Munich, Milan hay Camp Nou, lịch sử luôn gọi tên Rijkaard

Tác giả Sói Bạc - Thứ Sáu 30/09/2016 17:19(GMT+7)

Zalo
Nếu được hỏi về một cái tên gợi nhớ về Cơn lốc da cam đã từng làm khuynh đảo thế giới bóng đá qua nhiều thời kỳ, bạn sẽ gọi tên ai? Đó có thể là thánh Johan Cruyff – biểu tượng của bóng đá tổng lực? Là van Basten với vũ điệu thiên nga vùng Utrecht mang về chức vô địch Euro 1988 cho Hà Lan? Là Dennis Bergkamp với bàn thắng đẳng cấp vào lưới Argentina tại World Cup 1998? Hay gần hơn và dễ nhớ hơn là Robin van Persie trong khoảnh khắc bay người đánh đầu làm bó tay thủ thành Iker Casillas ở World Cup 2014?...
Munich, Milan hay Camp Nou, lich su luon goi ten Rijkaard1
Munich, Milan hay Camp Nou, lịch sử luôn gọi tên Rijkaard
Có quá nhiều dấu ấn của những người Hà Lan ở đấu trường Châu Âu và thế giới. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu bạn không nhắc tới một người Hà Lan cũng đã bay trên sân cỏ Munich mùa hè năm 1988, một tiền vệ máu lửa quyết liệt ở San Siro và sau cùng là một chiến lược gia điềm tĩnh tại Camp Nou. Dù ở đâu chăng nữa, ở mỗi mảnh đất ông đi qua, người ta sẽ luôn nhắc đến ông như một phần của lịch sử, ông là Frank Rijkaard.
 
TỪ NGƯỜI HÀ LAN BAY TRÊN SÂN CỎ MUNICH 1988
 
Ngày 30 tháng Chín năm 1962 cậu bé Franklin cất tiếng khóc chào đời ở Amsterdam. Và cũng chính từ cái nôi bóng đá đã từng sản sinh biết bao huyền thoại ấy cùng với tài năng thừa hưởng từ người cha – một cầu thủ của vùng Suriname (cũ), cậu bé ấy đã sớm thể hiện những nét ưu việt của mình trên sân cỏ. Frank ở độ tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, đã ghi bàn ngay trong lần ra mắt màu áo Ajax. Cứ thế, trong suốt tám mùa giải ở Amsterdam, Rijkaard chiếm lĩnh vị trí không thể thiếu trong đội hình Ajax giành Cúp quốc gia 3 mùa giải và đoạt 1 chiếc European Cup II. 
 
Với phong độ ấy, Frank được gọi vào ĐTQG lần đầu tiên năm 1981, bên cạnh người bạn từ thời thơ ấu Ruud Gullit - huyền thoại của Ajax và ĐT Hà Lan. Nhưng chỉ đến khi gặp được chiến lược gia Rinus Michels – người luôn đề cao lối đá máu lửa tựa như câu nói đã trở thành thương hiệu:“Bóng đá là chiến tranh” thì khi đó đôi chân của chàng tiền vệ mới thực sự thăng hoa trong màu áo da cam. Với vị chiến lược gia, sức sáng tạo, tầm nhìn tốt cộng với một chút nóng nảy và sự mạnh mẽ của Frank là điều cần thiết cho ĐT Hà Lan lúc bấy giờ. 
Munich, Milan hay Camp Nou, lich su luon goi ten Rijkaard5
Rijkaard và Gullit - đôi bạn thân ở ĐTQG Hà Lan
Và tất nhiên, Euro 1988 là đỉnh cao của cơn lốc da cam mà Frank Rijkaard chính là nòng cốt trong đội hình tuyệt vời được dẫn dắt bởi “tướng quân” Michels lỗi lạc: Anh chơi cặp với Ronald Koeman và phía trên là bộ đôi tiền đạo van Basten – Gullit tạo thành một bộ khung hạ gục đoàn quân Xô Viết trong đêm Munich đáng nhớ, làm nên lịch sử cho xứ sở hoa Tulip. Có thể, sau này người hâm mộ vẫn còn nhắc đến kỳ Euro ấy với những khoảnh khắc ghi bàn tuyệt vời của Marco van Basten hay vai trò thủ lĩnh của Ruud Gullit nhưng đặc biệt hơn thế, là hình ảnh bộ ba người Hà Lan bay thăng hoa tại Tây Đức mà ở đó, Rijkaard là một mắt xích không thể thiếu, là bệ đỡ cho bộ đôi tiền đạo bay cao.
 
