Arsenal vs Barcelona: Khi học sinh giỏi gặp học sinh xuất sắc (1h45 ngày 24/02/2016)

Tác giả SW - Thứ Hai 16/05/2016 15:49(GMT+7)

Zalo
Khi chúng ta đi học trong mỗi lớp học thường có nhiều ‘‘loại’’ học sinh. Nhưng đã xếp vào hạng học sinh thành tích cao ở lớp thì có 2 loại chính. Loại 1 là bài tập nào trong sách giáo khoa là giải được hết, loại này thì hay để giải đáp thắc mắc của bọn học hành làng nhàng trong lớp mà ta hay gọi nó là bọn ‘‘học sinh giỏi’’. Loại còn lại rất ít khi chịu làm mấy bài ‘‘vớ vẩn’’ kiểu trong sách giáo khoa, loại này là để giải đáp thắc mắc của… thầy cô, được trao danh hiệu ‘‘học sinh xuất sắc’’.

Arsenal vs Barcelona: Khi hoc sinh gioi gap hoc sinh xuat sac
Arsenal vs Barcelona: Khi học sinh giỏi gặp học sinh xuất sắc

ARSENAL – ĐỘI BÓNG GIỎI CHƠI BÓNG ĐÁ ĐẸP
 
Tôi nhớ những ngày đầu được xem giải ngoại hạng, cái thời mà tivi còn chưa phẳng và mỏng như bây giờ, thì Arsenal đã chơi một thứ bóng đá đẹp làm mê say lòng người rồi. Cảm giác mỗi cuối tuần, bật tivi và được chứng kiến Arsenal thi đấu tại Highbury luôn thật đặc biệt. Highbury có thể không phải là hình mẫu tiêu chuẩn cho một sân vận động nhưng cái không khí ấy, thứ bóng đá tấn công tốc độ đến “ngộp thờ” ấy thực sự là tiêu chuẩn, tiêu chuẩn 5 sao. Ngày ấy Thierry Henry, Dennis Bergkamp hay Pires luôn là niềm tự hào của những Gooners và nỗi ám ảnh với đối thủ. Dàn cầu thủ ngày ấy của Arsenal cuốn hút cả những CĐV của United hay Liverpool – và trở thành một phần tuổi thơ của không ít người trong số họ. Cũng đơn giản thôi, khi chúng ta trẻ, chúng ta đơn thuần dễ thích thú với những thứ đẹp đẽ, kể cả là người yêu của đứa mình ghét… 
 
Bóng đá đã dần thay đổi, thực dụng hơn, tính toán và “kinh tế” hơn. Sau thế hệ bất khả chiến bại cùng mùa giải huyền thoại 2003-2004, Fabregas, Van Persie, Eduardo rồi Walcott, Wilshere, Rosicky và Alexis, Oezil, họ đều tài năng và đều đại diện cho một lối chơi đẹp, thứ ngày càng hiếm trong bóng đá hiện đại. Dường như thành công thì ngày càng xa lánh họ. 2 chức vô địch FA Cup liền trong 2 năm gần đây rõ ràng chưa thể làm thỏa mãn những cổ động viên chung thủy của Arsenal được, chưa thể làm người ta quên đi 8 năm vắng bóng danh hiệu trước đó. Bóng đá là vậy, có lúc thăng phải có lúc trầm, trong suốt 20 năm chèo lái con thuyền Arsenal, điều Wenger tiếc nuối nhất có lẽ không phải là 8 năm trắng tay kia, mà là chưa thể đưa đội bóng của mình lên đỉnh cảo của châu Âu. Lần mà Arsenal chạm gần tới cái đích đó nhất thì lại gặp phải chướng ngại quá lớn mang tên FC Barcelona. 
 
BARCELONA - ĐỘI BÓNG CHƠI BÓNG ĐÁ ĐẸP MỘT CÁCH XUẤT SẮC
 
Nếu như Arsenal là biểu tượng về lối chơi bóng đẹp của giải ngoại hạng thì Barcelona còn đưa bóng đá đẹp lên một tầm cao hơn. Bóng đá đẹp và hiệu quả. 
 
