Daniele De Rossi: Một “tên ngốc” chất lừ

Tác giả Nam Khánh - Thứ Bảy 24/07/2021 20:51(GMT+7)

Zalo

De Rossi chỉ rời khỏi Roma khi bị buộc phải làm vậy, và ngay cả khi đó, ý tưởng về những ngày tháng “vừa dưỡng già, vừa kiếm bộn tiền” ở Mỹ hoặc Trung Quốc vẫn không phải là ưu tiên hàng đầu của anh. Thay vào đó, De Rossi đã sẵn sàng bay nửa vòng trái đất và giảm đi một khoản đãi ngộ lớn để gia nhập Boca Juniors, một giấc mơ mà anh muốn thực hiện. Cho đến cuối sự nghiệp, De Rossi vẫn là một "tên ngốc" đáng yêu và đáng mến trong bóng đá.

1. Năm 1989, Pantera vẫn chưa nổi lên thành một cái tên khủng trong giới metal, vẫn chưa kiếm được cho mình một hãng thu âm danh tiếng và chủ yếu chuyên chơi cover, nhưng tài năng tuyệt vời của tay guitar Dimebag Darrell thì đã được các ban nhạc nổi tiếng “đánh hơi” được. Thậm chí Dave Mustaine lừng lẫy đã gửi một lời đề nghị đến Darrell để mời anh trở thành lead guitar của Megadeth. 
 
Được Dave Mustaine coi trọng chắc chắn sẽ khiến bất kỳ tay guitar nào cũng cảm thấy sướng rơn, đã thế còn được mời trở thành lead guitar của Megadeth thì phải gọi là “sướng hết nấc” đối với một gã trai trẻ đang hết sức chật vật trên cuộc hành trình xây dựng một ban nhạc thành công như Darrell. Chỉ cần đồng ý lời mời kia, cả một tương lai hoành tráng sẽ mở ra trước mắt, đặc biệt là với năng lực thượng hạng của Darrell.
 
Nhưng câu trả lời mà gã đưa ra cho Dave là “cho Vince nhập bọn luôn, còn không thì dẹp”. Vince Paul là anh trai của Darrell, và lúc đó đang đảm nhận vai trò tay trống của Pantera. Dĩ nhiên Dave Mustaine không chịu, và thế là “chúng ta không thuộc về nhau”. 

Daniele De Rossi
Dimebag Darrell, guitarist của ban nhạc Pantera. Ảnh: Getty Images
 
Quyết định của Darrell nghe thật kỳ lạ và có phần “ngốc” – nhất là khi bạn biết rằng vào năm 1990, Megadeth đã cho ra đời Rust In Peace, một trong những album metal xuất sắc nhất mọi thời đại, cùng tay lead guitar mới là Marty Friedman (mặc dù cũng trong năm này, Pantera đã vươn mình ra thế giới với cực phẩm Cowboys From Hell). Nhưng điều kỳ lạ nhất là những tên “ngốc” như vậy lại có không ít trên thế gian này.
 
2. Tại Rome, Italy, vào một đêm nọ của mùa hè năm 2012, Roberto Mancini và Daniele De Rossi đã thảo luận trực tiếp với nhau về một động thái có thể tạo nên một cơn chấn động lớn đối với thế giới bóng đá. Nhà cầm quân người Italy muốn thuyết phục tiền vệ này rời bỏ tình yêu của đời anh, AS Roma, và gia nhập nhà đương kim vô địch của Premier League, Manchester City.
 
Ở thời điểm đó, De Rossi là một trong những tiền vệ xuất sắc nhất châu Âu. Bên cạnh phong độ tuyệt vời thể hiện trong màu áo AS Roma suốt nhiều năm trời, anh còn vừa trải qua một chiến dịch đáng nể cùng Italy ở Euro 2012, giải đấu mà Azzurri đã lọt vào trận chung kết. Tiền vệ người Italy đang được tận hưởng một giai đoạn thực sự thăng hoa – xét về mặt cá nhân – trong sự nghiệp quần đùi áo số của mình.  
 
