Klaas-Jan Huntelaar: Gã thợ săn trong vòng cấm (P1)

Tác giả CG - Thứ Năm 28/12/2017 17:49(GMT+7)

Zalo
Thập niên 60 tại New York, một làn sóng nghệ sĩ mới ra đời đã tạo nên một cuộc cách mạng. Cảm thấy mệt mỏi vì sự thống trị của những người theo chủ nghĩa biểu hiện với những tác phẩm khó hiểu, Donald Judd cùng Frank Stella và những người khác đã tạo nên những tác phẩm nhấn mạnh vào hình khối và chất liệu hơn so với mỹ thuật truyền thống. Cuộc cách mạng của họ được gọi tên là “Minimalism” (Chủ nghĩa tối giản), và tính nghệ thuật của nó thường không nhận được sự ủng hộ.
 
Klaas-Jan Huntelaar Ga tho san trong vong cam (P1) hinh anh
 
Ngày nay, chủ nghĩa tối giản đã biến thành một phương châm sống của những những người theo thiền đạo. Nhưng nếu Judd và Stella là những cầu thủ bóng đá ưu tú thì có thể họ sẽ trở thành Klaas-Jan Huntelaar, một tiền đạo mà khả năng được định nghĩa không gì đơn giản hơn ngoài khao khát ghi bàn. Anh có thể xù xì và không được yêu mến thế nhưng trong một trận đấu trở nên quá phức tạp cũng như rắc rối bởi những pivote và trequartista thì Hunterlaar đơn giản là một sự khác biệt. 
 
Cậu con trai thứ hai của ông Dirk-Jan và bà Maud chào đời vào tháng 8/1983 ở Voor-Drempt. Klaas-Jan sau đó đã được lựa chọn vào đội nghiệp dư của làng, nơi những màn trình diễn của anh đã thu hút sự chú ý từ các tuyển trạch viên của De Graafschaap. Dù mới chỉ 14 tuổi, anh đã ghi đến 64 bàn thắng trong màu áo đội dự bị Super Farmers (Biệt danh của De Graafschaap). Chính điều này đã thuyết phục PSV Eindhoven phải chiêu mộ bằng được tài năng trẻ này vào mùa hè năm 2000.
 
Gia nhập đội bóng chủ sân Philips Stadion khi mới chỉ là một cậu trai vụng về, đầu tóc lởm chởm, Hunterlaar được dẫn dắt bởi huyền thoại của PSV, Willy van der Kuijlen. Anh được đem cho mượn tại De Graafschap chỉ sau 1 lần ra sân ở Eindhoven. 9 trận đấu trôi qua mà không có nổi 1 bàn thắng; PSV tiếp tục đẩy anh tới đội bóng hạng nhất AGOVV Apeldoorn trong mùa giải 2003/2004 với ý định xa hơn là bán đứt cầu thủ của mình.
 
26 pha lập công trong đó có 3 cú hat-trick đã đưa anh trở lại Eredivisie, Heerenveen trả 100 nghìn euro để sở hữu Cầu thủ Xuất sắc nhất năm của giải Hạng nhất. Huntelaar giúp đội bóng có biệt danh Superfriezen bay cao với 33 bàn thắng và trở thành một trong những tay săn bàn đáng sợ nhất Hà Lan. Mỗi khi bóng lăn vào vòng cấm là anh đã có mặt ở đó với bản năng của một kẻ săn mồi tĩnh lặng. Và thành quả cho những nỗ lực ấy là suất tham dự UEFA Cup 2005. Tháng 1/2006, Ajax sau khi cảm thấy hài lòng và đủ thuyết phục liền bỏ ra 9 triệu bảng để có chàng tiền đạo này từ Superfreizen.
 
