Arrigo Sacchi: Từ chàng bán giày đến huyền thoại Rossoneri

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Hai 21/11/2016 18:10(GMT+7)

Zalo
Khởi nghiệp chỉ là người bán giày, nghỉ hưu khi đã là huyền thoại, Arrigo Sacchi chính là người nâng chiến thuật bóng đá Italy lên một tầm cao mới. Những gì ông để lại đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ huấn luyện viên thành danh sau này.
Arrigo Sacchi Tu chang ban giay den huyen thoai Rossoneri hinh anh
Arrigo Sacchi - huyền thoại của AC Milan và bóng đá Ý
Khó có thể tưởng tượng được có bao nhiêu nhà cầm quân đã để lại di sản có ảnh hưởng sâu rộng đến thế như "cáo già" Arrigo Sacchi. Dù chịu sức ép chỉ trích của giới truyền thông, lại hay có những phát ngôn phân biệt chủng tộc và mâu thuẫn với giới chức, nhưng chính Sacchi đã biến AC Milan thành một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử túc cầu giáo.
 
NHỮNG BƯỚC ĐẦU NHẠT NHÒA
 
Tất cả bắt đầu ở Fusignano trong những năm 1960 khi cậu thiếu niên Arrigo dõi theo bước chạy của các ngôi sao đội bóng Budapest Hoved như Ferenc Puskas, Sandor Kocsis và Jozsef Bozsik. Lối thi đấu đầy năng lượng của người Hungary hoàn toàn trái với kiểu chơi bóng cầu kì ở Italy thời bấy giờ. Với Sacchi, sức mạnh tinh thần và nghị lực của họ in dấu sâu đậm hơn nhiều kết quả trên sân cỏ.
 
Quả là thế, mặc dù Catenaccio cũng phải một thập kỉ sau mới tạo nên danh tiếng dưới thời Helenio Herrera của Inter Milan, nhưng ở Italy người ta đã quen với lối bóng đá chậm chạp uể oải. Italy là cái nôi sản sinh ra nhiều tài năng bóng đá thiên bẩm, nhưng họ chẳng tìm ra cách nào để hài hòa nó với một lối chơi làm phấn khích người xem. Giống như bao huấn luyện viên đương thời, Sacchi nhanh chóng bị quyến rũ bởi Real Madrid của cuối những năm 1950. Ông tin rằng bóng đá Italy có thể thay đổi nhờ cách chơi pressing, tốc độ trong phản công cũng như một hàng thủ "thép" ở phía dưới. Nhiều năm sau giấc mơ đó của ông sau đó đã thành hiện thực.
 
Arrigo Sacchi Tu chang ban giay den huyen thoai Rossoneri hinh anh 2
Từ một chàng bán giày cho tới một HLV lỗi lạc
Nhưng lúc này, tất cả những gì ông làm để kiếm ăn là chơi bóng bán chuyên cho CLB địa phương Fusignano và bán giày. Mười lăm năm ở miền bắc Italy không đem lại mấy tiến bộ cho sự nghiệp chơi bóng của Sacchi. 
 
Những ý tưởng của ông lúc bấy giờ rất tiến bộ. Sacchi tin rằng có thể chơi pressing với đội hình 4-4-2. Ông nghĩ khi chơi pressing, cự ly đội hình vẫn có thể giữ vững và sự năng động của các hậu vệ biên trên nhiều khu vực trên sân có thể giúp kiểm soát bóng và kiểm soát cả thế trận. Nhưng như thế là quá nhiều, quá phức tạp đối với một đội bóng nhỏ như Bellaria, nơi Sacchi thi đấu trong 2 năm.
 
Cuối cùng vào năm 1979, Sacchi đành treo giày (và treo cả nghề bán giày) để theo đuổi sự nghiệp huấn luyện ở đội bóng tỉnh lẻ Baracca Lugo. Đã từng làm việc với những đội trẻ nơi lối chơi phòng ngự khu vực, sáng tạo và tốc độ của ông thành công, Sacchi được CLB mời về với hy vọng đưa họ ra khỏi những hạng đấu thấp. Giống phần lớn các huấn luyện viên trẻ thời đó, Sacchi mới chỉ mới 26 tuổi khi ông lên nắm quyền ở Baracca. Sức ép khi phải chỉ đạo những cầu thủ lớn tuổi hơn ông là không nhỏ. "Thủ thành của tôi 39 tuổi, còn trung phong thì 32. Tôi phải lấy được niềm tin nơi họ", ông nói. 
 
