Trong buổi họp báo trước trận Việt Nam vs Indonesia, HLV Hữu Thắng tiết lộ rằng hàng loạt cầu thủ đến xin được ra sân. Mới nghe thì có vẻ rất tình cảm nhưng thật sự lo ngại trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp hiện nay.
“Anh ơi cho em đá, chú ơi cho cháu đá”
ĐT Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng được đánh giá là “anh em trong nhà” khi hầu hết các cầu thủ đều tỏ ra rất thân thiết với nhau. Xét ở góc độ nào đó, đây là một sự đoàn kết đáng khen trong tập thể. Điều này được dự báo từ trước bởi chiến lược gia xứ Nghệ đã gọi hầu hết các cầu thủ là “học trò cưng” từ CLB lên. 13 cầu thủ đồng hương, cùng nhóm 5 cầu thủ HAGL được bầu Đức “giao phó” gần như đã chiếm đa số trên ĐTQG.
Sự thân thiết, không khí hòa đồng là điều cần thiết ở một đội bóng. Tuy nhiên để đến mức các học trò đến xin xỏ HLV trường vị trí trong đội tuyển thì đã đi quá giới hạn. Đích thân vị thuyền trưởng 44 tuổi chia sẻ trước trận: “Lúc này ai trong đội tuyển cũng khát khao được ra sân. Cầu thủ luôn nói với tôi, anh cho em đá trận này, chú cho cháu đá trận này…”.
Khao khát thì ai chẳng khao khát, đã là cầu thủ thì ai cũng đều muốn ra sân thi đấu cả chứ chưa nói gì đến việc khoác áo ĐTQG. Nhưng việc cầu thủ xin xỏ với HLV như thể “giao kèo” thì e rằng lo ngại. Tức là giữa họ không còn ranh giới thầy trò hay công việc nữa. Mà bây giờ mọi thứ được xóa nhòa bằng… tình thân. Những cầu thủ nào càng thân với HLV trưởng thì càng có khả năng được sử dụng nhiều hơn...
Cầu thủ có thể "xin" suất trên ĐTQG? |
Đương nhiên, không có lửa làm sao có khói. HLV mà coi trọng kỷ luật, đánh giá theo năng lực thì chẳng cầu thủ nào dám thốt ra lời nói đó cả. Những lời nói kiểu giao kèo, thỏa thuận vị trí ra sân, mà ở đây là giao kèo về màu áo ĐTQG có Quốc kỳ ở trên ngực. Chắc chắn đây là điều không hề ổn một chút nào, cả về tư tưởng lẫn sự chuyên nghiệp.
Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về HLV Hữu Thắng. Ông muốn xây dựng một đội tuyển đoàn kết, các cầu thủ quý mến nhau là tốt. Nhưng đằng này, tình cảm đã lấn rất sâu sang chuyên môn. Mới chỉ là phát biểu trước báo chí mà đã như vậy thì thử hỏi nội tình sẽ như thế nào? Liệu có sự công tư phân minh trong ĐT Việt Nam hiện nay hay không?
Trong buổi họp báo trước trận giao hữu Việt Nam vs Indonesia, HLV Riedl tỏ ra rất khiêm tốn.
Vì tình thân bỏ qua nhân tài?
Có một câu chuyện rõ như ban ngày ở ĐT Việt Nam mà rất nhiều NHM còn bức xúc. Đó là việc HLV Hữu Thắng gạt Nghiêm Xuân Tú ra khỏi danh sách đội tuyển dù chấn thương của anh vẫn kịp để dự AFF Cup 2016. Cũng là một trường hợp như vậy, thậm chí Ngọc Hải bị chấn thương muộn hơn, hồi phục muộn hơn nhưng vẫn được đưa cùng đội sang Hàn Quốc tập huấn, dù chỉ để chữa chấn thương chứ không hề thi đấu. Và ai cũng biết, trung vệ 23 tuổi coi Hữu Thắng như cha kể từ khi 2 người còn làm việc ở SLNA.
Nghiêm Xuân Tú bị loại khỏi ĐTQG dù bình phục nhanh hơn Ngọc Hải |
Bên cạnh việc bỏ qua Xuân Tú, một trong những cầu thủ hay nhất V-League 2016 thì Hữu Thắng còn bỏ phí rất nhiều nhân tài. Thậm chí sự cứng ngắc của chiến lược gia 44 tuổi đến mức bảo thủ. Điển hình nhất là vị trí tiền vệ trung tâm. Khi Tuấn Anh, Xuân Trường vắng mặt, Huy Hùng bị đau thì cựu thuyền trưởng SLNA nhất quyết chỉ dùng Trọng Hoàng bên cạnh Hoàng Thịnh. Trước trận gặp Indonesia, khi tiền vệ của Thanh Hóa có dấu hiệu quá tải thì Hữu Thắng mới bắt đầu lo lắng vì khu vực giữa sân. Tại sao cựu trung vệ này không gọi những tiền vệ trung tâm đúng nghĩa mà phải khổ sở dùng Trọng Hoàng vốn chỉ là cầu thủ chạy cánh? Chưa kể Hoàng Thịnh, Huy Hùng, Tuấn Anh, Xuân Trường vốn có tiền sử chấn thương thì lại không có phương án dự phòng. Tại sao không cho những Hải Huy, Duy Mạnh, Hùng Dũng, Bùi Tiến Dụng cơ hội dù chỉ là trong danh sách dự phòng, hay là vì họ không phải “người thân” của ai đó...
Trong cuộc họp báo trước trận Việt Nam vs Indonesia, HLV Hữu Thắng chia sẻ rất thẳng thắn những thông tin về đội nhà.
Hay khi Ngọc Hải chấn thương chưa chắc kịp dự AFF Cup thì Hữu Thắng vẫn chỉ tin tưởng Đình Luật, Tiến Thành, Minh Tùng – những cầu thủ chưa bao giờ nhận được sự tin tưởng của NHM. Tại sao không gọi những cầu thủ trẻ đá trung vệ rất hay ở U19 Việt Nam như Trọng Đại, Tấn Sinh, Tấn Tài? Nếu là những HLV bản lĩnh sẽ triệu tập dựa vào tài năng chứ không phải viện cớ “thiếu kinh nghiệm” rất chung chung như vậy.
Kết luận
HLV trưởng là người có quyền và gọi bất cứ cầu thủ nào mà mình muốn. Thế nhưng ở đây là ĐTQG, nơi mà màu cờ sắc áo và danh dự dân tộc được đặt lên cao hơn cả. Nếu vì chút ít "tình thân" mà làm ĐT Việt Nam yếu đi thì liệu có đáng không? Xa hơn một chút, nếu đội bóng áo đỏ không vô địch AFF Cup 2016 và SEA Games 2017 thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Đến lúc đó "tình thân" liệu có bù đắp được nỗi đau của NHM hay không? Hỏi mà như có câu trả lời.
Doãn Công (Theo Thể Thao Việt Nam)