Antonio Cassano: Tìm đâu bến đỗ bình yên?

Tác giả CG - Thứ Tư 12/07/2017 15:06(GMT+7)

Zalo
“Trên con đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.
Antonio Cassano: Tim dau ben do binh yen4
Antonio Cassano: Tìm đâu bến đỗ bình yên
Chúng ta vẫn thường hay so sánh giữa Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, về sự tài năng, về thái độ thi đấu, về những danh hiệu. Nhưng có lẽ có một thứ mà ít ai trong chúng ta đem ra làm thước đo giữa hai con người này, đó là sự chăm chỉ khổ luyện. Với những gì đang làm được và tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi khuôn khổ trái bóng tròn như vậy, tôi tin rằng cả hai siêu sao người Bồ Đào Nha và Argentina chắc chắn không thể thiếu đi sự khổ luyện hơn người.
 
Trong tất cả các lĩnh vực nói chung và bóng đá nói riêng, chỉ có tài không thôi là chưa đủ. Nếu bạn sở hữu thứ gọi là tài năng thiên bẩm, ngày một ngày hai người ta sẽ nhớ đến và tung hô bạn. Nhưng nếu bạn chỉ có như vậy thì rốt cục là bạn sẽ chẳng là gì. Đi đến cuối chặng hành trình, mọi người sẽ chỉ ghi nhận những người sẵn sàng bỏ hàng giờ, hàng ngày để tập luyện và đổ mồ hôi trên sân.
 
Và thật trùng hợp làm sao, câu chuyện ngày hôm nay lại trùng với sinh nhật một cầu thủ như vậy, một người có tài năng nhưng rồi cuối cùng đành nhìn nó không được phát tiết hết mức vì lối sống của mình. Anh là Antonio Cassano.
 
BÀN THẮNG THAY ĐỔI SỐ PHẬN
 
Vòng 14 Serie A, mùa giải 1999/2000. Đó đã là phút thứ 87 trong cuộc đối đầu giữa Bari và Inter Milan. Cả hai đội đang bất phân thắng bại với tỉ số 1-1 thì bỗng nhiên, một đường chuyền dài từ Simone Perrotta tìm đến vị trí của cầu thủ trẻ Antonio Cassano. Chàng trai ấy đỡ bóng bằng má ngoài từ hành lang cánh trái, anh đi bóng cắt vào trong vượt qua Laurent Blanc và Christian Panucci trước khi dứt điểm hạ gục thủ thành Fabrizio Ferron của Inter, qua đó đưa Bari vươn lên dẫn trước. 
 
Cả sân vận động San Nicola như nổ tung, khắp các khán đài vỡ òa trong niềm vui sướng. Đôi chân của Cassano đã đem lại điều kì diệu ngay trên thánh địa quê hương. Và với cá nhân cầu thủ khi đó mới 17 tuổi, nó mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng vì đó là pha lập công đầu tiên của anh ở Serie A. Nhưng đâu chỉ có vậy!
 
Sau này, trong cuốn tự truyện mang tên Dico Tutto xuất bản năm 2010 của mình, Cassano thừa nhận: “Nếu đó không phải là trận đấu với Inter thì có thể tôi đã trở thành một tên cướp hoặc thậm chí tệ hơn; dù thế nào thì cũng đều là tội phạm. Nhiều người mà tôi biết đã trở nên như thế. Nhờ trận đấu đó mà tài năng của tôi được tỏa sáng, và nó giúp tôi tránh xa khỏi một tương lai tiềm tàng đầy những thứ rác rưởi.”
 
Thập niên 90 của thế kỷ XX là một thời kì khó khăn với thành phố Bari. Nền kinh tế trì trệ, tệ tham nhũng ăn sâu đã khiến đời sống của người dân gặp rất nhiều khốn đốn. Đặc biệt, sự thống trị của Sacra Corona Unita - một tổ chức tội phạm khét tiếng vùng Apulia - càng làm cuộc sống thêm phần bế tắc. Rất nhiều người đã phải bỏ xứ ra đi để tìm lối thoát cho cuộc đời mình.
 
