Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

ĐT Italia: Khi scandal tày trời trở thành động lực chiến thắng

Thứ Tư 02/06/2010 13:37(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Những ngày này 4 năm về trước, đội tuyển Thiên thanh chịu tác động nặng nề bởi vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử bóng đá Italia - Calciopoli, khi một nửa đội hình đến Đức dự World Cup 2006 là các cầu thủ Juve và Milan, những đội bóng chìm sâu nhất, bị ảnh hưởng nhiều nhất vì vụ scandal làm rung chuyển nền bóng đá Ý.

Thế nhưng, chính trong thế ở chân tường ấy, Italia đã chinh phục đỉnh cao của bóng đá thế giới. Dưới đây là câu chuyện về chặng đường đến vinh quang 4 năm trước của đội tuyển Italia, trong cơn sốc Calciopoli.

Đến Lippi cũng run lẩy bẩy

Thứ Hai, 22/5/2006, ngày tập trung đầu tiên của tuyển Italia ở trại tập Coverciano. Guido Rossi, chủ tịch lâm thời của LĐBĐ Italia (FIGC) xuất hiện trong bộ vét trắng hết sức bảnh chọe. Marcello Lippi giật mình thầm nhủ: “Đầu ta sắp rơi chăng?”. Vị HLV trưởng đội Thiên thanh có người con trai dính dáng đến scandal của công ty môi giới cầu thủ GEA World mà cha con Moggi điều hành và là một mấu chốt của vụ Calciopoli (trong đoạn băng ghi âm điện thoại, người ta nghe được Davide Lippi, con trai ông, nói chuyện rất sôi nổi với Luciano Moggi về việc dàn xếp vụ chuyển nhượng Cannavaro). Gương mặt của Lippi, lúc ấy không khác gì của một bị cáo đứng trước vành móng ngựa. Nhưng con người mặc áo vét trắng kia tuyên bố: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ở Lippi”. Vị HLV thở phào. Đấy quả là những ngày kinh khủng với ông.

Italia đã xuất sắc vượt qua cuộc khủng hoảng nặng nề Calciopioli để trở thành nhà VĐTG


Gigi Buffon như dán băng dính vào miệng. Anh im như hến và trốn tránh báo chí. Tên anh cũng có trong danh sách tình nghi của các viện công tố vì một đường dây cá độ. Totti và Del Piero hiển nhiên là không có gì để nói. Những người Azzurra cảm thấy mình đang bị bao vây và đe dọa. Họ chăm chú quan sát các nhà báo đang đứng chờ ở khu vườn của trung tâm. Nhưng các cầu thủ ngôi sao ấy không dám bước đến bên cánh báo chí, vì sợ sẽ chết chìm trong vô số những câu hỏi về vụ scandal. Cuối cùng thì đội trưởng Cannavaro lên tiếng, trước những câu hỏi về vụ chuyển nhượng anh từ Inter sang Juventus. Hậu vệ 33 tuổi này nói gọn lỏn: “Moggi đã làm rất tốt vụ chuyển nhượng này”. Del Piero cũng không thoát màn xử án của người hâm mộ. Zambrotta bỗng lên tiếng bảo vệ Scudetto của Juventus trong mùa bóng bị nghi ngờ dàn xếp 2004/2005. Nesta phá vỡ sự im lặng của khối Milan trong đội tuyển khi tuyên bố nửa kín nửa hở: “Trong một trận Juventus - Milan, tôi đã hiểu tất cả”.

Đáng lý ra Calciopoli phải chia rẽ đội tuyển thành 2 nửa, khi khối Juventus chống lại tất cả, nhưng kỳ diệu thay: Tất cả đoàn kết, nắm chặt tay và cùng gồng mình lên chống lại bão táp scandal. Sự kiên nghị và quyết tâm của Lippi càng giúp thêm cho họ sự tự tin. Nhóm nhạc Pooh sáng tác bài hát mới cho đội tuyển, trong đó có đoạn: Chúng ta cùng các bạn, các bạn cùng chúng ta. Tinh thần của Azzurra lên rất cao trên đất Đức, khi không ai nói ra lời, nhưng thầm hiểu một người vì tất cả, tất cả vì mọi người.

