Chủ Nhật, 28/04/2024Mới nhất
Zalo

Euro 1984: "Gà trống" cất cao tiếng gáy

Chủ Nhật 27/05/2012 14:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Phải chờ đến lần thứ 2 VCK Euro được tổ chức trên sân nhà, đoàn quân áo Lam mới được vinh dự nâng cao chiếc cúp bạc danh giá trước niềm hân hoan của những khán giả đất nước hình lục năng. Thể hiện một lối chơi thuyết phục với sự góp mặt của "bộ tứ huyền diệu", ĐT Pháp đã làm cho Paris vốn đã sáng lại càng rực rỡ hơn trong khoảnh khắc lịch sử đó.


Với việc lọt vào đến trận bán kết World Cup năm 1982, ĐT Pháp đã có được sự chuẩn bị rất tốt cho kỳ Euro được tổ chức trên sân nhà 2 năm sau đó. Ở nước Pháp, người ta được thấy một tài năng mới của bóng đá thế giới trong vị trí "gác đền", đó là Joel Bats. Cùng với "bộ tứ huyền diệu" khi đó là Luis Fernandez, Alain Giresse, Jean Tigana và đặc biệt là thiên tài xuất chúng của bóng đá thế giới, Michel Platini, đội tuyển Pháp đã lên ngôi vô cùng thuyết phục trước sự ngưỡng mộ của các đối thủ tham gia.

Pháp ăn mừng chức vô địch sau khi thắng Tây Ban Nha 2-0 ở trận chung kết
Pháp ăn mừng chức vô địch sau khi thắng Tây Ban Nha 2-0 ở trận chung kết

Trận đấu đầu tiên của VCK diễn ra giữa đội chủ nhà và Đan Mạch. Đội bóng đến từ quê hương của nhà kể chuyện cổ tích có duyên nhất thế giới, Andersen đã chơi rất ấn tượng trong giải đấu đó. Mặc dù bị thất bại trước ĐT Pháp ở trận đấu đầu tiên với tỷ số 0-1 bằng bàn thắng của Platini, nhưng "Những chú lính chì dũng cảm" đã đánh bại Nam Tư (cũ) với tỷ số khó tin 5-0. Sau đó là hạ gục ĐT Bỉ với tỷ số 3-2 để cùng với ĐT Pháp là hai cái tên ưu tú nhất lọt vào vòng sau. Không chỉ Đan Mạch mới có trận thắng đậm đà đến vậy mà đội chủ nhà dưới sự dẫn dắt của HLV Michel Hidalgo cũng có trận đấu "hoành tráng" 5-0 trước Bỉ. Trong trận đấu đó, Platini đã để lại dấu ấn với cú hat-trick đầu tiên trong kỳ Euro năm đó. Chưa hết, tài năng sáng nhất trong đội hình CLB Juventus lúc bấy giờ tiếp tục có được một cú "ăn ba" nữa, khi một mình ghi cả 3 bàn thắng vào lưới Nam Tư, đem về thắng lợi 3-2 chung cuộc. 


Trái với sự "rộn ràng" bàn thắng ở bảng A, là sự "trầm mặc" của "những bữa tiệc" của bảng B với sự góp mặt của ĐKVĐ Tây Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Rumani. Hai đội bóng anh em thuộc bán đảo Iberia là những người sánh vai nhau vào với vòng bán kết. Người Đức gây thất vọng sau khi chỉ thắng được Rumani với tỷ số 2-1 (đều do công của Voller), còn lại họ thua Tây Ban Nha 0-1 và hòa với Bồ Đào Nha trong một trận đấu không bàn thắng.

