Tiền đạo Công Phượng đang trải qua quãng thời gian tệ nhất sự nghiệp. Chắc chắn trách nhiệm của HLV Hữu Thắng trong việc này là vô cùng lớn.
Từng có một Công Phượng cá nhân nhưng biết cách bùng nổ
Có thể hơi khiêm cưỡng nhưng không phải ngẫu nhiên mà đa số NHM gọi Công Phượng là “Messi Việt Nam”. Đương nhiên tiền đạo xứ Nghệ không có gì để so sánh với cầu thủ từng đoạt 5 QBV cả. Nhưng ít nhất ở Phượng có khả năng bùng nổ như El Pulga trong những thời điểm khó khăn mà ít người ngờ đến nhất. Từ U19 dưới thời Graechen, HAGL thời Quốc Tuấn hay U23 thời Miura thì Công Phượng đều thể hiện được tố chất của mình. Anh luôn tỏa sáng ở những trận cầu quan trọng của đội bóng. Đó là lý do mà các CĐV đã bỏ qua cách chơi có phần cá nhân của Phượng. Bởi nếu đá như trước đây thì cứ vài lần mất bóng thì sẽ có lúc anh đáp lại bằng một bàn thắng, thậm chí là siêu phẩm.
Phượng vẫn là một cái tên hot, được yêu thương và gửi gắm. Nhưng anh ngày một xa lạ với chính mình gây sự tiếc nuối, hờn trách. Biết nói gì đây khi Phượng giờ...
Trong màu áo U19 Việt Nam thì không cần nói lại, anh là chân sút chủ lực, là ngôi sao sáng nhất của đội. Từ các giải khu vực cho đến châu lục thì Công Phượng luôn là cái tên đáng kỳ vọng nhất đội bóng. Những pha đột phá qua hàng loạt hậu vệ Australia, Trung Quốc, những siêu phẩm là thương hiệu không thể lẫn vào đâu của cầu thủ người Đô Lương. Ở mức độ cao hơn một chút khi khoác áo HAGL và U21 HAGL, dù ít các pha độc diễn hơn nhưng tiền đạo sinh năm 1995 vẫn thể hiện được tố chất của mình. Đặc biệt dưới tay HLV Quốc Tuấn, Công Phượng kiến tạo tốt hơn, đá phạt và sút xa hiệu quả hơn đúng với ý nghĩa của một số 10.
HLV Hữu Thắng bất lực trong việc dùng Công Phượng |
Đỉnh cao của Công Phượng phải nói đến là dưới thời HLV Miura ở U23 Việt Nam. Dù nhiều người cho rằng ông thầy người Nhật áp dụng lối chơi không hợp với tiền đạo HAGL nhưng anh vẫn bùng nổ với 4 bàn thắng. Đặc biệt là khả năng kiến tạo của số Phượng được nâng lên đáng kể ở U23 Việt Nam khi được đá sau lưng Mạc Hồng Quân hoặc Thanh Bình. Trước đó tại vòng loại U23 châu Á và các trận giao hữu, Công Phượng thi đấu rất đều chân. Nếu không ghi bàn thì anh cũng đóng góp lớn vào lối chơi, có thể là kiến tạo, đá phạt, phạt góc tạo điều kiện cho các đồng đội lập công.
Sự bất lực của Công Phượng không phải là thất bại duy nhất của Hữu Thắng khi ông cố gắng đưa ra những thử nghiệm tại vòng bảng AFF Cup 2016.
Trở về con số 0 dưới thời HLV Hữu Thắng
Chắc chắn sẽ có những so sánh rằng U19, U21 và U23 rất khác với ĐTQG. Điều này không phải không có lý nhưng đa số các cầu thủ tỏa sáng ở đội U23 thì đều có thể chơi tốt ở ĐTQG. Bóng đá Việt Nam cũng chưa bao giờ nằm ngoài ngoại lệ này. Văn Quyến, Công Vinh, Phan Thanh Bình lập tức trở thành tiền đạo chủ lực của ĐT Việt Nam sau kỳ SEA Games 22 và 23. Chẳng nói đâu xa, nhìn cách Văn Thanh, Văn Toàn, Xuân Trường (chưa kể Tuấn Anh chấn thương) tỏa sáng ở ĐTQG cho thấy đó không phải chiếc áo quá rộng với Công Phượng. Thế nhưng ngược lại với các đồng đội thì chân sút người Đô Lương là một trong những nỗi thất vọng lớn nhất tại AFF Cup 2016.
Công Phượng không thể hiện được bất cứ điều gì thời Hữu Thắng |
Người ta có thể bao biện rằng Công Phượng ít được ra sân trong mùa giải 2016 ở Mito nhưng Tuấn Anh và Xuân Trường cũng vậy. Thậm chí số trận chính thức của tiền đạo này còn nhiều hơn cả Tuấn Anh. Quan trọng hơn, không ra sân tại J-League 2 không có nghĩa là ngồi chơi trên ghế dự bị. Tuần nào, các cầu thủ trẻ và dự bị cũng có những trận đấu ở giải dành cho đội hình B. Và khi mà Tuấn Anh, Xuân Trường ngày càng tạo sức ảnh hưởng ở ĐTQG thì vấn đề chắc chắn không nằm ở tiền đạo này. Mà là hệ thống đấu pháp và cách dụng binh của HLV.
Việc Công Phượng thi đấu rất tệ trong thời gian qua có trách nhiệm hàng đầu thuộc về HLV Hữu Thắng. Gần như chiến lược gia 45 tuổi chỉ đưa tiền đạo này vào sân để làm vui lòng NHM và phần nào đó hy vọng anh tự tỏa sáng bằng cách pha solo. Điều này dẫn tới nguyên nhân Công Phượng di chuyển rất thiếu hợp lý, anh cũng không biết làm thế nào để phối hợp với các đồng đội, khi nhận bóng thì vị trí cũng là quay lưng với khung thành đối phương. Nếu chiến lược gia 45 tuổi phân công cho Phượng một nhiệm vụ cụ thể thì có lẽ màn trình diễn không đến nỗi thất vọng như thế. Mỗi khi vào sân, anh vẫn được đá sau lưng Công Vinh nhưng thi đấu rất bị động, di chuyển lung tung vì không biết nhiệm vụ thật sự của mình là gì.
Khả năng thật sự của Hữu Thắng đã được bộc lộ |
Kết luận
Việc Công Phượng đánh mất chính mình có lỗi lớn thuộc về HLV. Điều này được dự báo trước bởi Hữu Thắng vốn là một HLV điển hình kiểu V-League, ông chỉ biết dùng các tiền vệ biên và tạt cánh cho tiền đạo to cao bên trong tự giải quyết. Còn khi có trong tay một tiền đạo nội, có xu hướng đá hộ công, có nhiều tố chất đặc biệt như tiền đạo 21 tuổi thì ông rất lúng túng. Với một cầu thủ đã được khẳng định như Công Phượng còn như vậy thì thử hỏi khi dẫn dắt các cầu thủ rất mới của U22 Việt Nam tại SEA Games 29 thì sẽ như thế nào? Đừng ngạc nhiên nếu lại có thêm nhiều “Công Phượng” như tại AFF Cup 2016 được tái hiện.
Doãn Công (Theo Thể Thao Việt Nam)