Vào thời đó ở Italy, rất ít huấn luyện viên lại không có nhiều kinh nghiệm chơi bóng đến vậy. Người ta cho rằng những người như thế không hiểu biết về bóng đá. Mọi thứ trở nên sáng sủa hơn khi Parma mời ông về năm 1985. Sacchi được Parma tin là người thích hợp nhất để đưa họ từ Serie C1 trở lại với hạng đấu chuyên nghiệp. Đây là bước đi cuối cùng để đưa sự nghiệp của Sacchi từ một cầu thủ làng nhàng đến một huấn luyện viên tiên phong. 
 
KHI SỰ NGHIỆP ĐI LÊN
 
Sacchi gần như ngay lập tức cho áp dụng triết lý yêu cầu tính đa năng. Các cầu thủ phải thấy thoải mái khi chơi ở nhiều vị trí và phải được trang bị nhiều kĩ năng khác nhau. Ông từng thành công với phương thức này khi còn ở đội trẻ Fiorentina và khi huấn luyện Rimini, nơi ông thường xoay vòng cầu thủ giữa các trận đấu, đòi hỏi họ phải trở thành những cầu thủ "toàn diện".
 
Nhưng đào tạo các cầu thủ trẻ con non nớt là một chuyện, còn thuyết phục các thành viên đội 1 thích nghi với cách chơi của ông lại là một chuyện rất khác. Lối chơi pressing phải được tiến hành theo từng khối và có yểm trợ xung quanh. Mỗi đợt phản công phải bóng phải lăn 5-6 mét mỗi giây. Quyền kiểm soát bóng phải được tận dụng cực kì hiệu quả để xuyên thủng hàng phòng ngự đối phương nhanh nhất có thể.
 
Ở Parma, điều đó đã đem lại trái ngọt. Gialloblu đoạt ngôi đầu Serie C1 và kết thúc mùa giải sau khi chỉ cách Serie A có 3 điểm. Đối với riêng Sacchi, thành tích vang dội nhất là khi ông đối đầu với Milan ở Coppa Italia. Hai chiến thắng trước Rossoneri của Berlusconi khiến cả San Siro dậy sóng, và nhà tài phiệt truyền thông đã tiếp cận Sacchi nhằm đưa ông về dẫn dắt Milan từ năm 1987. 
 
Arrigo Sacchi Tu chang ban giay den huyen thoai Rossoneri hinh anh 3
Sacchi và hậu bối ở AC Milan, Carlo Ancelotti.
Ông nhận lời và phải đối mặt với một loạt thách thức ở đội bóng đỏ đen, nơi ông dùng triết lý của mình để đưa Milan trở thành đội bóng vĩ đại nhất thế giới. Có lẽ thứ khó khăn nhất với Sacchi vẫn là cái mác vô danh của ông vì kinh nghiệm thi đấu ít ỏi và không có cơ hội dẫn dắt những cái tên lớn như ở San Siro. Sau này Sacchi đã nói một câu phản bác cực kì nổi tiếng: "Tôi chưa bao giờ được biết là để làm một tay đua ngựa, trước tiên bạn phải làm ngựa đã". 
 
Ông được thừa hưởng những huyền thoại Italy như Franco Baresi và Mauro Tassotti, những ngôi sao tương lai Paolo Maldini và Alessandro Costacurta, cùng hai tuyển thủ Hà Lan Ruud Gullit và Marco van Basten. Đáng kể hơn, ông còn phải tiếp quản một Milan của những người tiền nhiệm quá nổi tiếng là Fabio Capello và Nils Liedholm nhưng chưa dành được danh hiệu gì trong thời gian họ nắm đội. Thành công chỉ được tính bằng những chiếc cúp mà thôi. 
 