Với câu lạc bộ Bari, họ đã lên hạng và xuống hạng hai lần chỉ trong thập kỷ 90. Và đến năm cuối cùng của thế kỷ XX, họ trở lại với giải đấu cao nhất cấp quốc gia lần thứ ba. Thế nhưng, những khán giả cuồng nhiệt chính là niềm tự hào của đội bóng. Và kể từ khi chuyển đến sân vận động San Nicola với tiêu chuẩn Olympic vào năm 1991, các khán đài gần như luôn chật kín chỗ. Bỏ qua những bộn bề lo toan mưu sinh hàng ngày, bóng đá trở thành niềm vui giúp người dân quên đi những khó khăn mà họ phải đối diện.
 
Và khoảnh khắc kì diệu của Cassano là một ví dụ như thế. Là người con của thành phố, anh sinh ra tại khu phố nghèo hay chính xác hơn là khu ổ chuột có tên Bari Vecchia, sống với một bà mẹ đơn thân khi cha anh đã bỏ đi từ khi anh còn rất nhỏ. Cũng như bao người, gia đình cậu bé Antonio khi đó cũng phải chiến đấu với nỗi lo mưu sinh hàng ngày. Và những trận bóng đường phố trở thành niềm vui của riêng Cassano. 
 
Anh thách thức những đứa trẻ lớn hơn, đá bóng cá cược với họ để có tiền hàng ngày mua những ổ bánh mì bỏ vào bụng. 
 
“Tôi thường đá bóng giữa các quầy hàng ở chợ, mọi người đều muốn tôi đá cho đội của họ và tôi sẽ đặt cược 10, 15, 20 ngàn lire vào đội mà tôi sẽ thi đấu. Tôi không kiêu căng, tôi không ngu ngốc: Tôi muốn có tiền, tôi phải cho bản thân mình tỷ lệ cược tốt nhất.”
 
Chính những điều đó đã góp phần định hình nên một Antonio Cassano đầy gai góc sau này.

THĂNG TRẦM NỐI TIẾP THĂNG TRẦM
 
Các tuyển trạch viên của câu lạc bộ Bari đã không thể nào bỏ qua một tài năng sáng giá như vậy. Il Gioiello di Bari Vecchia (Viên đá quý của Bari Vecchia) - biệt danh mà mọi người dành cho Cassano - có màn ra mắt Serie A ở tuổi 17. Với đội bóng nói riêng và thành phố nói chung, anh là thứ tài sản quý giá: một cầu thủ trẻ xuất thân từ chính câu lạc bộ, có kĩ thuật khéo léo, khả năng ghi bàn, kiến tạo tốt, mang trong mình tinh thần mạnh mẽ của những người miền Nam. 
 
Và sau pha lập công vào lưới Inter Milan, chàng trai trẻ Antonio Cassano đã chính thức ghi tên mình vào bản đồ bóng đá Italia. Từ thủ đô, AS Roma quyết tâm không để mất viên đá quý này vào tay những đối thủ khác. Năm 2001, Giallorossi đã chấp nhận chi 60 tỷ lire (tương đương 30 triệu euro) cho cầu thủ 19 tuổi Cassano, một số tiền kỷ lục cho một cầu thủ tuổi teen. 
Antonio Cassano Tim dau ben do binh yen hinh anh 2
 
Mùa giải đầu tiên ở sân Olimpico, anh chưa thực sự phát tiết được quá nhiều khả năng của mình khi chỉ có 6 pha lập công sau 30 trận đấu. Chỉ bắt đầu từ mùa bóng thứ hai, cái tên Cassano mới bắt đầu phần nào đáp ứng được sự kì vọng của người hâm mộ, đặc biệt khi anh trở thành một đối tác vô cùng ăn ý với đội trưởng Francesco Totti trên hàng công. Đỉnh cao phong độ của bộ đôi này có lẽ là mùa giải 2003/2004 khi họ cùng nhau ghi tới 34 bàn thắng ở giải vô địch quốc gia. Với bản thân cựu cầu thủ của Bari, anh cũng giành được danh hiệu “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất năm của Serie A” vào năm 2003 sau lần đầu tiên nhận giải thưởng này năm 2001. 
 
Thế nhưng, tháng ngày ở Rome không chỉ có màu hồng. Anh bắt đầu có những bất đồng và xích mích với huấn luyện viên trưởng Fabio Capello, mà với một người mang phong cách “kỷ luật sắt” như Don Fabio, việc đó là không thể chấp nhận. Cùng với đó, cầu thủ này cũng bắt đầu tăng cân một cách trầm trọng và đến một thời điểm, người ta bắt đầu gọi anh là “El gordito” hay có nghĩa là “gã mập”. Không chỉ có vậy, anh cũng bắt đầu mâu thuẫn với ban lãnh đạo và tân huấn luyện viên Luciano Spaletti sau khi ông nắm quyền thay Capello, người lúc này đã chuyển sang dẫn dắt Juventus.
 