Calciopoli gắn kết toàn đội

Thứ Tư, ngày 7/6, đội tuyển hạ cánh xuống sân bay Dusseldorf. Các trận giao hữu lẻ tẻ với các CLB địa phương cho thấy những dấu hiệu đáng chán: Zambrotta và Gattuso không thể ra sân, Del Piero tịt ngòi, Totti chưa đạt phong độ và thể lực cần thiết. Trong khi đó diễn biến của cuộc điều tra Calciopoli ngày ngày ập lên đầu các cầu thủ, làm họ hoang mang hơn nữa. Một sự chuẩn bị lý tưởng cho một đêm đăng quang? Thật khó tin, nhưng với người Ý, đấy là sự thật. Họ thích tự làm cho cuộc sống của mình trở nên vô cùng tồi tệ, rồi sau khi tự đập đầu vào tường, họ trở nên thông minh hơn, hoạt bát hơn, mạnh mẽ hơn. 24 năm trước, Italia đã khởi đầu thế nào ở Espana ‘82? Một số cầu thủ còn chưa thoát khỏi những ám ảnh về vụ scandal dàn xếp tỉ số 2 năm trước đó, báo chí công kích đội tuyển, cáo già HLV Enzo Bearzot đóng cửa với giới truyền thông và những tiếng la ó vang lên sau 3 trận hòa ở vòng bảng. Thế rồi họ lên như diều và đăng quang ở trận chung kết. Tại trận mở đầu World Cup 2006 với Ghana, người Italia bắt đầu thở phào: họ thắng 2-0 nhờ các bàn thắng của Pirlo (cũng bị chỉ trích nặng nề như Marco Tardelli ở Espana ‘82) và Iaquinta (vụ triệu tập gây nhiều tranh cãi nhất).

Cái scandal đó vô tình đã kết nối Italia thành một khối bền vững, không gì phá nổi


Một ngày trước trận đấu với Mỹ, tin tức từ Italia cho thấy Juventus khó thoát khỏi án phạt kỷ luật thật nặng vì sự can thiệp quá sâu của Moggi vào nhiều trận đấu, vào giới trọng tài và FIGC, trong khi con trai của Lippi có nguy cơ ngồi tù. Italia khởi đầu suôn sẻ với bàn thắng mở tỉ số của Zac¬cardo, nhưng sau đó tự bắn vào chân mình với cú thúc cùi chỏ của De Rossi vào mặt tiền đạo McBride Mỹ, được rất nhiều lính Mỹ từ căn cứ không quân Ramstein gần đó đến sân làm khán giả ủng hộ, có bàn gỡ hòa. Người Italia lại chỉ trích Lippi và ông nổi cáu. Đội bóng bắt đầu có vấn đề. Trong buổi họp báo sau trận gặp Mỹ, Cannavaro và Gattuso trả lời phỏng vấn. Cannava¬ro nổ súng: “Tốt hơn là chúng tôi nên trở về với truyền thống phòng ngự kiểu Italia. Phòng ngự là điểm mạnh của chúng tôi”. Gattuso phụ họa: “Nếu không có những nhà vô địch có thể tự mình giải quyết mọi việc, tốt nhất là cần phải xây dựng một đội bóng công nhân”. Những tuyên bố ấy chẳng khác gì cuộc binh biến “tử tế” chống lại triết lý “tấn công tập thể” mà Lippi đã xây nên trong 2 năm qua.