Việc đầu tiên của Sacchi trên sân tập của Milan áp dụng cách huấn luyện hiện nay đã rất phổ biến mà ông gọi là "chơi ma". Trong đó, các cầu thủ chạy trên sân và di chuyển đội hình mà không có bóng, thay đổi vị trí của họ theo cách di chuyển của đối phương mà huấn luyện viên tiên đoán trước. Có một câu chuyện khôi hài về các huấn luyện này như sau. Người ta nói một đối thủ của Milan đã cử người tới theo dõi sân tập Milanello, anh này nấp trong bụi cây và thu thập thông tin các buổi tập của Sacchi. Khi trở về báo cáo, anh ta nói Sacchi cho cầu thủ tập đội hình nhưng... không có bóng. Tức giận, huấn luyện viên đuổi cổ anh ta và tiếp tục chuẩn bị cho trận đấu. Kết quả là họ thất bại, còn Milan thì giữ sạch lưới.
 
Sacchi tin rằng một đội bóng chỉ mạnh khi họ gắn bó khăng khít với nhau. Nhà cầm quân người Italy từng nói: "Cách tốt nhất để xây dựng một đội bóng là làm các cầu thủ cùng nói một thứ ngôn ngữ và chơi bóng đồng đội. Một mình bạn sẽ chẳng đạt được điều gì cả. Mà nếu có, nó cũng chẳng tồn tại được lâu". Khả năng gắn kết đội bóng nhiều sao từ khắp châu Âu thường bị người ta bỏ qua khi nhắc tới vai trò của Sacchi ở Milan. 
 
Trong khi nhiều người thích phân tích triết lý huấn luyện của ông, chính những gì ông làm được trong phòng thay đồ đã đưa nhiều cầu thủ có phong cách khác biệt lại với nhau và khiến Silvio Berlusconi phải giữ ông lại, bất chấp khởi đầu chẳng mấy tự hào ở Serie A. Đó là một quyết định khôn ngoan. Trong 4 năm Sacchi nắm đội, ông đã giành 8 danh hiệu, gồm 1 Scudetto, hai Cúp C1 liên tiếp và 2 Cúp liên lục địa. 
 
Arrigo Sacchi Tu chang ban giay den huyen thoai Rossoneri hinh anh 4
AC Milan đỉnh cao dưới thời Sacchi
Lối chơi pressing mạnh mẽ của ông có lợi thế khi đương đầu với các đối thủ ở châu Âu hơn là ở một Serie A thận trọng và ưa phòng ngự sâu. Franco Baresi từng nói rằng, phương pháp tập luyện của Sacchi cũng như cách ông chú tâm tới từng chi tiết đã khẳng định tính đúng đắn khi Frank Rijkaard ghi bàn vào lưới Benfica trong trận chung kết Cúp C1 năm 1990. Các trung vệ Benfica đang kèm Marco van Basten và để lộ ra khoảng trống phía sau. Nhờ đó, Sacchi lệnh cho van Basten lùi sâu hơn nhằm kéo các hậu vệ ra xa để rồi Rijkaard lao lên tận dụng khoảng trống. Sacchi sau này nói họ đã tập tình huống đó khoảng 30 lần trước trận đấu.  
 
Khi Sacchi ra đi năm 1991, người ta không bất ngờ. Giống như cách Pep Guardiola phải rời Barcelona vì đội bóng không còn đáp ứng được những yêu cầu của ông sau một loạt thành công, Sacchi cũng rơi vào tình trạng đó, chỉ là trước đấy 21 năm mà thôi. Khi Marco van Basten vật lộn với chấn thương liên tục, ông không kiếm đâu ra một cây săn bàn lạnh lùng có ảnh hưởng như thế trong đội hình xuất phát nữa. 
 
DANG DỞ VỚI AZZURRI
Chương thành công cuối của Sacchi tới vào khi ông đảm nhận "chiếc ghế nóng" của Azzurri, thay thế Azeglio Vicini, người đã giúp Italy giành vị trí thứ 3 tại World Cup 1990 một năm trước.Với cốt lõi đội hình gồm toàn những ngôi sao của ông từng thành công ở Milan (Milan hồi đó gồm toàn người Italy trừ bộ ba Hà Lan danh tiếng), Sacchi đã bắt tay vào xây dựng một đội tuyển đủ sức lặp lại thành công của Paolo Rossi tại Espana 82. Hòa quyện kinh nghiệm của Franco Baresi và tuổi trẻ của Paolo Maldini, bài test đầu tiên của ông là củng cố hàng thủ.

