Một ngày sau trận giao hữu lượt về với Singapore, HLV Calisto và các học trò sẽ trở lại TPHCM. Ông chọn mảnh đất này vì thời tiết khá tương đồng với Bangkok. Nhưng những lo ngại cứ ăm ắp.
Các sân bóng cỏ lá to ở TPHCM vẫn như cơn ác mộng với một bộ phận rất lớn với các cầu thủ phía Bắc (vốn đã quen với mặt sân cỏ chỉ). Theo các chỉ số kỹ thuật, sân cỏ lá to có độ hấp thụ cực lớn, khiến thể lực của cầu thủ bị tiêu hao rất nhanh. Ma sát cực lớn của mặt sân, nên các đường chuyền sệt thiếu lực, rất dễ bị bắt bài. Chưa một ai quên nỗi ám ảnh các tuyển thủ, trước và trong Cúp quốc tế TPHCM hồi đầu tháng 10. Nếu như hệ thống sân tập ở Trung tâm Thành Long – đại bản doanh quen thuộc của tuyển VN mỗi lần du Nam, khá mấp mô, thì SVĐ Thống Nhất cũng không khá hơn, khi không có một quy trình bảo dưỡng, trong suốt thời gian dài, lại bị bóng đá “phủi” cày nát hàng tuần.
ĐTVN sẽ bước vào một tuần đầy khó khăn |
Cụm sân ở Trung tâm Thành Long, thậm chí còn “nuốt” mật độ các trận bóng phủi cao hơn nhiều, đặc biệt là những ngày cuối tuần. Mặt cỏ nhàu nát, bóng bị “phốt”, ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố kỹ thuật, trong các miếng phối hợp ở tốc độ cao.
TPHCM nói riêng và khu vực miền Nam nói chung, vẫn chưa dứt mùa mưa. Trời mưa, sân trơn rất dễ gây chấn thương. Trung tuần tháng 9, đội tuyển gần như đã lành lặn hoàn toàn sau thời gian trú tại Hàm Rồng – Gia Lai. Tuy nhiên, chỉ hơn 10 ngày tập luyện ở TPHCM sau đó, danh sách chấn thương cứ ngày một dài. Mất mát lớn nhất của tuyển VN, là chấn thương của Như Thành vì phải mất hơn 2 tháng sau, Thành “kếu” mới có thể trở lại.
Ngót một thập niên làm bóng đá và ăn gạo phương Nam, ông “Tô” phải biết rất rõ những yếu tố về mặt sân bãi và thời tiết. Nên việc chọn TPHCM làm chặng dừng chân cuối cùng, trước khi bước vào cuộc chiến thực sự ở AFF Suzuki Cup, hẳn HLV Calisto đã phải có những định liệu. Câu hỏi là đội bóng sẽ tiếp tục “nhồi”, hay “nhả”, hay tập duy trì, trước giờ lâm trận? Chắc chắn sẽ không có chuyện “nhả” khối lượng vận động, khi HLV Calisto khẳng định, đội bóng mới chỉ đạt hơn 80% khả năng tốt nhất, tức chưa đạt đến điểm rơi. Nhưng khoa học thể thao cũng khẳng định, chẳng ai dại gì đi “nhồi”, khi giải đấu đã cận kề, khi hậu họa sẽ là những đôi chân mỏi và cảm giác no bóng. Phương án tối ưu lúc này là tập duy trì, tức vẫn giữ nguyên giáo án cũ, với những bài – miếng quen thuộc. Và điều đó có nghĩa rằng, đội bóng sẽ phải sống chung với những tiềm ẩn về nguy cơ chấn thương, trên mặt sân xấu, vì ông Tô còn luôn yêu cầu các cầu thủ chơi “hết chân” cả khi tập.
Sẽ phải có những tính toán hợp lý, trong thời điểm nhạy cảm, khi yếu tố ngoại cảnh không thật sự thuận lợi cho tuyển VN vào lúc này!
(Theo Thể Thao Văn Hóa)