Cataluyna có bản sắc riêng của “đất nước mình” và ở đó Barcelona cũng thế. Từ thời kì của những ngôi sao Hungary Ladislao Kubala, Zoltán Czibor, Sándor Kocsis cho đến thời kì bóng đá tổng lực đến với Nou Camp dưới thời Rinus Michel và đỉnh cao là Dream Team của Cruyff đầu thập niên 90 với những Koeman, Laudrup, Stoichkov hay Romario; như Jose Bakero- một cựu cầu thủ của Barcelona đã từng nói “Truyền thống của Barcelona là lối chơi đẹp mắt và cống hiến. Barcelona còn hơn một đội bóng, đó là biểu tượng, là niềm tự hào của xứ Catalan và đôi khi điều đó quan trọng hơn cả kết quả” 
 
Nhưng Barcelona với triết lý của mình không phải không có những khoảng trầm của mình. Giai đoạn hậu “Dream team” của Johan Cruyff quả thật không dễ dàng. Đội bóng dù vẫn có những ngôi sao của riêng mình nhưng họ không thể có sự ổn định qua từng mùa giải và đáng buồn hơn họ phải chứng kiến kì phùng địch thủ Real Mardrid ngạo nghễ với 2 lần vô địch châu Âu trong giai đoạn ấy. Với Barcelona nếu bóng đá đẹp không thể giúp họ thành công, họ sẽ tìm kiếm thứ bóng đá đẹp hơn thế. 
 
Và đó là khi Frank Rijkaard và Ronaldinho xuất hiện và thứ bóng đá quyến rũ của Barcelona lại một lần nữa khuynh đảo châu Âu. Kể từ đó đến nay, một cách công bằng nhất Barcelona có lẽ chính là đội bóng xuất sắc nhất châu Âu. 4 chiếc cup châu Âu trong 10 năm đã nói lên điều ấy. Có những thứ đối với những đội bóng khác là xa xỉ, những pha chọc khe qua 3, 4 hậu vệ đối phương nhưng trận đấu cầm bóng đến 70% nhưng pha rê dắt qua người hay những pha đập nhả như được lập trình; thì đối với Barca đó là việc họ thể hiện hàng tuần. Những đứa trẻ lớn lên xem bóng, chơi bóng và bị ‘Barca hóa’. 
 
Đó là khi cả lũ chơi bóng và thằng chuyền hay nhất đội sẽ được gọi là Xavi. Đứa nào giỏi tâng bóng, đảo bóng giỏi nhất sẽ được xưng là Ronaldinho còn nếu đứa nào rê bóng qua cả đội đối phương và ghi bàn thì có thể hét vào mặt lũ bạn rằng “Thấy tao giống Messi chưaaa” . Là như thế, Barcelona là bóng đá đẹp và nếu không phải Barca thì không đội bóng nào xứng đáng là biểu tượng của bóng đá tấn công đẹp mắt cả.

KHI HỌC SINH GIỎI VÀ HỌC SINH XUẤT SẮC GẶP NHAU
 
Có lẽ vì cùng theo đuổi thứ bóng đá tấn công đẹp mắt mà Barcelona và Arsenal có không ít những cuộc đối đầu duyên nợ tại Champions League mà phần nợ đang thuộc về Arsenal.
 
Mùa giải 1999-2000 hai đội nằm cùng bảng. Trận lượt đi Arsenal đã thua tan tác 2-4 ngay trên Wembley bởi những bàn thắng của Rivaldo, Cocu, Figo và Luis Enrique trước khi may mắn cầm hòa Barca 1-1 trong thế thiếu người tại Nou Camp bằng bàn thắng muộn của Kanu.
 
Mùa giải 2005-2006 cũng là lần mà Arsenal của Wenger đến gần chức vô địch Champions League nhưng họ đã để vuột mất chỉ trong 5 phút bởi những bàn thắng muộn của Eto’o và Belletti.
Sau trận thua ấy Arsenal còn 2 lần liên tiếp chạm trán với Barca ở những vòng knock out và kết quả không có gì thay đổi khi đó đang là giai đoạn mà Tiki taka của Barca dần trở thành một thứ ‘Bất khả chiến bại’. Mùa giải 2009-2010 sau thất bại ê chề 1-4 tại tứ kết lượt về với 4 bàn thắng của Messi. Arsene Wenger đã phải thừa nhận và thốt lên rằng:

“Chúng tôi đã thất bại trước đội bóng mạnh hơn mình. Họ sở hữu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới - người biến điều không thể thành có thể. Messi chơi bóng cứ như thể trong game PlayStation vậy.” 
 