Chuyển đến Man City trông có vẻ sẽ là một quyết định rất lý tưởng. Đối với Roma, ngay cả việc giành lấy một suất tham dự Champions League cũng đã là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, trong khi The Citizens là một CLB đang trên đà phát triển, được thúc đẩy một cách mạnh mẽ nhờ nguồn tài trợ từ những Sheikh của UAE, cũng như chức vô địch Premier League mà họ đã giành được một cách thuyết phục vào tháng 5. 
 
Trên lý thuyết, đó sẽ là một cuộc “kết duyên” đôi bên cùng có lợi, nhưng vào cái đêm mà cuộc thảo luận giữa Mancini và De Rossi diễn ra, tiền vệ kỳ cựu người Italy đã phải mất không ít thời gian để suy nghĩ, chìm sâu vào thế giới nội tâm của anh và không thể đưa ra câu trả lời một cách nhanh chóng. Đã nhiều tiếng đồng hồ trôi qua khi anh suy nghĩ về lời đề nghị của Mancini nói riêng và Manchester City nói chung, cân nhắc về quyết định rời khỏi “ngôi nhà thân yêu” của mình.
 
Cuối cùng, De Rossi đã quyết định sẽ hành động theo “lời mách bảo của trái tim”, và điều đầu tiên mà anh làm vào sáng hôm sau chính là gọi cho vị HLV trưởng của Manchester City và trực tiếp đưa ra lời từ chối với nhà cầm quân người Italy.
 
De Rossi không thể rời bỏ AS Roma. Rome và Giallorossi luôn là tình yêu đích thực của anh. 
 
Có lẽ, cũng tương tự như Dimebag Darrell và metal, Daniele De Rossi tuy là một cầu thủ đã cống hiến hết mình cho bóng đá, nhưng không hề nghĩ rằng bóng đá là tất cả đối với anh. Hai chữ “tình nghĩa” và được ở bên tình yêu của bản thân, sát cánh cùng những người mà bản thân yêu mến, luôn là những điều mà họ coi trọng nhất trong cuộc đời mình. 

Daniele De Rossi
Năm 2011, De Rossi đã nhận được lời đề nghị từ "gã nhà giàu mới nổi" Manchester City. Giai đoạn này, anh là một trong những tiền vệ hay nhất châu Âu. Cuối cùng, De Rossi quyết định ở lại AS Roma. Ảnh: AS Roma
 
Ngay từ khi còn nhỏ, tính cách này đã hiện hữu trong De Rossi. Năm 9 tuổi, anh đã từ chối một lời mời hết sức hấp dẫn từ AS Roma để ở lại Ostia, quê hương của anh, vì anh thích chơi bóng cùng những người bạn của mình. “Tình nghĩa” luôn là một nguyên tắc quan trọng trong cuộc đời De Rossi.
 
“De Rossi từng từ chối AS Roma” là một câu chuyện không nhiều người biết đến. Đó cũng là lần duy nhất anh làm điều này, sau một mùa giải trở thành cây săn bàn hàng đầu của Ostia Mare vào năm 1992. Chuyện anh đã khởi đầu sự nghiệp của mình trong vai trò tiền đạo trung tâm cũng tương đối ít người biết đến. 
 
Tất cả mọi đứa trẻ đều mơ ước được trở thành “bản sao” của người hùng mà chúng ngưỡng mộ, và đối với De Rossi, đó chính là Rudi Völler: Tiền đạo người Đức đã chinh phục trái tim của người dân thành Rome và khiến họ say đắm mình, phục vụ cho AS Roma từ năm 1987 đến 1992, ghi 68 bàn sau 198 lần ra sân. Sự ngưỡng mộ của De Rossi dành cho Völler lớn đến mức khi anh nhận được chiếc áo đấu Giallorossi đầu tiên như một món quà, anh đã nhờ dì của mình may một số 9 lên nó. 
 
Thậm chí, chính Völler đã từng trở thành HLV trưởng của De Rossi trong một thời gian ngắn vào năm 2004. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã không tạo ra những tác động lớn đến đời cầu thủ của De Rossi. Điều đó đến từ hai vị HLV khác. 
 
