Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Percy và Kagawa, thành công trên bàn giấy?

Thứ Bảy 25/08/2012 15:01(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Man United đã bỏ ra 38 triệu bảng để chiêu mộ 2 ngôi sao Van Persie và Kagawa. Đó là thành công của những ông chủ Mỹ. Nhưng từ thành công trên bàn giấy đến thành công trên sân cỏ là một câu chuyện rất dài...

1. Hầu hết các tài liệu bạn được đọc sẽ nói rằng Thảm họa hàng không Munich 1958, vụ tai nạn máy bay đã cướp đi sinh mạng của 44 người, trong đó có 8 cầu thủ của Man United đến từ lỗi kỹ thuật. Nhưng có một nguyên nhân sâu xa ít người nhớ đến: chính BTC giải VĐQG Anh đã ép M.U phải di chuyển bằng máy bay.

Nếu Champions League hiện tại quan trọng đến mức nhiều giải VĐQG sẵn sàng bố trí lịch nhẹ cho CLB ở trong nước, để họ có sức chinh chiến, thì thập kỷ 50, Cúp châu Âu mới ra đời và bị hết mực coi thường. BTC giải Anh cấm các nhà vô địch của họ không được dự giải, vì tin rằng nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giải quốc nội.

van persie
van persie

Chelsea, nhà vô địch mùa 1955/56 chấp nhận lệnh cấm này, nhưng M.U thì không. Tổng thư kí giải Anh Alan Hardaker đến văn phòng của HLV Matt Busby, đưa ra lời yêu cầu ông không được dự Cúp châu Âu. Sir Busby cười nhạt, rồi nói toẹt vào mặt ông TTK rằng, những kẻ ngồi bàn giấy như ông, cả đời không xỏ giày vào sân, sẽ không bao giờ hiểu những kẻ như chúng tôi.

Alan Hardaker không nhượng bộ: lịch thi đấu của giải Anh sẽ không thay đổi vì M.U dự Cúp châu Âu. Kết quả là Sir Matt Busby phải đưa ra một quyết định đầy mạo hiểm. Họ sẽ di chuyển bằng máy bay giữa Anh và Nam Tư, để trận gặp Sao Đỏ Belgrade không ảnh hưởng đến lịch thi đấu giải Anh. Và ngày định mệnh ấy, thảm họa xảy ra…

2. Những kẻ ngồi bàn giấy sẽ chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế hoặc chính trị của họ. Sẽ không bao giờ có sự đồng cảm giữa những phép tính kinh tế và những bài toán chuyên môn. Thảm họa Munich chỉ là ví dụ đau thương nhất. Sự mâu thuẫn ấy chưa bao giờ kết thúc.

Hãy nghĩ về đội hình của M.U hiện tại. Những CĐV bình thường nhất cũng dễ nhận ra họ thiếu vị trí nào: tiền vệ trung tâm, nơi Fletcher đau yếu, Cleverley non nớt và Anderson chưa bao giờ “lớn”. Chính ở vị trí ấy, Sir Alex đã có một động thái đầy tính “hoàn cảnh” là gọi Paul Scholes đã treo giày quay lại phục vụ đội.

Hôm qua họ đã hỏi mua một tiền vệ trung tâm. Đó là Hector Herrera, người vừa giành HCV Olympic London 2012 cùng Mexico. Cầu thủ của Pachuca được định giá khoảng… 2 triệu bảng.

2 triệu bảng? Trong khi họ đã mua hai ngôi sao tấn công với tổng trị giá 38 triệu bảng, để tăng cường một hàng công 7 người, mùa giải năm ngoái chỉ ghi ít hơn Man City 4 bàn?

Mọi chuyện đều có lý do của nó. Kagawa là một người Nhật, có thể giúp các ông chủ Mỹ thâu tóm thị trường giải trí lớn thứ hai thế giới. Van Persie cũng thế, là một quân đẹp trong ván bài thương hiệu. Họ mới phát hành cổ phiếu ra công chúng, và bây giờ là lúc cần sự sáng láng, tạm gác lại cái gọi là “nhu cầu thiết thực”.

3. Van Persie được mua về vội vã khi mà chính Sir Alex cũng chưa tìm ra cách sử dụng anh, điều mà chính ông gián tiếp thừa nhận sau trận thua Everton. Nhưng nói như chuyên gia kinh tế Simon Kuper: thương vụ ấy giúp các ông chủ “trông tử tế hơn”.

38 triệu bảng ấy, phân bổ hợp lý hơn, họ có thể có bất kỳ tiền vệ trung tâm giỏi nào, Sneijder, Schweinsteiger, hay là Jack Rodwell, người mà Sir Alex muốn có từ lâu nhưng giờ đã về Man City.

Nhà Glazer trông đã tử tế hơn. Thị trường Nhật Bản cũng đang hứng khởi. Những kẻ ngồi bàn giấy đã xong kế hoạch của họ. Mọi thứ phát sinh khác, cứ để người-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy giải quyết.

Chắc là cũng sẽ ổn thôi, mọi thứ đã như thế cả nửa thập kỷ nay - có lẽ họ nghĩ vậy.

(Theo báo Bóng đá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X