Parma những năm 90 và cuộc thập tự chinh của gia tộc Tanzi

Tác giả Ole - Thứ Bảy 11/02/2017 16:47(GMT+7)

Zalo
Người dân bản xứ ở Parma thường nói một câu ngạn ngữ như sau: “Khi bạn leo lên một thân cây, càng lên cao cành cây sẽ càng mỏng hơn và bạn sẽ khó lòng tìm được đường quay trở lại xuống mặt đất”.
Parma nhung nam 90 va cuoc thap tu chinh cua gia toc Tanzi4
Parma những năm 90 và cuộc thập tự chinh của gia tộc Tanzi
Thật trớ trêu là câu chuyện về chính Parma trong giai đoạn thập niên 1990 lại trở thành một minh chứng tiêu biểu hơn cả dành cho câu ngạn ngữ này, khi mà những ký ức về một đội bóng từng có nhiều thời điểm khiến cho cả châu Âu phải kinh sợ nhưng rồi đã vội vã chìm vào cơn khủng hoảng không thể nào cứu rỗi, vẫn chưa hề biến mất trong tâm trí người hâm mộ xứ Emilia-Romagna.
 
Lịch sử nước Ý chính là lịch sử của những thành phố riêng biệt. Xuyên suốt những biến động theo thời gian cho đến khi được thống nhất hoàn toàn vào thế kỷ XIX, mỗi thành bang ở Italia đều mang trong mình những yếu tố văn hóa, chính trị, xã hội đặc trưng, qua đó góp phần chạm khắc nên một nước Ý thực sự đa dạng và nhiều màu sắc. Trong quá khứ, Parma dưới sự lãnh đạo của gia tộc Duchy vốn chẳng thể nào cạnh tranh được với những thành bang hùng mạnh như nhà Sforzas tại Milan, dòng họ Medici ở Florence hay Borgias của Rome. Mặc dù vậy, một bước ngoặt quan trọng vào năm 1990 đã nhanh chóng giúp cho thành phố này “đổi đời”, để rồi tiếp tục trở thành một hiện tượng kỳ lạ bậc nhất châu Âu vào thời điểm bấy giờ. Đó chính là ngày mà đại gia đình Tanzi quyết định đặt những nền móng đầu tiên đưa Parma bước ra ánh sáng trước khi bước vào một kỷ nguyên của những niềm vinh quang tột đỉnh, của những danh hiệu chói lòa và tất nhiên là cả những sự lựa lọc, man trá đằng sau nó.
 
***
 
Khái niệm “Campanilismo”, hay còn gọi là chủ nghĩa địa phương vốn cực kỳ phổ biến trên khắp mọi miền nước Ý và các parmigiano (người dân Parma) cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Quá khứ từng được chứng kiến một thành phố Parma tương đối thịnh vượng và sung túc, kéo dài từ thời Trung cổ, Phục hưng cho đến cận đại. Là một vùng đất màu mỡ và giàu tài nguyên được bao quang bởi sông Po đồng thời giáp ranh với các xứ Tuscany, Liguria, Lombardy, Veneto, người dân Parma cũng đặc biệt yêu bóng đá và sẵn sàng sống chết tất cả vì thứ vinh quang có phần ảo ảnh ấy. Tuy nhiên, kể từ ngày ra đời vào năm 1913 cho đến cuối thập niên 80 ở thế kỷ trước, Parma cũng chưa hề giành được bất kỳ thành tích nào thực sự nổi bật.
 