Khi những vết thương không thể hàn gắn, tháng Một năm 2006, AS Roma quyết định bán Cassano cho Real Madrid với mức giá 5 triệu euro trước khi có thể mất trắng cầu thủ này vào mùa hè. Tuy nhiên, tại Tây Ban Nha, gã trai với đời sống phóng túng này chẳng để lại quá nhiều dấu ấn chuyên môn mà thay vào đó là những chấn thương cùng lối sống buông thả. Đặc biệt khi anh gặp lại ông thầy Capello ở đây, thì dường như một cái kết “không có hậu” là điều được dự báo trước.
 
Khoảnh khắc làm “giọt nước tràn ly” ấy là khi Cassano công khai chỉ trích ông thầy mình trong phòng thay đồ vì đã bỏ rơi anh trên băng ghế dự bị bằng những ngôn từ hết sức khiếm nhã. Chủ tịch của Real Madrid khi đó là Ramón Calderón đã phải lên tiếng: “Cậu ta thể hiện sự thiếu tôn trọng. Những phát biểu mà cậu ta nói ra là vô cùng xấc láo.”
Antonio Cassano Tim dau ben do binh yen hinh anh 3
 
Tây Ban Nha chẳng phải mảnh đất lành, và anh quyết định trở về nước Ý với bến đỗ là Sampdoria sau khi lời ngỏ ý mong muốn khoác áo Roma một lần nữa bị Giám đốc điều hành của đội bóng thủ đô là Rosella Sensi khước từ. Như cá gặp nước, anh thăng hoa cùng đội bóng thành phố cảng khi giúp họ bay cao tại Serie A, giành quyền tham dự UEFA Champions League và tạo thành một cặp đôi song sát đáng sợ nhất nhì nước Ý cùng Giampaolo Pazzini.
 
Nhưng rồi, như một thói quen cũ, anh lại cãi nhau với chủ tịch Riccardo Garrone của Sampdoria sau khi từ chối tham dự một đêm trao giải. Không ai chịu thua ai. Trong một bài phỏng vấn với Tuttosport, Garrone chia sẻ: “Thật không may, với những gì đã xảy ra tôi buộc phải giữ nguyên lập trường này. Tôi rất tiếc vì nếu Cassano không tỏ thái độ đó, và nếu cậu ta không phải một chàng trai vui tính mỗi khi thiếu kiểm soát thì cậu ta có lẽ đã trở thành một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.”
 
Rời Sampdoria như một hệ quả tất yếu, anh lang bạt qua hai nửa đỏ và xanh của thành Milan, qua đến Parma trước khi một lần nữa trở lại Sampdoria để rồi chính thức trở thành cầu thủ tự do vào tháng Một vừa qua sau một thời gian dài phải tập cùng đội trẻ. Xen kẽ vào với đó là một khoảnh khắc đáng sợ cận kề lưỡi hái tử thần khi anh đột quỵ trên một chuyến bay, thời điểm còn khoác áo AC Milan. Những thăng trầm cùng với tính cách gai góc và đầy phản kháng là những thứ luôn cùng tồn tại trong cuộc đời của người đàn ông này.
 
“SỰ TIẾP NỐI TRIỀU ĐẠI CỦA NHỮNG MANCINI - BAGGIO - ZOLA - TOTTI - DEL PIERO”
 
Có thể nói, ẩn chứa bên trong con người của Cassano là những thứ cảm xúc rất khó đoán định. Có thể nhiều người vẫn còn nhớ những giọt nước mắt của anh khi phải nhận thẻ vàng trong một cuộc chạm trán trước Fiorentina, thời điểm anh khoác áo Sampdoria lần thứ nhất. Lý do là bởi với tấm thẻ vàng đó thì nó cũng đồng nghĩa với việc anh sẽ phải ngồi ngoài vì án treo giò ở trận đấu sau khi gặp lại đội bóng cũ AS Roma. Người đàn ông đầy nổi loạn ấy đã quỳ gục xuống sân sau khi kiến nghị với trọng tài chính và trọng tài biên bị bác bỏ.
Antonio Cassano Tim dau ben do binh yen hinh anh 4
Antonio Cassano: Tìm đâu bến đỗ bình yên2
Hay nổi tiếng hơn, chắc hẳn các cổ động viên của Azzurri vẫn chưa quên giọt nước mắt đớn đau vẫn của Cassano khi hay tin Italia bị loại tức tưởi khỏi Euro 2004. Mới chỉ một vài phút trước đó thôi, chính chàng trai này đã ghi bàn đem về tia hy vọng cho đội bóng của anh.
 