Người đầu tiên là Mauro Bencivenga – một nhân vật huyền thoại trong hệ thống đội trẻ của AS Roma. Theo lời kể của De Rossi, Bencivenga chính là người đầu tiên nhận ra tiềm năng của anh ở vị trí tiền vệ phòng ngự, và quyết định triển khai anh chơi tại đây, sau những ngày tháng hết sức chật vật ở vai trò tiền đạo trung tâm vốn là sở trường và hộ công – kể từ đó, De Rossi “chỉ có tiến không có lùi”.
 
Người thứ hai chính là Fabio Capello, HLV trưởng của Roma từ năm 1999 đến 2004. Cuối năm 2001, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, cuối cùng Capello cũng đã cho De Rossi có được lần ra sân đầu tiên cho đội một, trong trận đấu với Anderlecht tại Stadio Olimpico. Không lâu sau, màn ra mắt ở Serie A cũng đã đến với chàng trai trẻ này, trong một trận đấu với Como.
 
Đây chính là 2 trận đấu đầu tiên trong tổng 616 lần bước ra sân đấu trong chiếc áo Giallorossi của De Rossi. Đó là một cuộc hành trình dài đầy những thăng trầm, có không ít những chiến thắng và cả những khoảnh khắc cay đắng, những thất bại khi mà vinh quang chỉ còn cách một chút nữa và một vài danh hiệu. 
 
De Rossi đã phải đau đớn chứng kiến Roma của anh kết thúc ở vị trí á quân tại Serie A đến tận 6 lần trong 18 mùa giải. Những khoảnh khắc đau đớn còn bao gồm thất bại trước Lazio trong trận chung kết Copa Italia vào năm 2013, cũng như bộ ba trận thua nhục nhã 1-7 mà anh phải nếm trải trong những năm tháng khoác áo CLB này.
 
Nhưng sẽ thật nông cạn nếu định nghĩa sự nghiệp của De Rossi bằng những chiến thắng và thất bại – đây chắc chắn là điều mà hầu hết mọi người biết đến anh đều đồng tình. Tầm ảnh hưởng của De Rossi trên sân cỏ thật tuyệt vời, và hình ảnh của anh bên ngoài sân đấu cũng thể hiện sự chuyên nghiệp, nhân cách cao đẹp và khát vọng của một người đàn ông, và trên hết chính là tinh thần luôn coi lợi ích của tập thể là quan trọng nhất. 

Daniele De Rossi
Daniele De Rossi, người cận vệ vĩ đại của thành Rome. Ảnh: Getty Images
 
Trong một bài viết kể về cuộc đời mình được Antonio Rudiger đăng trên The Players Tribune, trung vệ người Đức đã kể về một khoảnh khắc diễn ra giữa mình và De Rossi ngay sau khi anh bị xúc phạm chủng tộc một cách khủng khiếp bởi các cổ động viên của Lazio. Hành động đó là minh chứng tuyệt vời cho nhân cách của tiền vệ người Italy:
 
“Bạn biết không, tôi rất thường xuyên nghĩ về Daniele De Rossi. Anh ấy đã đến gặp tôi sau trận đấu với Lazio và nói những điều mà tôi không nghĩ mình đã từng được nghe trước đây. Khi đó, tôi vẫn đang cảm thấy vô cùng tổn thương, vô cùng tức giận. De Rossi ngồi xuống bên cạnh tôi và nói, ‘Toni, anh biết mình sẽ chẳng bao giờ có cùng cảm nhận giống cậu. Nhưng hãy cho anh được hiểu nỗi đau của cậu. Điều gì đang diễn ra trong đầu cậu thế?’ 

Anh ấy chẳng đăng một tweet (dòng trạng thái trên Twitter) nào cả. Anh ấy chẳng đăng một hình vuông màu đen trên các tài khoản mạng xã hội của mình. Anh ấy chỉ đơn giản là quan tâm, lo lắng cho tôi. 

Rất nhiều người trong thế giới bóng đá đã đưa ra những tuyên bố công khai, nhưng họ chưa bao giờ thực sự quan tâm đến cá nhân bạn. Còn De Rossi thì thực sự muốn hiểu cảm giác của tôi. Anh ấy là một nhân vật biểu tượng của câu lạc bộ. Một huyền thoại. Khi tôi bước vào phòng thay đồ lần đầu tiên, chỉ cần nhìn thấy anh ấy thôi cũng đã khiến tôi cảm thấy mình như thể một thằng nhóc đang vô cùng lo lắng. 

