Thứ Tư, 05/06/2024Mới nhất
Zalo

EURO 2012: Những xu hướng chiến thuật cơ bản

Thứ Bảy 16/06/2012 16:58(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

EURO 2012 sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu bạn hiểu rõ về việc các đội bóng chơi ra sao và vạch kế hoạch chiến thắng như thế nào. Sau chặng đầu tiên của vòng bảng khi tất cả các đội bóng lớn đều đã ra mắt, những xu hướng chiến thuật cơ bản cũng đã được định hình.

Hệ thống một tiền đạo lên ngôi

Có tới quá nửa, chính xác là 10 trong số 16 đội tham dự EURO 2012 sử dụng sơ đồ một tiền đạo, hoặc là 4-3-3, hoặc phổ biến hơn, 4-2-3-1. Ảnh hưởng của bóng đá ở tầm mức câu lạc bộ, thông qua những đội đã vô địch quốc gia tại các giải lớn của châu Âu, được phản ánh rất rõ ràng lên đội tuyển quốc gia. Manchester City ở Anh, Real Madrid ở Tây Ban Nha, Montpellier ở Pháp và Borussia Dortmund ở Đức, tất cả đều đã đăng quang với sơ đồ một tiền đạo. Điều tương tự cũng đúng ở cấp độ châu lục, với hai nhà vô địch Champions League và Europa League lần lượt là Chelsea và Atletico Madrid cũng chỉ có duy nhất một chân sút trong đội hình xuất phát.

Sự thịnh hành của hệ thống 4-2-3-1 còn có thể được giải thích bởi triết học bóng đá theo kiểu Tây Ban Nha và Barcelona, cầm bóng càng nhiều càng tốt, đã trở thành một xu hướng thời thượng. Đội hình với năm tiền vệ, bao gồm hai người đá trung tâm và ba người cơ động phía trên, giúp các đội bóng có thể hạn chế tối đa khả năng sát thương của đối thủ đồng thời duy trì lực lượng đông đảo để giữ và phân phối bóng tại giữa sân.

Huấn luyện viên Tây Ban Nha Vicente del Bosque có lẽ sẽ không còn sử dụng sơ đồ 4-6-0 kỳ lạ sau trận mở màn thất vọng
Huấn luyện viên Tây Ban Nha Vicente del Bosque không còn sử dụng sơ đồ 4-6-0 kỳ lạ sau trận mở màn thất vọng

Tất nhiên, những áp dụng trên thực tế và cụ thể sẽ phải tùy vào những nhân sự mà các huấn luyện viên có trong tay. Những đội bóng mạnh hơn thường có khuynh hướng sử dụng hai tiền vệ trung tâm một công một thủ, trong khi các chiến lược gia với tư duy thận trọng dùng cả hai tiền vệ phòng ngự. Hãy so sánh Đức và Hà Lan ở bảng C.

Huấn luyện viên Hà Lan Bert van Marwijk đã tỏ ra thận trọng một cách không cần thiết khi dùng hai cỗ máy quét Mark van Bommel và Nigel de Jong trước đối thủ yếu hơn Đan Mạch. Hệ quả là thế trận tấn công của đội bóng áo cam thiếu mất khả năng tạo đột biến từ phía sau, trở thành một cuộc bắn phá hỗn loạn mang tính cá nhân và kết thúc với thất bại bất ngờ nhất ở loạt đầu tiên.

Trái lại, Joachim Loew của tuyển Đức lựa chọn hai tiền vệ trung tâm một tiến một lùi. Sami Khedira làm công việc ăn no vác nặng trong khi Bastian Schweinsteiger tham gia một cách tích cực vào việc tổ chức và triển khai tấn công. Đức còn xa mới đạt đến sức mạnh mà mọi người kỳ vọng ở họ sau trận ra mắt khá nhạt nhòa với Bồ Đào Nha, nhưng ít ra họ đã có trọn ba điểm một cách xứng đáng, một phần quan trọng là nhờ vào tư duy bóng đá tích cực của Loew, dù vẫn là đội hình 4-2-3-1.