Những giọt nước mắt của niềm tiếc nuối. Và tiếc nuối có lẽ cũng là cảm giác chung của tất cả mọi người dành cho Cassano với cơ duyên cùng màu áo xanh thiên thanh. Sau Euro 2004 tại Bồ Đào Nha, ba kì đại hội thể thao lớn liên tiếp (World Cup 2006 và 2010, Euro 2008), anh đều không được các huấn luyện viên chọn lựa. Phải đến vòng chung kết cúp châu Âu 2012, “bad boy” mới trở lại cùng đội tuyển ở một giải đấu lớn. 
 
Và anh đã không phụ lòng tin của huấn luyện viên Cesare Prandelli. Mang trọng trách chiếc áo số 10 trên lưng, anh và một “bad boy” khác là Mario Balotelli đã trở thành một cặp đôi vô cùng ăn ý của Italia. Ai mà quên được cú xoay com-pa thiện nghệ và khéo léo của anh đã loại bỏ các hậu vệ Đức trước khi kiến tạo để Balotelli mở tỉ số và góp phần đưa đội bóng lọt vào tới trận chung kết để rồi thất bại tâm phục khẩu phục người Tây Ban Nha.
 
Nhưng đó đã là câu chuyện của 5 năm trước. Giờ đây ở tuổi 34, gần như có rất ít cơ hội để anh có thể trở lại với đội tuyển quốc gia ở một giải đấu lớn nào nữa. Người Ý đã từng rất chờ đợi ở anh, từ rất sớm. Nhưng rồi sau tất cả, những kì vọng của họ rốt cục chỉ là nỗi thất vọng chỉ vì những vấn đề về kỉ luật và đời sống cá nhân. 
 
Sau trận đấu với Inter năm 1999, tờ La Gazzetta dello Sport đã chấm Cassano số điểm 7,5 đồng thời khẳng định anh là “Thủ lĩnh mới của thế hệ tiếp theo. Cassano là sự tiếp nối triều đại của những Mancini - Baggio - Zola - Totti - Del Piero.”
 
18 năm đã trôi qua kể từ trận đấu định mệnh đó. Antonio Cassano, anh có phải truyền nhân, người kế vị những cầu thủ tài hoa kia không, có lẽ chúng ta đã có câu trả lời. Dù cho mới đây, anh đã chính thức gia nhập Hellas Verona và sẽ được tái hợp với đối tác ăn ý Pazzini ngày nào, thế nhưng ai mà biết được, liệu đó đã phải bến đỗ bình yên của gã trai này hay chưa?

Bài viết sử dụng tư liệu từ:

1. Goal O' The Times: Antonio Cassano vs. Inter Milan (1999) của tác giả Emmet Gates và Cassano: The Boy from Bari who Became Calcio's Most Polarising Character của tác giả Wayne Girard trên The Gentleman Ultra.
2. The Curious Case Of Il Gioiello Di Bari Vecchia[1] của tác giả Gino de Blasio trên Goalden Times.
3. Antonio Cassano: an unhinged master của tác giả Jamie Allen trên These Football Times.

CG(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Kylian Mbappe vs Barcelona: Thuốc đắng dã tật

Kylian Mbappe nuốt trọn những lời chỉ trích vì màn trình diễn ở trận lượt đi tứ kết Champions League 2023/24 gặp Barcelona, biến chúng thành động lực, rồi làm tất cả im lặng ở trận lượt về.

Khi Foden đã luyện cú sút của mình đạt tới cảnh giới hoàn hảo

Những pha chạm bóng nhẹ nhàng trước khi tung ra cú sút đều là những phong cách của cá nhân Foden. Anh luôn có một khả năng xử lý quả bóng rất nhẹ nhàng và linh hoạt kể cả khi dẫn bóng hay nhận bóng từ đồng đội. Kỹ năng ấy giúp Foden luôn đảm bảo trái bóng trong tầm kiểm soát của bản thân trước khi anh thực hiện một cú sút.

X
top-arrow