Tiếng tăm của Ducali (biệt danh của Parma) chỉ bắt đầu trở lại một chút vào năm 1985 sau những màn trình diễn ấn tượng tại Serie B dưới thời HLV Arrigo Sacchi, nhà cầm quân huyền thoại đã vận hành sơ đồ chiến thuật 4-4-2 như một thương hiệu riêng biệt trước khi tiếp tục đưa AC Milan bước lên đỉnh châu Âu trong một giai đoạn dài. Mùa giải 1986/87, sau thời điểm nhận được cuộc điện thoại mời gọi từ “ông trùm” truyền thông Silvio Berlusconi, Sacchi đã quyết định gia nhập Rossoneri mà chẳng cần phải đắn đo suy nghĩ, trong khi Chủ tịch của Parma lúc ấy, ông Ernesto Ceserini cũng đồng ý ký vào một bản hợp đồng nhận tài trợ từ phía tập đoàn kinh doanh sữa Parmalat, bước đầu đẩy đội bóng xứ Emilia-Romagna chuẩn bị phải bước vào một cuộc thập tự chinh không lối thoát.
Parma nhung nam 90 va cuoc thap tu chinh cua gia toc Tanzi hinh anh 2
Ancelotti cũng có những ngày tháng ở Parma
Mỗi khi nhìn về quá khứ, người ta vẫn thường có xu hướng gắn kết hình ảnh vĩ đại của II Grande Parma với những tháng năm mà Carlo Ancelotti hay Alberto Malesani dẫn dắt đội bóng chủ sân Ennio Tardini. Thế nhưng, chẳng mấy ai để ý rằng chính HLV Nevio Scala mới là người thực sự đặt những nền móng đầu tiên giúp cho Parma trở thành một đại diện ưu tú trong nhóm “bảy chị em” từng hùng bá Serie A một thời. Không giống như vị chiến lược gia tiền nhiệm Arrigo Sacchi thường sử dụng hệ thống 4-4-2 có phần giáo điều và chuẩn mực, Scala đã chấp nhận để Parma chơi 5-3-2 theo chiều hướng linh hoạt hơn (thay đổi giữa 5-3-2 và 3-5-2). Mùa giải 1989/90, CLB miền Trung Italia cán đích ở vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng Serie B, qua đó lần đầu tiên giành được suất tham dự Serie A sau 77 năm tồn tại.
 
Điều đáng buồn là Chủ tịch Ernesto Ceserini, người đã nắm quyền điều hành Parma suốt từ năm 1976 lại không thể sống đến giây phút được chứng kiến thời khắc lịch sử này khi vừa qua đời cách đó một tháng. Tất nhiên, điều này cũng chỉ góp phần khiến cho cuộc cách mạng tại sân Ennio Tardini diễn ra thêm nhanh chóng hơn, khi mà tập đoàn Parmalat của Calisto Tanzi đã quyết định mua lại 98% cổ phần CLB (2% còn lại thuộc về một người con trai của cố Chủ tịch Ceserini). Vào thời điểm ấy, Calisto Tanzi cũng không muốn trực tiếp điều hành đội bóng. Thay vào đó, vị giám đốc của tập đoàn sữa “khổng lồ” Parmalat chấp nhận giao lại quyền quản lý trên danh nghĩa cho người đồng nghiệp Giorgio Pedraneschi.
 
Khoảng thời gian tiếp theo, lần lượt những bản hợp đồng mới chất lượng đã được mang về Parma, như thủ môn người Brazil, Taffarel, hậu vệ quét người Bỉ, Georges Grun, ngôi sao của ĐT Thụy Điển tại Italia 90, Thomas Brolin hay một vài cầu thủ nội danh tiếng như Luigi Apolloni, Lorenzo Minotti, Alessandro Melli… Trải qua những nỗ lực chiến đấu không ngừng nghỉ, thầy trò Scala hoàn thành mùa giải đầu tiên tại Serie A ở vị trí thứ 5, đủ điều kiện cho họ tham dự UEFA mùa tiếp theo. Trong kỳ chuyển nhượng Hè 1991, ban lãnh đạo Parma đã cố gắng săn đón thành công bộ đôi cầu thủ chạy cánh (wing-back) Antonio Benarrivo và Alberto Di Chiara, những nhân tố cực kỳ quan trọng cho phép HLV Scala vận hành một sơ đồ chiến thuật biến đổi linh hoạt giữa 5-3-2 và 3-5-2.
 
Mặc dù vậy, cũng phải chờ đến mùa giải 1991/92, đội bóng chủ sân Ennio Tardini mới thu được thành quả đáng kể đầu tiên sau khi đánh bại Juventus ở chung kết Coppa Italia. Giai đoạn sau đó, khi mà thương hiệu Parma ngày càng trở nên giá trị trên thị trường quốc tế, cũng chính là lúc công ty mẹ Parmalat bắt đầu thu về những nguồn lợi nhuận quan trọng. Trong niềm phấn khích tột cùng của các parmensi (tên gọi CĐV Parma), nhà Tanzi lại tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để mang về thêm nhiều ngôi sao tiếng tăm, từ Faustino Asprilla năm 1992 cho đến Gianfranco Zola năm 1993 hoặc chẳng hạn như Nestor Sensini, cầu thủ sau này đã giữ vai trò then chốt ở hàng phòng ngự Parma cho đến tận những năm đầu thiên niên kỷ mới.
 