Và cũng lại không bất ngờ khi giai đoạn ông nắm quyền cũng có không ít tranh cãi. Ông không chọn Gianluca Vialli, Roberto Manchini, Giuseppe Begomi và Walter Zenga cho đội hình dự World Cup 1994 sau khi bất hòa với họ. Mọi người nghi ngờ ông thiếu sáng suốt và cáo buộc ông thiên vị người của Milan hơn là của các đội bóng lớn khác nên mới để họ ngồi nhà. Thực tế là Sacchi cảm thấy phải thực sự thoải mái với những lựa chọn của mình. Ông cần tin rằng họ có thể gây sức ép mạnh trên sân và tuân theo chỉ đạo của ông. 4 cái tên trên kia không phù hợp với cách triển khai của ông.

Arrigo Sacchi Tu chang ban giay den huyen thoai Rossoneri hinh anh 5
Sacchi là huấn luyện viên trưởng của tuyển Italy tại World Cup 1994
Sau khi thất bại ở Euro 92, Sacchi bắt đầu thay đổi triết lý và tập trung nhiều vào sự ổn định của hàng thủ. Ông để ngôi sao Roberto Baggio được chơi tự do hơn. Baggio thường được miễn phải gây sức ép và được cho phép tận dụng các khoảng trống, đồng thời tạo khoảng trống cho đội. Baggio là tiêu điểm của mọi đợt tấn công, giống như van Basten ở Milan. Nhưng trong khi van Basten được yêu cầu phải kết thúc các pha bóng khởi đầu từ sâu trong phần sân đối phương, Baggio phải biết tạo cơ hội, và ghi bàn. Gánh nặng trên vai "tóc đuôi ngựa" quả là khủng khiếp.
 
Sacchi rốt cuộc đã đưa Italy đến với trận chung kết World Cup 1994, nhờ thế khẳng định được quyết định chọn đội hình đúng đắn và cả niềm tin không nguôi vào Roberto Baggio, dù Azzurri thất bại cay đắng trước Brazil. Ông tại vị trên tuyển cho đến khi đội bóng áo thiên thanh thảm bại tại Euro 96 và dần lùi vào bóng tối khi cuộc chơi đang ngày càng thay đổi nhanh chóng.
 
Về sau, chính Pep Guardiola ở Barcelona và Frank de Boer ở Ajax đã thừa nhận họ chịu ảnh hưởng của Sacchi. Phải công nhận rằng những gì Sacchi làm được chính là nền tảng giúp AC Milan giành được 4 Scudetto trong 5 năm của Fabio Capello sau này. Tư duy hàng công và hàng thủ lý tưởng không bao giờ nên cách nhau quá 25 mét chính là hiện thân của Milan và tuyển Italy trong những năm tháng Sacchi. Tuy đã giã từ nghiệp cầm quân nhưng với Sacchi, những bài học của ông trong các sách giáo khoa bóng đá sẽ không bao giờ bị lãng quên.
 
TRẦN ANH(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

"Ông hoàng tuyến giữa" Rodri và một năm bất bại đáng kiêng nể

Từ góc độ cá nhân, tuần vừa qua đã là một tuần đặc biệt trong sự nghiệp của Rodri. Không chỉ bởi vì cầu thủ 27 tuổi đã thực hiện thành công hai quả penalty trong trận đấu giữa Tây Ban Nha và Brazil vào tối thứ Ba, mà trận hòa 3-3 còn đảm bảo rằng Rodri đã trải qua một năm hoàn hảo khi không phải nhận bất kì thất bại nào khi ra sân cho cả câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia.

HLV Philippe Troussier: Người sai thời điểm

Được AFC ca ngợi là một trong những HLV xuất sắc nhất trước thềm Asian Cup 2023, chỉ sau hơn 2 tháng đã khép lại triều đại chóng vánh của mình như một trong những HLV tệ nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, liệu HLV Philippe Troussier có thực sự thiếu may mắn?

Con số 20 của HLV Troussier và nụ cười của Bùi Hoàng Việt Anh

Số 20 là nỗi ám ảnh của HLV Philippe Troussier trong quãng thời gian ông dẫn dắt ĐTQG Việt Nam, ông tự nghĩ ra con số ấy với ý nói chỉ có 20% NHM ủng hộ mình, nhưng đằng sau 20%, vẫn còn những con số 20 khác mà chính vị chiến lược gia người Pháp không thể kiểm soát.

X
top-arrow