Đến mùa giải sau đó, một lần nữa Arsenal phải ôm hận sau trận thua 1-3 tại Nou Camp. Hẳn là cổ động viên của Arsenal chưa thể quên những lời nói đầy mỉa mai trước trận đấu của Pep Guadiorla về Wilshere, một trong những ngôi sao của Arsenal được rất nhiều CĐV Pháo thủ kì vọng vào thời điểm ấy:

“Anh ấy là một cầu thủ tốt. Nhưng tôi nghĩ Jack cần phải cảm thấy may mắn khi mà ở đội trẻ của chúng tôi có rất nhiều cầu thủ như thế, anh ấy được thi đấu bởi dường như không có bất kì áp lực nào về việc chiến thắng và giành những danh hiệu ở Arsenal”

Câu nói chẳng khác gì lời khẳng định của Pep về đẳng cấp vượt trội của Barca so với Arsenal và thực tế trận đấu đã chứng minh ông đúng. Arsenal thêm một lần ‘cúi đầu’ trước Barca, thêm một lần họ từ bỏ lối chơi để hi vọng cản được sức mạnh của Barca nhưng thêm một lần nữa thất bại.
 
Vậy đó. Arsenal và cổ động viên có thể luôn tự hào về lối đá đẹp của mình. Họ có thể mạnh dạn tuyên bố dù thua nhưng họ vẫn là những người chơi hay hơn, đẹp hơn trước mọi đối thủ. Mọi đối thủ nhưng không phải là FC Barcelona. Trước Barcelona, Arsenal dường như luôn có chút gì đó e dè, tự ti giống như cái cách “một đứa học sinh giỏi nhìn đứa học sinh xuất sắc vậy”. 
 
Duyên, nợ của Arsenal và Barca vẫn chưa thể hết khi mà lá thăm may rủi đưa hai đội- một lần nữa-chạm chán nhau ở vòng 16 đội Champions League. Sẽ lại một lần nữa ‘học sinh xuất sắc’ Barcelona chứng minh sự khác biệt trước Arsenal hay Arsenal sẽ lần đầu tiên khiến cho Barca phải cúi đầu và chứng minh ai mới là kẻ xuất sắc thật sự ? Câu trả lời dĩ nhiên sẽ chỉ có sau khi 2 lượt trận kết thúc nhưng ngay lúc này những người hâm mộ đã lại có thể hi vọng, chờ đợi về một cuộc chiến đẹp mắt giữa hai đội bóng “đẹp mắt” này.

SW (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Bayern Munich vs Arsenal: Mang Pháo vào hang Hùm

Hành quân đến Allianz Arena sau thất bại trước Aston Villa ngay trên sân nhà Emirates, các Pháo Thủ thành London rõ ràng không có một trạng thái tâm lý tốt trước trận lượt về với Bayern Munich, liệu họ có thể thể hiện bản lĩnh của mình trước những người chủ nhà cũng đang rất khát khao chiến thắng?

Inter Milan và "sứ mệnh" đánh bại ứng cử viên vô địch Man City

Đứng giữa Manchester City và cú ăn ba lịch sử là… Inter Milan. Nếu chúng ta tạm coi Man City, ứng viên vô địch yêu thích của đa số, là vai chính diện thì Inter Milan hẳn phải là kẻ phản diện của bộ phim “The Treble”. Có lẽ trừ Interista và đa số người hâm mộ United, phần còn lại của Thế giới bóng đá chờ đợi đội đăng quang tại Istanbul rạng sáng mai là “The Citizens”.

Carlo Ancelotti và Pep Guardiola: Cuộc đối đầu của 2 trường phái

Cuộc đối đầu giữa Pep Guardiola và Carlo Ancelotti sắp tới sẽ rất thú vị trên phương diện công việc của họ. Một người là triết gia bóng đá, một người theo trường phái thích ứng với thời cuộc và những gì mình có. Cả hai chuẩn bị đối đầu với nhau tại sân khấu lớn nhất của thế giới bóng đá châu Âu cấp CLB.

X
top-arrow