VÀ CƠN LỐC DA CAM RỰC LỬA THÀNH MILAN
 
Euro 88 ấy cũng đánh dấu sự kết thúc cho khoảng lặng trong sự nghiệp bóng đá của Frank. Trước đó, bản tính nóng nảy, nổi loạn và cái tôi quá lớn đã từng gây trở ngại cho anh ngay từ khi khoác áo Ajax những ngày tháng cuối, khi Johan Cruyff về dẫn dắt. Đỉnh điểm của những mâu thuẫn giữa cầu thủ cá tính và vị HLV khó tính đã khiến anh đi đến một quyết định bồng bột “sẽ không bao giờ chơi dưới sự chỉ đạo của Cruyff một lần nào nữa.” Một bản hợp đồng dang dở với Sporting Lisbon và một năm cho mượn ở Real Zaragoza là những kỉ niệm đáng quên đối với một cầu thủ ở tuổi 25 – độ tuổi đáng lẽ phải ở độ chín phong độ. Nhưng rất may, màn trình diễn thăng hoa ở Euro 88 đã cứu rỗi sự nghiệp của Frank. 
 
Arrigo Sacchi – HLV của Milan khi đó nhìn thấy được những điểm mạnh của anh: với khả năng đọc trận đấu tốt, những cú tắc bóng hoàn hảo và những cú sút nội lực, ông mong muốn anh trở thành một phần của đội bóng cho dù chiến lược gia người Ý biết rằng quá trình uốn nắn một con ngựa bất kham như Rijkaard không phải là chuyện đơn giản. Và phần còn lại trở thành lịch sử, cơn lốc da cam đi vào danh sách những huyền thoại của Milan sau năm năm thi đấu hoàng kim. Vẫn là bộ ba người Hà Lan bay nhưng là bay cao ở trời Ý: Frank, van Basten và Gullit trở thành hàng công nguy hiểm bậc nhất Serie A những năm cuối thập kỉ 80. Cùng với hàng phòng ngự chắc chắn có Baresi, Maldini, Milan vươn lên đỉnh cao nước Ý và Châu Âu khi liên tiếp nâng cao Scudetto và chiếc Cup Champions League danh giá cùng vô số danh hiệu khác trong 2-3 năm liên tiếp còn riêng anh ẵm về danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Serie A 1992 và Quả bóng đồng hai năm liên tiếp 1988-1989
Munich, Milan hay Camp Nou, lich su luon goi ten Rijkaard4
Bộ ba Hà Lan bay ở Milan
Cho dù vẫn còn điểm tối ở World Cup 90 khi anh có pha va chạm nhớ đời với Rudi Voller nhưng rõ ràng con ngựa bất kham này đã dần dần được Sacchi và sau đó là Capello thuần phục, cứ thế, không màu mè, khoa trương Frank cứ cần mẫn thi đấu ở tuyến giữa đội bóng đỏ-đen trở thành tiền vệ trụ hay nhất thời bấy giờ và nhận được nhiều cảm tình từ các Milanista ở San Siro. Giành được mọi danh hiệu cao quý từ cá nhân cho đến tập thể ở Milan, rõ ràng đó là điều Frank luôn mơ ước trên cương vị của một cầu thủ, để rồi khi chia tay đội bóng, anh vẫn luôn được nhớ về như một “chiến binh tích cực nhất trong những hoàn cảnh khó khăn nhất” – theo lời của Baresi.
 
ĐẾN NGƯỜI HÀ LAN NÓI ÍT LÀM NHIỀU TẠI CAMP NOU
 
Từ một cầu thủ nóng tính với không ít lần bị truất quyền thi đấu, với những chiếc thẻ đỏ không hề oan uổng, không ai nghĩ rằng khi ngồi vào chiếc ghế huấn luyện Rijkaard lại thay đổi nhiều đến thế. Và chính nét điềm tĩnh, thâm trầm đến mức phong nhã đã trở thành đặc trưng, Rijkaard đã mang một làn gió mới đầy tính nghệ thuật nhưng không kém phần rực lửa trong lối chơi của đội bóng xứ Catalunya để rồi thành công đến với ông như một lương duyên trời định. 
 