Sau vòng bảng, Pháp tiếp Bồ Đào Nha trên SVĐ Velodrome của Marseille. Trong khi đó, Tây Ban Nha và Đan Mạch "chiến đấu" vì một suất ở trận chung kết ở Gerland (sân nhà của Olympique Lyon). Cả hai trận đấu đều diễn ra rất kịch tính và căng thẳng đến phút chót. Tây Ban Nha và Đan Mạch phải dắt nhau đến chấm phạt luân lưu 11m để phân xử thắng thua sau khi hoà 1-1 trong 120 phút thi đấu chính thức (Tây Ban Nha là những người chiến thắng với 5 lần sút thành công, Elkjaer là tội đồ của đất nước Đan Mạch sau khi không hoàn thành nhiệm vụ của mình). Tại trận còn lại, Pháp và Bồ Đào Nha đã cống hiến một trận đấu được coi là hay nhất trong lịch sử các VCK Euro. Jean-Francois Domergue là người mở tỷ số ở phút thứ 24, nhưng Rui Jordao của Bồ Đào Nha đã đưa trận đấu về thế cân bằng với pha lập công ở phút thứ 74. Sau đó đội khách khiến toàn bộ sân Velodrome câm lặng, khi lại là Rui Jordao ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 vào lúc hiệp phụ thứ nhất mới diễn ra được 8 phút đồng hồ. Có vẻ đây là cuộc ganh đua giữa Jordao và Domergue, vì chính cầu thủ mở tỷ số của trận đấu đã cứu thoát đội nhà khỏi một trận thua bằng bàn thắng gỡ hòa ở phút thứ 114. Và chỉ 5 phút sau, người Pháp ngất ngây với chiến thắng khi Platini có pha lập công thứ 8.


Trận đấu cuối cùng của ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu là màn trình diễn tuyệt vời của đội chủ nhà. Lại là Platini khiến những CĐV có mặt trên sân "Công viên các Hoàng tử" như phát điên với bàn thắng cực đẹp từ pha đá phạt hàng rào ở phút thứ 57. Mặc dù đội bóng đến từ xứ sở đấu bò đã rất cố gắng tràn lên tấn công, nhằm tìm kiếm bàn thắng gỡ hòa, nhưng pha dứt điểm chính xác của Bellone ở phút thứ 90 đã đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của Tây Ban Nha. Các cầu thủ Pháp lên ngôi với niềm hân hoan của cả một dân tộc, và người hùng của họ chính là Michel Platini cùng danh hiệu "Vua phá lưới" với 9 bàn thắng. Cùng năm đó, Platini đã giành luôn danh hiệu "Quả bóng vàng châu Âu". Hiện tại, ông chính là chủ tịch của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).

Thông tin xung quanh Euro 1984

- Số trận đấu: 15
- Số bàn thắng: 41 (Trung bình: 2,73 bàn/1 trận)
- Bàn thắng nhanh nhất: Michel Platini (Pháp, phút thứ 3, trận Pháp - Bỉ)
- Vua phá lưới: Michel Platini (Pháp, 9 bàn)
- Đội hình tiêu biểu:
Harald Schumacher (Đức) - Joao Domingos Silva Pinto (BĐN), Karl-Heinz Forster, Andreas Brehme (Đức); Morten Olsen (Đan Mạch) - Fernando Chalana (BĐN); Alain Giresse, Jean Tigana (Pháp); Frank Arnesen (Đan Mạch) - Michel Platini (Pháp); Rudi Voller (Đức)

  • Sơn Lâm

Có thể bạn quan tâm

Mario Balotelli: Cho những cái gồng mình quả cảm vì Azzurri

Mario Balotelli: Cho những cái gồng mình quả cảm vì Azzurri

Mario Balotelli: Cho những cái gồng mình quả cảm vì Azzurri

Balotelli, chỉ một cái tên thôi cũng đủ để khiến các cổ động viên Italia trào lên một cảm giác khó tả. Đó là sự tự hào về một trong những chân sút tài năng nhất của bóng đá Ý sau đỉnh cao World Cup 2006; là sự khó hiểu về một cá tính phức tạp và đa chiều trong giới túc cầu giáo; và là sự nuối tiếc về một tài năng sớm nở chóng tàn. Nhưng nếu phải chọn ra một từ để miêu tả con người Balotelli, đó có lẽ là “bản năng”.

Xem thêm
top-arrow
X