Quyết định thắng bại ở hai cánh

Trong bối cảnh sự lên ngôi của hệ thống một tiền đạo, những gì xảy ra sau lượt trận đầu tiên cho thấy không phải chân sút duy nhất trong đội hình, mà chính sự cơ động và linh hoạt ở hai cánh mới có ý nghĩa sống còn và quyết định thắng bại. Một ví dụ có thể đưa vào sách giáo khoa bóng đá là trận Nga - Cộng hòa Czech. Alexander Kerzhakov, tiền đạo cắm đá chính của Nga, là một trong những cầu thủ gây nhiều thất vọng nhất suốt 90 phút, bị thay ra giữa chừng và không hề vượt trội so với người đá cùng vị trí đối địch Milan Baros.

Tuy nhiên, đội bóng của huấn luyện viên Dick Advocaat vẫn có thể nã tới bốn bàn vào lưới đối phương, chiến thắng đậm nhất và ấn tượng nhất ở loạt đầu. Sở dĩ Nga có thể làm như thế là bởi họ đang sở hữu hai cầu thủ chạy cánh chơi vào loại hay nhất giải. Andrey Arshavin và Alan Dzagoev thực sự là ở ngoài tầm kiểm soát của các hậu vệ Czech chậm chạp nhưng lại hay dâng cao. Đặc biệt là tiền vệ 22 tuổi của CSKA Moskva. Không chỉ ghi hai bàn, Dzagoev là nhân tố chính gây ra những đợt hoảng loạn liên tục phía trước khung thành Petr Cech trong 90 phút ở Wroclaw.

Nga còn hơn các đối thủ khác ở chỗ bộ ba tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 4-3-3 của họ, Igor Denisov, Konstantin Zyryanov và nhất là Roman Shirokov, không chỉ là những cầu thủ phòng ngự thuần túy. Shirokov đã ghi một bàn ở trận thắng Czech, bàn thứ tư trong năm trận gần nhất của anh cho tuyển Nga. So sánh con số đó với chỉ một bàn của Kerzhakov trong cùng thời gian, có thể mạnh dạn nói rằng người quyết định cục diện trong sơ đồ một tiền đạo lại không phải là tiền đạo.

Tất nhiên cũng có những ngoại lệ, như Robert Lewandowski ở Ba Lan hay Mario Gomez ở Đức, những tiền đạo cắm trong sơ đồ một tiền đạo đã lập công sau lượt đầu tiên. Tuy nhiên, hai bàn đó (có thể tính thêm cả bàn của Roman Pavlyuchenko cho Nga sau khi vào sân thay người) vẫn là quá ít so với sáu bàn của các cầu thủ đá cánh, trong đó hầu hết là những bàn có ý nghĩa sống còn. Dimitris Salpingidis ghi bàn gỡ hòa cho Hy Lạp sau khi vào sân thay người. Cú đúp của Dzagoev cho Nga. Vaclav Pilar lập công cho Czech. Michael Krohn-Dehli ghi bàn duy nhất giúp Đan Mạch tạo ra cú sốc lớn nhất lượt đầu trước Hà Lan. Cuối cùng là cú sút xa thần sầu của Samir Nasri gỡ lại một điểm cho Pháp trong trận gặp Anh.

Nhưng ảnh hưởng của các cầu thủ chạy cánh rõ ràng không chỉ nằm ở số lượng bàn thắng. EURO lần này chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy với bóng đá châu Âu khi rất ít đội nào sở hữu một trung phong săn bàn đích thực. Những ngôi sao lớn nhất đều là những tiền vệ đá cánh, Cristiano Ronaldo chắc chắn nổi bật hơn hẳn Helder Postinga. Franck Ribery và Samir Nasri được chờ đợi nhiều hơn Karim Benzema. Robin van Persie đã gây thất vọng lớn so với những gì mà Wesley Sneijder và Arjen Robben thể hiện. Kerzhakov chỉ là cái bóng mờ bên cạnh Dzagoev và Arshavin…