Trước đó, những chỉ trích, những sự tức giận của các CĐV đã từng đeo bám ông trong một khoảng thời gian dài, sau khi đưa ĐT Hà Lan vào tận bán kết Euro 2000, chỉ chịu thất bại trước Italia trên chấm phạt đền, và để Sparta Rotterdam xuống hạng lần đầu tiên trong lịch sử. Lại một lần nữa, người ta lại có lí do để mà hoài nghi, để mà ngờ vực khi BLĐ Barcelona chọn Frank làm HLV cho một đội bóng lớn đang ở thời kì khủng hoảng, nhất là khi chiếc ghế nóng ấy đang được cạnh tranh bởi những cái tên tài năng: Guus Hiddink và Ronaldo Koeman. Và người ta nói Laporta – chủ tịch Barca khi đó, chọn Rijkaard như ông liều đánh một canh bạc vậy.
Munich, Milan hay Camp Nou, lich su luon goi ten Rijkaard2
Rijkaard và Ronaldinho
Khi ông đến, Blaugrana đang ở ngã ba đường, với vị trí thứ 12 trên BXH La Liga. “Đội bóng như đánh mất tinh thần chiến đấu. Các cầu thủ đang chơi thứ bóng đá không phải của tập thể. Việc cần làm là tạo dựng bộ khung mới, tạo không khí mới mẻ cho các cầu thủ, hơn hết chúng tôi phải trở thành tập thể của những người thắng cuộc, tái thiết văn hóa chiến thắng mà chúng tôi đã đánh mất” – Rijkaard.
 
Đó là những lời nói đanh thép của Frank khi bắt đầu nhận công việc đầy thách thức ấy. Nhưng rõ ràng, khó khăn luôn là kẻ thù rình rập chỉ mong ông chực đổ sụp xuống. Vẫn là những ánh mắt đầy hoài nghi và nguy cơ bị sa thải đe dọa ông khi đội bóng để thua đại kình địch Real 1-2 ngay trên sân nhà tháng 12 năm 2003. Hai mùa bóng đầu tiên ở Camp Nou không hề dễ dàng với những chệch choạc đầu tiên của vị chiến lược gia trẻ tuổi đời và trẻ cả tuổi nghề, nhưng không vì thế mà ông cúi đầu chịu khuất phục. Ông rút ra những bài học sau thất bại và chọn thời điểm đúng lúc để mang về những cái tên mang lại thành công cho Barca sau này. Bên cạnh Ronaldinho tài năng, tháng Một 2004, một máy quét thực sự nơi tuyến giữa Edgar Davids xuất hiện tại Camp Nou. Sự tỏa sáng của bộ đôi Ronaldinho – Davids đã giúp Barca kết thúc mùa giải năm đó với vị trí thứ hai La Liga. Quan trọng hơn vị trí á quân, các Cule bắt đầu thấy được niềm tin nơi ông để rồi hai mùa bóng sau đó, họ say mê trong hạnh phúc ngập tràn. 
 
