÔ ĐỊCH

Singapore năm 1996, Thái Lan giành chức vô địch sau chiến thắng 1-0 đầy khó khăn trước Malaysia để khép lại giải đấu đầu tiên đầy ắp đam mê và cuồng nhiệt. Những ấn tượng về Tiger Cup nhanh chóng dâng cao ở năm 1998, khi giải đấu được tổ chức tại Việt Nam. Việc đội chủ nhà đánh bại Thái Lan tới 3-0 để vào chung kết với Singapore và sau đó là màn đăng quang của đội bóng đảo quốc Sư tử được đánh giá là những bất ngờ lớn nhất lịch sử giải đấu.

Năm 2000, Thái Lan tận dụng tối đa lợi thế sân nhà cùng một Kiatisak Senamuang ở đỉnh cao phong độ để giành lại sự thống trị sau trận “hủy diệt” Indonesia ở chung kết với tỷ số 4-1. Đến năm 2002, Indonesia là chủ nhà và họ tái ngộ Thái Lan ở chung kết nhưng lại thua, dù lần này chỉ là sau loạt sút luân lưu 11m!

Năm 2004, nhà ĐKVĐ bị loại ngay từ vòng bảng diễn ra tại Malaysia. Đồng chủ nhà Việt Nam cũng không thể lọt vào bán kết. Chức vô địch thuộc về Singapore sau khi hạ Indonesia – đội bóng có lần thứ 3 liên tiếp về nhì với tổng tỉ số 5-2 (3-1, 2-1). Năm 2007, dưới sự dẫn dắt của HLV Avramovic, Singapore bảo vệ thành công chức vô địch sau khi đánh bại Thái Lan với tổng tỷ số 3-2 ở 2 lượt trận chung kết.

Năm 2008, Việt Nam tạo ra trận chung kết hay và nghẹt thở nhất lịch sử giải đấu. Với bàn thắng ở phút bù giờ trong trận chung kết lượt về với Thái Lan, chúng ta đã vượt qua đối thủ với tổng tỷ số 3-2 và lần đầu tiên đăng quang.  Một nhà vô địch mới là Malaysia xuất hiện 2 năm sau đó với đội hình trẻ trung tại AFF Suzuki Cup 2010. Và năm 2012, Singapore thiết lập kỷ lục mới nhờ chức vô địch thứ 4 họ giành được trong 16 năm lịch sử của giải đấu.

16 năm ấy, giải đấu đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt bóng đá khu vực, từ dạng “đơn cực” trong thời kỳ Thái Lan thống trị, trở thành “đa cực” sau những màn đăng quang đầy cảm xúc của Singapore (năm 1998, 2004, 2007, 2012), Việt Nam (năm 2008) và Malaysia (năm 2010). Khao khát giành Cúp vàng AFF vẫn luôn cháy bỏng với cả 4 nhà vô địch và còn cháy bỏng hơn gấp bội với những nền bóng đá chưa từng giành được vinh quang. Vì thế, ở tuổi 18, lần tổ chức thứ 10 của giải đấu sẽ là cuộc đua nóng bỏng nhất từ trước tới nay của bóng đá Đông Nam Á. Hàng trăm triệu người đang chờ từng ngày để bước vào lễ hội bóng đá mang tên AFF Suzuki Cup 2014!

4 NHÀ VÔ ĐỊCH CỦA BÓNG ĐÁ ĐNÁ

Singapore: 4 lần vô địch
1998 - Chung kết: Singapore - Việt Nam: 1-0
2004 - Chung kết: Indonesia - Singapore (lượt đi 1-3, lượt về 1-2)
2007 - Chung kết: Singapore - Thái Lan (2-1, 1-1)
2012 - Chung kết: Singapore - Thái Lan (3-1, 0-1)

