AC Milan 1988: Chuyện bên trong đế chế chinh phạt của Arrigo Sacchi

Tác giả CG - Thứ Ba 04/07/2017 15:55(GMT+7)

Zalo
Phần 1:

Họ tổ chức một cuộc họp báo để tuyên bố Marco van Basten sẽ giải nghệ. Đó là thời điểm ngày 17/8/1995, một ngày ngột ngạt giữa mùa hè nóng nực tại tổng hành dinh của Milan ở trung tâm thành phố.

AC Milan 1988: Chuyen ben trong de che chinh phat cua Arrigo Sacchi6
AC Milan 1988: Chuyện bên trong đế chế chinh phạt của Arrigo Sacchi
Một nhà báo đã đổi chỗ ngồi của mình và đặt một câu hỏi cho phó chủ tịch câu lạc bộ, Adriano Galliani. “Nếu Baggio là Raffaello,” ông hỏi, “thì ai là Marco van Basten?” Galliani mỉm cười. “Leonardo da Vinci. Ông ấy là tất cả mọi thứ. Một kỹ sư và một họa sĩ.”
 
Phong cách thanh lịch và những pha xử lý như múa ba lê trước khung thành của tiền đạo người Hà Lan đòi hỏi phải ở một đẳng cấp cao nhất. Bị chấn thương mắt cá hành hạ, trận đấu cuối cùng của anh đã diễn ra hơn hai năm trước đó, trận chung kết Champions League mà đội bóng của anh đã thất bại trước Marseille. Paolo Simonetti, một cổ động viên 21 tuổi, đã chuẩn bị sẵn sàng để hiến tặng xương sụn của mình cho cầu thủ mà anh yêu mến, thậm chí là đến gặp bộ phận y tế của câu lạc bộ để rồi chỉ để được hồi đáp lại rằng lời đề nghị đó là phi thực tế. Và bây giờ, khi mới chỉ 31 tuổi, sự nghiệp thi đấu của Van Basten đã khép lại: người đầu tiên trong bộ ba thần thánh đến câu lạc bộ, và là người cuối cùng rời đi.
“Thiên nga vùng Utrecht” cùng với hai người đồng hương Ruud Gullit và Frank Rijkaard đã cùng nhau giành được rất nhiều danh hiệu, trong đó bao gồm thành tích bảo vệ thành công chức vô địch European Cup. Nhưng chính những danh hiệu này lại càng khiến câu lạc bộ thêm tiếc nuối vì sự giải nghệ của Van Basten. Trước đây chưa từng có một đội bóng nào khai thác được kỹ thuật và trí tuệ của người Ý cùng với tài năng của người Hà Lan để tạo nên thành công như vậy.
AC Milan 1988: Chuyen ben trong de che chinh phat cua Arrigo Sacchi5
Milan của Sacchi
Dưới sự dẫn dắt của một người đàn ông lập dị và độc tài là Arrigo Sacchi, Rossoneri đã định nghĩa lại phong cách presssing hiện đại, áp đặt lối chơi lên đối thủ bằng cách bó hẹp không gian, thi đấu với một hàng thủ dâng cao, cơ động và tập trung vào sự chuẩn bị thể lực. Chiến thuật đó đã được những đội bóng thành công nhất trong một phần tư thế kỷ vừa qua áp dụng, như Manchester United của Sir Alex Ferguson và có lẽ nổi tiếng nhất là Barcelona của Pep Guardiola.
 
Bước ra ngoài sân cỏ, họ chính là Galacticos trước khi thuật ngữ này được ra đời. Là người đi tiên phong cho những thương hiệu toàn cầu hóa của các đội bóng kỷ nguyên Champions League; nơi mà các ngôi sao trong đội quan trọng như những ngôi sao trên ngực áo vậy. Có thể nói họ là những người dẫn đầu xu hướng, theo mọi cách hiểu. Và bộ ba Hà Lan bay là trái tim của cuộc cách mạng: ba cái tên đi cùng với nhau - “Gullit, Van Basten, Rijkaard” - gần như là một danh từ kết hợp bởi tốc độ, sức mạnh và sợ phô trương. Hai mươi năm sau, “Xavi và Iniesta” cũng sẽ làm điều tương tự với tiki-taka của Barca.
 
Khi Sacchi được đề nghị so sánh giữa hai đội bóng vĩ đại, ông đã có một chút do dự. “Họ là hai đội bóng vĩ đại đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng của thể thao. Nhưng tôi đã dẫn dắt đội bóng xuất sắc nhất lịch sử.”
“SACCHI Ư? TÔI KHÔNG BIẾT TÍ GÌ VỀ ÔNG TA”
 
Trong khi các luật sư của Milan đang nhìn chằm chằm vào các đối tác bên phía PSV của họ, thì đã có một vướng mắc giữa Ajax với Van Basten. Một cuộc hành động táo bạo. Chàng cầu thủ lúc bấy giờ là đương kim Chiếc giày vàng châu Âu và được ca tụng là người kế thừa người thầy vĩ đại Johan Cruyff. Sự xuất hiện của anh tại câu lạc bộ không quá hào nhoáng phô trương. Ngày 23/4/1987, một đám đông cổ động viên đã tụ tập bên ngoài trụ sở của Milan, những sự lo lắng quét qua các con phố khi dự kiến sẽ có một đoàn xe hộ tống gồm những chiếc Limousine.
 
Tiền đạo 23 tuổi đột nhiên xuất hiện ở góc phố, bên cạnh là Galliani và giám đốc Paolo Taveggia. Sau khi kí tặng một cách vui vẻ, anh trò chuyện với các nhà báo bằng tiếng Ý trôi chảy đến bất ngờ. Ngay khi Van Basten bước qua cửa trụ sở, một trong số họ đã hỏi liệu anh có suy nghĩ gì với tin đồn về một huấn luyện viên mới hay không, người được cho là sẽ đến vào mùa hè đó để thay thế Liedholm ngày càng “lạc hậu”. “Sacchi ư?” anh nhún vai. “Tôi không biết gì về ông ta cả. Còn anh?”
 