Khả năng nhìn người của Rijkaard trong khoảng thời gian đó thực sự có tác dụng. Những cái tên như Deco, Eto’o, Rafael Marquez, Larsson hay những tài năng của lò đào tạo trẻ như Puyol, Valdes, Xavi và Iniesta tạo nên bộ khung mạnh mẽ và ổn định nhất mà Rijkaard từng có trong tay với lối chơi tấn công đẹp mắt mà bản sắc chính vẫn mang tên Ronaldino. Thành công đáng nói hơn cả chính là hai chiến thắng thuyết phục trước Real Madrid ngay tại Bernabeu – điều mà ngay cả Johan Cruyff, Louis van Gaal hay Luis Aragones đều chưa thể làm được khi còn tại vị. Lối chơi kỹ thuật mang hơi hướng nghệ sĩ nhưng bùng nổ của Barca đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đội bóng, đưa đội bóng đến danh hiệu vô địch La Liga đầu tiên (2005) kể từ năm 1999 và đỉnh cao là chức vô địch Champions League 2005/06. Đánh bại Chelsea ngay tại Stamford Bridge với tỉ số 2-1, chiến thắng trước Milan tại San Siro với tỉ số 1-0 và cuối cùng là vinh quang trên sân Stade de France sau khi giành thắng lợi trong trận chung kết C1 trước Arsenal. Đó là sự đáp trả của vị HLV kiệm lời, không ồn ào và khoa trương dành cho những ngờ vực, chỉ trích cách đó hai mùa bóng.
Munich, Milan hay Camp Nou, lich su luon goi ten Rijkaard3
Messi - khám phá lớn nhất của Rijkaard khi còn tại vị ở Barca
Hai chức vô địch La Liga và một chức vô địch Champions League giúp Rijkaard có một vị trí trang trọng trong lịch sử Blaugrana. Cơn khát danh hiệu và đêm đen khủng hoảng đã được Frank và các học trò xóa bỏ bằng lối chơi rực lửa, bằng tinh thần chiến thắng cao nhất và hơn hết là cách dùng người tài tình của người Hà Lan trên băng ghế huấn luyện: Lionel Messi chính là bản hợp đồng đáng nói nhất mà người hâm mộ sau này vẫn có thể kể về Rijkaard như một công lao lớn mà ông đã làm được cho Barca.
 
Vinh quang nhanh đến thì cũng sẽ nhanh qua. Thành công nào tất yếu cũng sẽ đi đến suy thoái, Barca sau năm mùa bóng gắn bó với Rijkaard đã đến lúc cần phải có sự thay đổi. Ông chọn giải pháp ra đi sau khi không thể kéo dài những ngày tháng vinh quang của đội bóng xứ Catalunya và đương nhiên, những chặng đường sau đó với ông không thể còn trải hoa hồng như trước nữa…
 
***
“Một tiền vệ phòng ngự có tầm nhìn và sức mạnh. Tôi đã thi đấu cùng cậu ấy ở CLB và ĐTQG và cậu ấy là một trong những người giỏi nhất.” — Ruud Gullit 
 
“Chuyển đến Milan năm 1988 là bước chuyển quan trọng – Sacci đã biến cậu ấy trở thành một tiền vệ trụ đẳng cấp thế giới – người có khả năng ghi bàn. Dunga, Desailly, Keane và Vieira đều rất giỏi nhưng Frank mới là người giỏi nhất.” — Ronald Koeman
 
“Frank là HLV duy nhất khác biệt với những người còn lại. Với tôi, ông là HLV lí tưởng nhất cho Barcelona” - Deco
 
Từng ấy danh hiệu ở cấp CLB, cấp ĐTQG, từng ấy những bản hợp đồng giá trị sau này trở thành tài sản của Barcelona cũng như tinh thần chiến đấu rực lửa từ khi còn là một tiền vệ trụ tài ba đến khi trở thành một trong những vị HLV thành công nhất trong sự nghiệp cầm quân, Rijkaard xứng đáng trở thành biểu tượng cho thứ bóng đá đẹp – biểu tượng để những người Hà Lan, những Milanista và đặc biệt là những Cule sau này sẽ vẫn còn nhắc tới ông như một phần lịch sử tươi đẹp của họ.

VIC(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kylian Mbappe vs Barcelona: Thuốc đắng dã tật

Kylian Mbappe nuốt trọn những lời chỉ trích vì màn trình diễn ở trận lượt đi tứ kết Champions League 2023/24 gặp Barcelona, biến chúng thành động lực, rồi làm tất cả im lặng ở trận lượt về.

Khi Foden đã luyện cú sút của mình đạt tới cảnh giới hoàn hảo

Những pha chạm bóng nhẹ nhàng trước khi tung ra cú sút đều là những phong cách của cá nhân Foden. Anh luôn có một khả năng xử lý quả bóng rất nhẹ nhàng và linh hoạt kể cả khi dẫn bóng hay nhận bóng từ đồng đội. Kỹ năng ấy giúp Foden luôn đảm bảo trái bóng trong tầm kiểm soát của bản thân trước khi anh thực hiện một cú sút.

X
top-arrow