Những bàn thắng cứ thế liên tiếp xuất hiện. PSV bị trừng phạt ngay lập tức, cầu thủ mà họ từng “đuổi ra đường” 2 năm trước đã quay trở lại để “trút giận” trong trận chung kết KNVB Cup 2006. 2 pha lập công của Huntelaar đã giúp Ajax giành cúp và người Amsterdam có thể tự hào họ đang sở hữu một trong những tay săn bàn trẻ, tài năng bậc nhất châu Âu. Bất cứ một nghi ngờ nào còn xuất hiện đã bị đập tan trong năm tiếp theo với 35 bàn thắng. Mùa giải 2007/2008, Ajax thực sự đáng sợ khi có một trong những cặp tiền đạo hay nhất châu lục. Một Luis Suárez vô danh đến từ Groningen, thế nhưng anh và Hunterlaar đã bổ sung cho nhau để thi đấu thăng hoa trên đôi chân của mình. Bộ đôi này đã có 58 lần xé lưới đối phương trong tổng số 94 bàn thắng của Ajax mùa giải đó. Riêng Huntelaar đã sở hữu 33 pha lập công và trở thành cầu thủ đầu tiên ghi được trên 30 bàn trong một mùa cho một câu lạc bộ kể từ sau thành tích của Marco van Basten vào năm 1987.
 
Dù được chính người bị phá kỷ lục tín nhiệm trao chiếc băng đội trưởng, thế nhưng ai cũng biết quãng thời gian của Huntelaar ở Hà Lan đã phải kết thúc. Anh bắt đầu mùa giải mới với nỗ lực cải thiện thêm lối chơi của mình, anh lùi sâu hơn để tham gia vào việc tổ chức tấn công trước khi huấn luyện viên đẩy anh trở lại vào trong vòng cấm địa. Bên ngoài vòng cấm, anh chỉ là một cầu thủ trung bình thế nhưng khi đã ở trong khu vực 16m50, anh là một kẻ đáng sợ thực sự. 
 
Real Madrid chấm dứt những tháng ngày đắn đo bằng việc quyết định chiêu mộ Huntelaar vào tháng 1/2009. Thế nhưng khi mà mọi thứ tưởng chừng là một giấc mơ đẹp thì đột nhiên lại biến thành cơn ác mộng. Huntelaar rơi vào một trong những môi trường lộn xộn, căng thẳng và ngột ngạt nhất trong thế giới bóng đá. Những tín hiệu ban đầu đã không được như hứa hẹn. Sau khi các cổ động viên Real chào đón sự xuất hiện của anh với bài hát mang tính mỉa mai “Ronaldo ở đâu?”, Huntelaar bị loại khỏi đội hình tham dự Champions League. Mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. 
 
Klaas-Jan Huntelaar Ga tho san trong vong cam (P1) hinh anh 2
 
Chủ tịch Ramón Calderón dù đã có hai danh hiệu vô địch quốc gia liên tiếp ở Madrid thế nhưng triều đại của ông với những sự buồn tẻ trên thị trường chuyển nhượng khiến những cổ động viên đã quen với sự lôi cuốn của Galácticos không hài lòng. Khi ông từ chức giữa một cuộc bê bối bầu cử chỉ vài tuần sau thương vụ chuyển nhượng của Huntelaar, thời gian của cầu thủ người Hà Lan tại đây chẳng còn bao lâu.
 
Việc Florentino Pérez tái đắc cử đã hứa hẹn đưa câu lạc bộ trở lại với vẻ quyến rũ của nó. Sau khi khẳng định sẽ chiêu mộ Cristiano Ronaldo cộng thêm Karim Benzema và Kaká, điều này có nghĩa một ai đó ở câu lạc bộ sẽ phải ra đi. Với một đội bóng cần bổ sung nguồn ngân quỹ, Huntelaar là một trong những người bị coi là thừa thãi. 
 