Nhưng vào thời điểm khổ sở nhất của tôi, De Rossi đã quan tâm, lo lắng cho tôi với tư cách một con người. Anh ấy muốn thấu hiểu tôi.”
 
Đó chính là hình ảnh của một người thủ lĩnh đích thực, dù cho De Rossi chỉ có 2 năm đảm nhận vai trò đội trưởng của AS Roma bởi cái bóng quá lớn của Francesco Totti.
 
Cho dù là bạn yêu thích những pha tắc bóng của De Rossi – anh có hẳn hình xăm về một cú tắc bóng trên bắp chân – lối chơi salida lavolpiana của anh (một tiền vệ lùi xuống giữa các trung vệ để giúp phát triển bóng), những bàn thắng tuyệt vời mà anh ghi được, những màn ăn mừng đầy máu lửa của anh, hay sự chính trực của anh, nhân cách của anh, tinh thần chiến đấu của anh, khát khao thành công luôn rực cháy của anh, tính khí có phần nóng nảy của anh… luôn có những điều đáng tận hưởng ở De Rossi. 

Daniele De Rossi
Daniele De Rossi chơi trận chính thức đầu tiên cho Roma vào năm 2003. Ảnh: AS Roma
 
Rốt cuộc, ngay cả những đối thủ lớn nhất của cựu tiền vệ người Italy cũng sẽ phải thừa nhận rằng anh là một trong những cầu thủ chuyên nghiệp đáng nể nhất, một người đàn ông và một cầu thủ “chất lừ”.
 
Đương nhiên, không thể không nhắc đến câu chuyện De Rossi từng từ chối ra sân khi khoác áo ĐTQG Italy vào năm 2017. Khi ấy, Azzurri có HLV trưởng là Giampiero Ventura và đang rất cần ghi bàn trước Thụy Điển, nếu không làm được điều đó, họ sẽ có lần đầu tiên không được tham dự World Cup sau 60 năm.  
 
De Rossi có thể đã ghi được 21 bàn thắng trong xuyên suốt sự nghiệp thi đấu cấp đội tuyển quốc gia của mình, nhưng bằng bản năng của mình, cầu thủ tới từ Rome nhận thức được rằng đội tuyển Italy đang thiếu vắng một tia sáng mà anh không thể cung cấp.
 
“Ông bảo tôi phải làm cái quái gì cơ?” De Rossi nổi cáu. Anh giận dữ nhắc người trợ lý của Ventura “chúng ta phải thắng chứ không phải kiếm một trận hòa” và chỉ tay về phía Lorenzo Insigne. “Đưa cậu ấy vào sân đi!” anh yêu cầu. Đáng tiếc, Ventura đã bỏ qua lời khuyên đó và tất cả chúng ta đều biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. 
 
Nhân cách của De Rossi cũng đã được thể hiện khi anh nhanh chóng xin lỗi Stefano Mauri ngay sau một trận derby vì đã đấm đội trưởng của Lazio, thừa nhận sai lầm của mình và khuyến khích tinh thần “fair play” trong bóng đá. 
 
Nhân vô thập toàn là chuyện dễ hiểu, nhưng dám làm dám nhận vẫn là một hành động đáng nể hơn rất nhiều so với một số kẻ rõ ràng đã sai nhưng vẫn chối bỏ, thậm chí tự hào khoe khoang trước công chúng, dù cho trước đó đã rao giảng về “fair play”.

Daniele De Rossi
AS Roma là tình yêu của De Rossi. Ảnh: Getty Images
 
3. Tuy đã từng cùng Azzurri giành chức vô địch World Cup 2006, nhưng có lẽ thành tựu lớn nhất đối với bản thân De Rossi chính là lòng trung thành suốt 18 năm dành cho Roma. Ngay cả khi mọi thứ đang trở nên tồi tệ với CLB này, ngay cả khi những CLB giàu có hơn và các bản hợp đồng hấp dẫn hơn gõ cửa, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa rằng anh đang quay lưng với những danh hiệu, ngay cả khi điều đó có nghĩa là anh phải tiếp tục đứng sau cái bóng khổng lồ của “Hoàng tử thành Rome” Francesco Totti.
 