Totti vẫn mất phong độ, Del Piero bồn chồn vì không được đá, hàng công tắt ngúm, báo chí mỗi ngày lại đăng thêm các tình tiết mới của vụ bê bối, với những giả thiết kinh khủng về các án phạt cho các đội đã dính đến Calciopoli. Họ cũng đồn thổi về việc một số cầu thủ Juventus đã bí mật liên lạc ra ngoài với người đại diện của mình để tìm cách chạy trốn vụ Calciopoli nếu Juve bị giáng hạng. Lippi căng thẳng. Trước các tuyên bố của những “nghị sĩ”, Lippi quay về tử thủ. Trận gặp Czech, ông chỉ bố trí một tiền đạo (Luca Toni, cho sơ đồ 4-3-2-1). Trước trận, ông họp toàn đội và tuyên bố ngắn gọn: “Chúng ta phải thắng bằng mọi giá”. Một lần nữa, Italia trong thế dựa lưng vào tường. Người hùng bây giờ là Marco Materazzi. Materazzi, thay Nesta chấn thương, đã nhô cao hơn tất cả như một VĐV nhảy sào để ghi bàn dẫn trước 1-0. Anh giải thích sau đó: “Tôi ngoi lên từ sự khao khát”. Khao khát chính là từ thích hợp nhất cho đoàn quân Thiên thanh: họ khao khát trả thù số phận sau rất nhiều những tranh cãi liên quan đến đội, nhưng cũng khao khát vinh quang. Bàn thắng ấn định thắng lợi 2-0 được ghi bởi một kẻ “đói khát” chiến thắng, "người đi câu" Pippo Inzaghi. Italia hạ Czech 2-0 và đứng đầu bảng để vào vòng 1/8, đối đầu với đội bóng có tiếng tăm rất khiêm tốn là Australia. Nhưng khởi đầu của Italia quá tồi tệ khi Materazzi bị đuổi và Australia bỗng nhiên đá hưng phấn cứ như là sau trận này họ không bao giờ được đá bóng nữa. Lo lắng, mệt mỏi và phải chơi thiếu người trong gần hết trận, Italia đi vào những phút cuối với nỗi sợ hãi, rằng trận đấu hoặc sẽ kéo dài thêm 2 hiệp phụ, hoặc bị Australia nhận chìm, bị loại và trở thành một nỗi nhục như đã từng thua CHDCND Triều Tiên ở World Cup 1966 và Hàn Quốc ở World Cup 2002. Thế nhưng khi trận đấu chỉ còn khoảng 30 giây nữa là kết thúc, trọng tài đã thổi một quả phạt đền hơi hào phóng cho Italia sau cú ngã của Grosso. Totti, mới vào sân, sút bóng ghi bàn. Động tác ăn mừng sau đó rất quen thuộc của một ông bố mới có con: Đưa ngón trỏ vào mồm mút mút.

Italia – Gianluca Pessoto, không thể chết
Khi sắp bước vào trận đấu ở tứ kết với Ukraina, tin tức về vụ tự tử của cựu tuyển thủ Gianluca Pessotto làm chấn động đội tuyển. Nhiều người tin rằng cựu hậu vệ Juve, tuyển thủ Italia và hiện đang là một quan chức của Juventus, đã tự tử do sức ép quá lớn từ vụ Calciopoli. Nhưng họ không sợ hãi và lo lắng nữa. Khối đoàn kết của cả đội càng trở nên chắc chắn hơn. Màn trình diễn ấn tượng và bàn thắng đẹp đẽ của Zambrotta là món quà thể hiện tình bạn sâu sắc và cao cả cho người đồng đội cũ Pessotto, lúc ấy đang hôn mê, vật vã chống lại cái chết. Anh tặng bàn thắng ấy cho Gianluca yêu dấu và áo trong của anh có dòng chữ Pessotto yêu dấu, chúng tớ bên cậu. Cả Italia xúc động và đội bóng biến những tình cảm đẹp đẽ thành các bàn thắng. Italia hạ 3 bàn không gỡ vào lưới Ukraina. Hai bàn trong đó do công của Luca Toni, người tỉnh dậy ở trận đấu thứ 5 trên hành trình World Cup, hệt như Paolo Rossi đã thức tỉnh đúng lúc ở Espana ‘82.