Sơ đồ hai tiền đạo

Mặc dù thịnh hành, hệ thống một tiền đạo không phải là lựa chọn duy nhất ở EURO lần này và dựa trên những gì các đội đã thể hiện, còn quá sớm để cho rằng đội hình 4-4-2 cổ điển đã là dĩ vãng. Có bốn đội sử dụng hệ thống này ở EURO 2012. Croatia và Ireland gặp nhau với chiến thắng cho Croatia. Anh có được một trận hòa đáng hài lòng trước Pháp của Laurent Blanc, còn chủ nhà Ukraine đã đánh bại Thụy Điển. Tức là, ngoài cuộc chiến giữa hai đội đều chơi theo kiểu cổ điển Croatia và Ireland, cuộc chiến 4-4-2 và 4-2-3-1 (hoặc 4-3-3) hiện đang có tỉ số nghiêng về đội hình kiểu truyền thống: một thắng, một hòa.

Một điểm mạnh nổi bật của hệ thống 4-4-2 là khả năng xoay chuyển để thích ứng với tình thế cụ thể trên sân. Nếu như các đội chơi 4-2-3-1 đều rất giống nhau về bố trí nhân sự và đòi hỏi kỹ năng ở từng vị trí, thì 4-4-2 mang tới những lựa chọn hết sức đa dạng khi thực tế cả bốn đội chơi với đội hình này ở Ba Lan và Ukraine, không đội nào giống đội nào.

Croatia đá với một tiền vệ trụ, Ognjen Vukojevic, ba tiền vệ tấn công có thể hoán đổi vị trí cho nhau liên tục Ivan Perisic, Luka Modric và Ivan Rakitic cùng cặp trung phong lợi hại Nikica Jelavic-Mario Mandzukic gần như chơi ngang nhau. Ireland là đội hình khuôn mẫu truyền thống với hai tiền vệ trung tâm làm nhiệm vụ phòng ngự và thu hồi bóng Keith Andrews-Glenn Whelan và hai người đá cánh kiểu Anh Damien Duff, Aiden McGeady. Sơ đồ vốn dĩ đã cũ kỹ này, cộng thêm những con người thiếu khả năng sáng tạo, đã khiến thất bại của Ireland trước Croatia trở nên dễ hiểu.

Tuyển Anh của Roy Hodgson cũng đá 4-4-2, nhưng cơ động hơn và đôi khi cũng chuyển thành 4-2-3-1, với Ashley Young lúc thì chơi như tiền đạo lùi, lúc thì đá tiền vệ hộ công, tùy theo vị trí của hai cầu thủ chạy cánh Alex Oxlade-Chamberlain và James Milner cũng như thực tế trên sân là Anh có bóng hay không. Cuối cùng, Ukraine chơi với hệ thống 4-4-2 thiên hơn về phòng ngự với ba tiền vệ dàn hàng ngang Yevgeni Konoplyanka - Anatoliy Tymoschuk - Andriy Yarmolenko đằng sau tiền vệ kiến tạo Sergey Nazarenko và hai chân sút lão tướng Andrey Voronin - Andriy Shevchenko. Cả hai hệ thống này đã vận hành hết sức hiệu quả trước lần lượt là Pháp và Thụy Điển, những đội cùng chơi 4-2-3-1 khá khuôn mẫu. Nếu xét từng cá nhân trên sân, Anh và Ukraine khó lòng so sánh được với hai đối thủ của họ, lại một lý do nữa khiến các huấn luyện viên phải suy nghĩ lại về việc khai tử hệ thống 4-4-2 truyền thống.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Những thiên thần trên sân cỏ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, vì vậy khả năng để các cầu thủ nhận thẻ luôn rất cao. Nhưng trên thực tế, vẫn có những cái tên chưa từng bị đuổi khỏi sân lần nào. Dưới đây là những cầu thủ chưa từng nhận thẻ đỏ trong sự nghiệp.

Xem thêm
top-arrow
X