Mùa giải 1992/93, thầy trò HLV Scala đoạt được danh hiệu Cúp C2 đồng thời đánh bại luôn cả AC Milan hùng mạnh trong trận chung kết Siêu cúp châu Âu. Thế nhưng, giai đoạn đỉnh cao nhất trong nhiệm kỳ của vị chiến lược gia người Veneto này ở sân Ennio Tardini phải là mùa bóng 1994/95. Đó là một mùa giải mà Parma đã chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với Juventus trên cả ba mặt trận, từ Serie A, Coppa Italia cho đến UEFA Cup. Mặc dù thất bại trước Bianconeri trong cuộc đua ở đấu trường quốc nội (xếp thứ ba) cũng như trận chung kết Coppa, nhưng rồi đội bóng xứ Emilia-Romagna lại vượt qua “Bà đầm già thành Turin” trên sân chơi châu lục. Trải qua hai trận chung kết lượt đi lượt về hết sức căng thẳng, cuối cùng thì Scala đã chiến thắng được “gã đầu bạc” Marcello Lippi, một kẻ luôn có thừa sự cáo già và toan tính nhưng vẫn phải ngán ngẩm chứng kiến tam tấu tấn công lừng danh bên phía Juve, bao gồm cả Gianluca Vialli, Fabrizio Ravinelli và Roberto Baggio bị “bóp nghẹt” trong hệ thống phòng ngự kiên cố của Parma, trước khi tiền vệ Dino Baggio trở thành người hùng ghi cả hai bàn thắng mang về chức vô địch cho Gialloblu.
 
“Chúng tôi không có khả năng chịu đựng sức ép cũng như độ dày lực lượng để cạnh tranh Scudetto. Tuy nhiên, trong những giải đấu ngắn hạn đòi hỏi tinh thần chiến đấu cao, Parma không hề e ngại bất kỳ đối thủ nào”, Nevio Scala thừa nhận.
 
Cũng trong mùa Hè năm ấy, nhà Tanzi đã quyết định chi tiền để đưa về sân Ennio Tardini một bản hợp đồng đình đám, một Quả bóng Vàng thực sự mang tên Hristo Stoichkov, một kẻ mà theo như giới chuyên môn vào thời điểm ấy đánh giá đã bước vào giai đoạn hoàng hôn của sự nghiệp. Tất nhiên, sự xuất hiện của cầu thủ người Bulgaria cũng đồng nghĩa với việc tập đoàn Parmalat sẽ có cơ hội xâm nhập sâu hơn vào thị trường Đông Âu màu mỡ, một nước cờ hoàn toàn nằm trong sự tính toán của “ông trùm” Calisto. Lúc này, người ta cũng hiểu rằng, Parma bây giờ đã không còn được phép dừng lại nữa. Họ chỉ có thể tiến lên hoặc chấp nhận sụp đổ như một đế chế thực sự.
Parma nhung nam 90 va cuoc thap tu chinh cua gia toc Tanzi hinh anh 3
Hristo Stoichkov
Mùa giải 1995/96, Parma chỉ xếp thứ 6 tại Serie A, một kết quả rất đáng thất vọng mà chủ yếu bắt nguồn từ việc Stoichkov không hợp với đối tác Zola trên hàng công dẫn đến phong độ suy yếu của toàn đội. Trong giai đoạn chuyển nhượng mùa Hè năm 1996, theo ý của tân Chủ tịch Stefano Tanzi (thay thế Pedraneschi), HLV Scala đã phải lùi bước để nhường chỗ cho Carlo Ancelotti, một vị chiến lược gia gốc Emilia-Romagna bản địa. Rất nhanh chóng, một guồng quay mới lại tiếp tục diễn ra ở Ennio Tardini khi lần lượt những hảo thủ như Thuram, Chiesa, Crespo… xuất hiện, đó là chưa kể đến Fabio Cannavaro (gia nhập từ năm 1995) và Gigi Buffon, một sản phẩm ưu tú từ lò đào tạo trẻ CLB.
 
Về mặt chiến thuật, Ancelotti không quá cứng nhắc giống như Scala. Thay vào đó, cựu danh thủ Milan sử dụng đồng thời cả hai sơ đồ 4-4-2 và 5-3-2 tùy theo từng thời điểm cụ thể sao cho hiệu quả nhất. Mặc dù vậy, thật đáng tiếc là sự cố gắng theo đuổi mục tiêu Scudetto cuối cùng cũng chỉ giúp Parma cán đích tại vị trí thứ hai Serie A mùa 1996/97, thứ hạng cao nhất trong lịch sử của đội bóng này ở đấu trường quốc nội. Thêm một mùa giải nhạt nhòa nữa đã dẫn đến sự ra đi hoàn toàn tất yếu của Carletto để thay thế bằng Alberto Malesani, nhà cầm quân sau đó đã đưa Gialloblu trở thành một thế lực khét tiếng bậc nhất châu Âu trong giai đoạn cuối thiên niên kỷ.
 