Tình yêu và niềm đam mê của De Rossi dành cho Roma đã mạnh mẽ hơn mọi cám dỗ khác. Nếu như quyết định đến Tây Ban Nha hoặc Anh, anh có thể sẽ được tận hưởng những vinh quang tuyệt vời ở bóng đá cấp CLB, còn ở Roma, De Rossi thậm chí không thể thường xuyên góp mặt ở Champions League. Nhưng Rome và AS Roma luôn là tình yêu của đời anh. 
 
Chưa từng có một lời phàn nàn nào khi Zdeněk Zeman trọng dụng Panagiotis Tachtsidis thay vì anh, và anh cũng từng dành rất nhiều lời khen ngợi đến Luis Enrique dù cho đã phải trải qua những thời điểm không vui với nhà cầm quân này. Những điều có lợi cho Roma chính là ưu tiên hàng đầu của De Rossi, và đó chính là cách mà mọi thứ luôn diễn ra. Lợi ích của CLB là quan trọng nhất, thậm chí đứng trên cả những mong muốn của De Rossi, và sự kết nối của anh với các cổ động viên, tình yêu mà anh nhận được từ ngày này sang ngày khác, chính là ánh sáng dẫn đường cho mọi quyết định. 

Daniele De Rossi
Rời Roma, Rossi gia nhập Boca Juniors, cũng là một đội bóng mà anh yêu quý. Ảnh: Getty Images
 
De Rossi chỉ rời khỏi Roma khi bị buộc phải làm vậy, và ngay cả khi đó, ý tưởng về những ngày tháng “vừa dưỡng già, vừa kiếm bộn tiền” ở Mỹ hoặc Trung Quốc – điều mà hầu hết những lão tướng khác sẽ làm – vẫn không phải là ưu tiên hàng đầu của anh. Thay vào đó, De Rossi đã sẵn sàng bay nửa vòng trái đất và giảm đi một khoản đãi ngộ lớn để gia nhập Boca Juniors – một CLB mang tính biểu tượng của Argentina. Theo chính De Rossi chia sẻ, một trong những ước mơ của anh chính là được chơi bóng ở La Bombonera, và sau khi hoàn thành nó, anh đã trở về ngôi nhà Rome của mình. 
 
Daniel De Rossi quả thật là một người đàn ông “chất lừ”.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Marc Cucurella - Hậu vệ cánh ảo: Bước ngoặt cho mùa giải của Chelsea-Pochettino

Kể từ hiệp 2 trận đấu trên sân Aston Villa hôm 28/4, Chelsea làm một đội bóng hoàn toàn khác. Đoàn quân của Mauricio Pochettino ghi 2 bàn trong 45 phút sau tại Villa Park để kết thúc trận đấu với tỉ số hòa 2-2. Và sau đó là 4 chiến thắng liên tiếp: 2-0 Tottenham, 5-0 West Ham, 3-2 Nottingham và mới nhất 2-1 Brighton.

Artem Dovbyk: Từ miền đất dữ tới thiên đường

Một mùa Hè đầy phần khích sẽ chờ đón Artem Dovbyk tại nước Đức trong kỳ EURO 2024 năm nay, bên cạnh danh hiệu Vua phá lưới La Liga (Pichichi) mà chân sút người Ukraine đang có được phần nào lợi thế trước những Bellingham, Lewandowski hay Alexander Sorloth… Quay trở lại quãng thời gian hơn một năm về trước, sẽ chẳng ai tin rằng ngôi sao thuộc biên chế Ukraine có thể vượt qua những hiểm nguy từ khói lửa chiến tranh để tìm tới đỉnh cao như hiện tại.

Lucas Perez: Người viết truyện cổ tích xứ Galacia

Tự bỏ ra 493.000 euro để phá vỡ hợp đồng với Cadiz, chấp nhận từ bỏ giấc mơ La Liga để quay về chiến đấu cùng đội bóng quê hương Deportivo ở giải hạng ba, tiền đạo người Tây Ban Nha có thể sẽ không bao giờ trở thành một ngôi sao xuất sắc nhất. Nhưng trong những câu chuyện cổ tích của thành phố La Coruna, chắc chắn sẽ luôn tồn tại một cái tên - Lucas Perez.

X
top-arrow