Ở bán kết World Cup, Italia gặp đội tuyển Đức. Italia đã có màn trình diễn đẹp nhất của họ tại World Cup: 2-0 trong hiệp phụ và Đức phải chia tay World Cup ngay trên sân nhà. Fabio Grosso ghi một bàn thắng đẹp, rất lãng mạn, rồi sau đó chạy ùa về phía đồng đội và kêu lên: “Đến tôi cũng không thể tin được”. Del Piero ghi bàn thắng thứ 2 trong một pha phản công mẫu mực, đúng vào cái ngày mà Tòa án thể thao giáng Juventus của anh xuống Serie B. Thủ tướng Romano Prodi đến chúc mừng đội trong phòng thay quần áo và hát toáng lên bài O Sole Mio (Mặt trời của tôi).

Vĩ thanh

Chủ nhật ngày 9/7/2006, tại Berlin, diễn ra trận chung kết World Cup 2006 giữa Italia và Pháp, đội đã đẩy người Ý từ thiên đường xuống địa ngục ở những giây cuối trận chung kết EURO 2000. Zinedine Zidane ghi bàn trên chấm phạt đền, Materazzi lại từ dưới đất nhảy lên đánh đầu ghi bàn san bằng tỉ số. Sau bàn thắng ấy, anh khóc và ngước mắt nhìn trời. Italia chống cự và chống cự, Buffon cứu tất cả những gì có thể cứu được, Cannavaro đá bằng 3 người cộng lại, thời gian cứ thế trôi đi và rồi Zidane, để bảo vệ danh dự cho người chị (ấy là anh bảo thế) đã thực hiện một cú húc đầu lịch sử. Không còn Zidane, các đợt tấn công của người Pháp yếu đi trông thấy, và Italia cám ơn Zidane vì hành động nóng nảy ấy. Kết cục của trận đấu phải được quyết định trên chấm phạt đền.

Quả penalty quyết định của Italia do công của Grosso, từng là cầu thủ vô danh và chẳng ai biết có tồn tại trên đời hay không. Hình như những gì xảy ra với Italia là một quy luật mà chỉ những người vững tim lắm mới dám đặt cược vào họ: Người Italia luôn thích làm những điều điên khùng và xuẩn ngốc nào đó trước các giải đấu lớn. Họ cứ phải tự đẩy mình xuống hố như thế, thì mới có đủ nghị lực, bản lĩnh để vươn lên tột bậc.

Fabio Cannavaro, người bị các tifosi huýt sáo la ó ở trại Coverciano và bị chủ tịch lâm thời Guido Rossi xạc cho một trận, giơ cao chiếc Cúp vô địch thế giới, trong khi cả nước Ý đổ xô ra đường ăn mừng và hát bài hát cổ vũ hết sức lạ đời po-po-po-po-po-po-po. Những tấm ảnh cuối cùng trong serie ảnh lễ ăn mừng chiến thắng là về các chính trị gia, những người đã từng im lặng và bỏ rơi đội Thiên thanh khi Calciopoli nổ ra, nay lại xúm đen xúm đỏ để chúc mừng đội tuyển chiến thắng.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)
 

Có thể bạn quan tâm

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Trong trận đầu tiên Ronaldo thi đấu ở La Liga 2017/18 sau khi hết án treo giò, Los Blancos đã bất lực trong việc ghi bàn, điều họ luôn hoàn thành trong 73 trận đấu liên tiếp trước đó. Bên cạnh sự xuất sắc của Adan, thủ môn do chính Real đào tạo ra thì bản thân dàn Galacticos cũng thi nhau bỏ lỡ cơ hội, tất nhiên bao gồm cả Ronaldo. Không thể ghi bàn, Los Blancos còn rơi vào bi kịch vào phút bù giờ cuối cùng khi bị đối thủ chọc thủng lưới.

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Ngôi sao Barca Lionel Messi đã thắng áp đảo đại kình địch Cristiano Ronaldo và người đồng đội Luis Suarez để giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu 2014/2015. Tại lễ trao giải, gương mặt Messi lúc nào cũng thường trực nụ cười tươi rói, còn CR7 lại giữ vẻ mặt lạnh lùng nhưng cũng vỗ tay chúc mừng đối thủ lớn của mình.

Xem thêm
top-arrow
X