Parma nhung nam 90 va cuoc thap tu chinh cua gia toc Tanzi hinh anh 4
Đội hình Parma 1999-2000
Trở lại với bản thiết kế 5-3-2 quen thuộc dưới thời Scala năm nào, đội bóng chủ sân Ennio Tardini đã nhanh chóng hiện nguyên hình là một cỗ máy vô cùng đáng sợ. Lần lượt những chữ ký đình đám đến từ Diego Fuser, Paolo Vanoli, Alain Boghossain và đặc biệt Juan Sebastian Veron đã trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng giúp cho HLV Malesani nhanh chóng hoàn thiện bộ khung chuẩn mực của mình, bao gồm: Buffon trong khung gỗ, Thuram và Cannavaro bao bọc hai bên libero Sensini, cặp “sen đầm” Baggio-Boghossain, đôi cánh Fuser-Vanoli cùng “nhạc trưởng” Veron chơi như một fantasista (số 10 cổ điển) phía sau hai “khẩu thần công” Crespo và Chiesa. Mọi thứ khi ấy chẳng khác nào một kiệt tác hoàn hảo dưới triều đại Tanzi, một II Grande Parma hào nhoáng thực sự và có thừa khao khát chiến thắng.
 
Chẳng có gì quá ngạc nhiên khi mà mùa bóng 1998/99 được chứng kiến một Gialloblu thành công nhất trong lịch sử với cú đúp danh hiệu Coppa Italia và UEFA Cup (đồng thời xếp thứ tư tại Serie A). Minh chứng rõ ràng hơn cả, chính là màn vùi dập Marseille tới 3 bàn không gỡ trong trận chung kết UEFA trên SVĐ Luzhniki (Moscow, Nga) nhờ những bàn thắng của Crespo, Vanoli và Chiesa. Giữa những ánh hào quang chói lọi ấy, các parmensi như thể đã phát điên. Cuối cùng thì chu kỳ thành công của Parma đã vươn tới đỉnh cao thực sự, trước khi báo hiệu một giai đoạn tăm tối sau đó…
 
Parma nhung nam 90 va cuoc thap tu chinh cua gia toc Tanzi hinh anh 5
Buffon - Cannarvaro
Đầu năm 2000, các vết nứt tài chính bắt đầu xuất hiện ngày một dày đặc trong hệ thống kinh doanh của gia đình Tanzi. Liên tục làm ăn thua lỗ và dính dáng đến hàng loạt vụ “chạy án” đồng nghĩa rằng tập đoàn Parmalat không còn khả năng nuôi nấng “đứa con tinh thần” Parma như ngày nào nữa. Lần lượt Veron và Crespo đã phải cập bến Lazio để mang về hơn 50 triệu bảng cho đội bóng, trước khi Thuram và Buffon cũng phải gia nhập Juventus với mức giá gần 80 triệu bảng. Tuy nhiên, chừng đó vẫn là không đủ để cứu rỗi Parma thoát khỏi một cuộc khủng hoảng đã lung lay từ tận gốc rễ.
 
Năm 2003, sau thời điểm tập đoàn Parmalat chính thức sụp đổ với những bê bối tài chính không thể nào chối cãi, giới truyền thông đã phanh phui sự thật về một khoản nợ lên đến… 20 tỷ USD dưới thời gia đình Tanzi nắm quyền điều hành. Bản thân Calisto Tanzi, vị đạo diễn từng đặt nền móng cho những năm tháng huy hoàng nhất trong lịch sử Parma thậm chí đã bị kết tội gian lận, trốn thuế, biển thủ công quỹ cũng như quan hệ bất chính với mafia… và phải nhận án phạt tổng cộng 17 năm tù giam. Cho đến năm 2004, đội bóng chủ sân Ennio Tardini đã phải tuyên bố phá sản như một hệ quả không thể nào cưỡng lại được, qua đó đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ vinh quang tột đỉnh, xen lẫn cả những nỗi ám ảnh tận cùng về sự lựa lọc, dối trá, những tháng ngày hỗn loạn trong sự dang dở và đương nhiên là cũng chẳng hề thiếu đi những nỗi tiếc nuối về một câu chuyện cổ tích dành cho thứ bóng đá theo chủ nghĩa “campanilismo” đầy hoài bão và mơ mộng…
 
Parma của những năm 90, chính là một cuộc thập tự chinh chấn động lịch sử, nhưng cũng chẳng khác nào một trò hề!
 
OLE (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

X
top-arrow