Thực tế, đó là một vài tháng rất khó khăn. Với một chàng trai chưa bao giờ mạo hiểm sống xa gia đình ở Angerlo, việc thích nghi với nền văn hóa Tây Ban Nha và cuộc vận động bầu cử ở Madrid tỏ ra bị đi quá giới hạn. 8 bàn thắng trong 20 lần ra sân không bao giờ là đủ để thuyết phục tân huấn luyện viên Manuel Pellegrini về giá trị của anh. “Tôi đến trong một thời kỳ khó khăn của câu lạc bộ,” Huntelaar sau này thừa nhận. “Họ không trao cho tôi cơ hội, khiến tôi không có sự lựa chọn và phải tìm một cuộc chuyển nhượng.” Sau đó với 14 triệu euro, anh gia nhập AC Milan.
 
“Chúng ta đã chiêu mộ được Huntelaar nên cậu hãy ở lại.” Andrea Pirlo khi đó đã đặt 1 chân đến London sau khi bị lôi cuốn trước kế hoạch của Carlo Ancelotti về một cuộc cách mạng tại Chelsea. Silvio Berlusconi đang cố gắng thuyết phục tiền vệ người Italia ở lại. Thế nhưng sau này nhìn lại thì có lẽ anh đã mong muốn ra đi vì một kế hoạch khác.
 
Trận đấu đầu tiên của Huntelaar cho Milanisti có lẽ chăng ẩn chứa một sự dự đoán, một lời báo trước khi Diavolo thất bại 0-4 trong trận derby thành Milan. Mọi thứ tại đây ngày càng trở nên khó khăn, tiền đạo người Hà Lan không thể tỏa sáng trong vòng vây của các hậu vệ Italia. 
 
Klaas-Jan Huntelaar Ga tho san trong vong cam (P1) hinh anh 3
Klass-Jan Huntelaar: Gã thợ săn trong vòng cấm2
Tân huấn luyện viên Leonardo thích sử dụng một cầu thủ đa năng như Alexandre Pato và xông xáo như Marco Borriello hơn là Huntelaar. Trong khi đó, tiền đạo 36 tuổi Filippo Inzaghi là lựa chọn thứ ba. Điều này khiến cơ hội ra sân của Huntelaar ngày càng hiếm hoi. Chiến lược gia người Brazil muốn các bài tấn công phải linh hoạt hơn thay vì tiền đạo chỉ “mắc màn” trong vòng cấm địa. 
 
Cùng với sự xuất hiện của luật Công bằng tài chính, phó chủ tịch Adriano Galliani bắt đầu phải dần cân bằng lại đội hình. Huntelaar, người đã khiến đội bóng phải chi ra 14 triệu euro ngay mùa hè trước, là cái tên hàng đầu trong danh sách thanh lý. “Mọi thứ đều rất tuyệt ngoại trừ thứ bóng đá mà chúng tôi chơi,” anh thừa nhận. Và sau khi Zlatan Ibrahimović đến từ Barcelona, lời đề nghị trị giá 13 triệu euro của Schalke đã được chấp nhận. Với Huntelaar, đây là một cơ hội mà anh phải nắm lấy.
 
Bất chấp phong độ tại câu lạc bộ không được như ý muốn, anh vẫn nằm trong thành phần đội tuyển Hà Lan tham dự vòng chung kết World Cup 2010 tại Nam Phi. Dù đã lập công và kiến tạo trong hai trận ra mắt vào lưới CH Ireland 4 năm trước, thế nhưng vai trò của Huntelaar tại đội tuyển chỉ là thứ yếu trước những “nghệ sĩ” như Ruud van Nistelrooy hay Robin van Persie. 
 
(Còn nữa)

Lược dịch từ bài viết “Klaas is permanent: the Huntelaar way” của tác giả Christopher Weir trong ấn phẩm Netherlands của These Football Times.

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Nghịch lý Nicolas Jackson

“Hôm nay, Jackson vừa cầu thủ xuất sắc nhất vừa là cầu thủ tệ nhất trên sân - điều mà tôi chưa từng thấy trong bất kỳ trận đấu nào trước đây”, cựu danh thủ hiện đang làm việc tại Talksport - Stuart Pearce đã bình luận như thế về màn trình diễn của Nicolas Jackson trong thất bại 0-1 của Chelsea trước Man City ở bán kết FA Cup.

X
top-arrow