THÁI LAN: 3 lần vô địch
1996 - Chung kết: Thái Lan - Malaysia: 1-0
2000 - Chung kết: Thái Lan - Indonesia: 4-1
2002 - Chung kết: Thái Lan - Indonesia: 2-2 (pen 4-2)

VIỆT NAM: 1 lần vô địch
2008 - Chung kết: Thái Lan - Việt Nam (1-2, 1-1)

Malaysia: 1 lần vô địch
2010 - Chung kết: Malaysia - Indonesia (3-0, 1-2)

BẠN CÓ BIẾT?
Giải vô địch ĐNÁ bắt đầu từ năm 1996 và đến nay đã qua 9 lần tổ chức. Trong 5 lần tổ chức đầu tiên, giải chỉ có 1 nước đăng cai. Nhưng kể từ năm 2004, sân chơi này được cải tiến theo thể thức hai nước “đồng chủ nhà”. Kể từ đây, các trận bán kết và chung kết đá theo thể thức sân khách và sân nhà. Cũng từ khi thể thức mới ra đời, giải đấu diễn ra trong gần 1 tháng (trước đây chỉ diễn ra trong 10 ngày).

Thái Lan - từ “thống trị” thành “kẻ thất bại vĩ đại”
ĐT Thái Lan từng được coi là không có đối thủ ở ĐNÁ. Trong 4 kỳ Tiger Cup đầu tiên, đội bóng xứ Chùa vàng đã vô địch đến 3 lần (1996, 2000, 2002). Nhưng sau chuỗi tháng ngày thống trị làng túc cầu khu vực, ĐT Thái Lan đã sắm vai “kẻ thất bại vĩ đại”. Bởi từ năm 2004, họ chưa một lần nâng cúp vô địch dù đã góp mặt ở 3 trận chung kết (2007, 2008 và 2012).

Lịch sử đã một lần gọi tên ĐT Việt Nam
ĐT Việt Nam chưa một lần vắng mặt trong suốt chiều dài lịch sử của giải vô địch ĐNÁ. Khán giả Việt Nam cũng đã nếm đủ mọi cung bậc của cảm xúc, từ cay đắng đến ngọt bùi. Trong 9 lần tham gia, ĐT Việt Nam 2 lần bị loại ở vòng bảng (2004, 2010) và 7 lần vào bán kết, trong đó có 2 lần vào chung kết. ĐT Việt Nam cũng đã 1 lần lên ngôi khi đánh bại Thái Lan ở chung kết để vô địch AFF Suzuki Cup 2008.

Avramovic - kỷ lục gia
Singapore đang nắm kỷ lục với 4 chức vô địch ĐNÁ (1998, 2004, 2007, 2012). Sự thành công của đội bóng này gắn liền với HLV Avramovic. Vị chiến lược gia người Serbia cũng tại vị lâu nhất trên cương vị HLV trưởng của một ĐTQG ở ĐNÁ (gần 10 năm, từ 2003 đến 2012). Bên cạnh đó, ông còn giữ kỷ lục là HLV có nhiều chức vô địch ĐNÁ nhất khi 3 lần đưa Singapore lên ngôi vào các năm 2004, 2007 và 2012. Hiện tại, ông dẫn dắt một đội tuyển ở ĐNÁ khác, đó là Myanmar.

Noh Alam Shah - chân sút xuất sắc nhất
Trong số những Vua phá lưới ở giải vô địch ĐNÁ, Noh Alam Shah là chân sút ghi được nhiều bàn nhất. Anh đã góp công lớn trong chức vô địch AFF Suzuki Cup 2007 của Singapore với 10 pha lập công. Đứng sau Noh Alam Shah là tiền đạo Bambang Pamungkas của Indonesia với 8 bàn ở Tiger Cup 2002. Các chân sút xuất sắc của Việt Nam như Huỳnh Đức, Sỹ Hùng, Công Vinh... chưa một lần được xướng tên ở danh hiệu này.

Theo Bongdaplus.vn

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X