Arrigo Sacchi không phải là một người quá nổi tiếng trước đó, thậm chí có một tờ báo đã tỏ ra hoài nghi bằng cách đặt cho ông biệt danh Signor Nessuno (Mr Nobody). Năm 1986, Sacchi 40 tuổi, năm đó Parma của ông đã lên hạng từ Serie C cũ (hạng ba Italia). Ông chưa bao giờ thi đấu chuyên nghiệp, đã từng đá hậu vệ trái cho một đội bóng nghiệp dư ở địa phương có tên Fusignano gần Ravenna tại vùng Emilia-Romagna. Tuy nhiên sau đó ông đã chuyển sự chú ý của mình sang công tác huấn luyện sau khi tham dự một khóa học ở Coverciano, trụ sở của Liên đoàn bóng đá Italia ở vùng ngoại ô Florence.
 
Sau một giai đoạn ngắn ở đội trẻ Cesena, đội một Rimini và Fiorentina, Sacchi đến Parma với rất nhiều ý tưởng, lấy cảm hứng chiến thuật từ hai thái cực đối lập không có gì phải bàn cãi: sự nhuần nhuyễn từ Bóng đá tổng lực của Rinus Michel đầu thập niên 70 cùng Ajax và cái “phản nghệ thuật” của catenaccio từng được Nereo Rocco triển khai với Milan đầu thập niên 60.
 
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với FourFourTwo, ông đã nhìn lại về quãng thời gian này cùng với một nụ cười khá rụt rè: “Tôi khi đó là một huấn luyện viên trẻ. Và, bạn biết đấy, Mr. Nobody không thể có quá khứ, anh ta chỉ có thể có tương lai. Họ hỏi tôi làm thế nào tôi lại mong đợi mình có thể huấn luyện cầu thủ nếu tôi chưa từng thi đấu chuyên nghiệp. Và tôi thường nói với họ rằng, “Tôi không biết liệu bạn muốn là một tay đua ngựa, bạn phải là một chú ngựa ở kiếp trước.”
 
Các cầu thủ Parma đặt biệt danh cho ông là “Pressing”, để tôn vinh thuật ngữ ưa thích của ông (họ cũng gọi ông là “Valium” vì ông có thể không ngủ một chút nào vào đêm thứ Bảy trước một trận đấu). Bây giờ là ở Serie B, câu lạc bộ đã bắt đầu chú ý đến hàng phòng ngự chắc chắn của mình - họ chỉ để lọt lưới bảy bàn trong một mùa giải - nhưng đồng thời cũng cân bằng với cách tiếp cận đầy mạnh mẽ của mình, gây áp lực lên đối thủ với nhịp độ cao và tận dụng mọi vị trí trên sân.
 
Berlusconi đã trải nghiệm điều này lần đầu tiên khi Parma hai lần đánh bại Milan ở San Siro trong khuôn khổ Coppa Italia mùa giải 1986/1987, một lần ở vòng bảng và một lần nữa ở vòng tứ kết. Chủ tịch của Rossoneri bị kích thích bởi động lực và sự tập trung đến mức nghiêm khắc của huấn luyện viên bên phía đối thủ.
 
Trong suốt nhiều ngày, câu chuyện xuất hiện trên báo chí rằng Milan đang nói chuyện với Parma về một bản hợp đồng. Liedholm đã buộc phải ra đi vào đầu tháng Tư sau những thất bại trước Sampdoria (trước sự giận dữ của các khán đài sân San Siro) và Avellino, điều này đã tạo nên một vết nứt rất nghiêm trọng vào niềm hy vọng của câu lạc bộ về việc tham dự cúp châu Âu. Một vị huấn luyện viên trẻ dù không phải gương mặt quá mới mẻ nằm trong thành phần ban huấn luyện là Fabio Capello đã được chỉ định dẫn dắt đội bóng trong những trận đấu còn lại.
 
Berlusconi đã làm việc rất cật lực vì Sacchi, mang về cho ông Van Basten và Gullit. “Ông ấy rất nhiệt huyết, ông ấy muốn bóng đá được chơi theo đúng cách của nó,” Sacchi nhớ lại. “Tôi thích ông ấy, tôi thích nguồn năng lượng và sự nhiệt tình của ông ấy. Điểm nổi bật của ông ấy luôn là không chỉ muốn giành chiến thắng, ông ấy còn muốn cho mọi người thấy bạn có thể thắng bằng cách thi đấu tốt, rằng bạn có thể thật giỏi trong việc giành chiến thắng.”
AC Milan 1988: Chuyen ben trong de che chinh phat cua Arrigo Sacchi4
Người Milan chào đón Gullit
Cả hai cùng nhau chia sẻ một tinh thần giống nhau, một khao khát vượt qua những trật tự đã được thiết lập ở calcio, mặc dù truyền thông vẫn không tin tưởng vào gương mặt lạ lùng này, một kẻ ngoài cuộc đã có tuổi vội vã với những ý tưởng quái đản có thể hy vọng thành công trên một sân khấu lớn như vậy. Cách nói chuyện đầy say mê trong cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị huấn luyện viên của Milan đã gạt đi tất thảy những nghi ngờ. Các nhà báo đã sững sờ trước triết lý huấn luyện mới của ông. “Bóng đá của tương lai sẽ mang nhiều tính trí tuệ hơn là tính cơ bắp, sự tư duy sẽ được để ý đến nhiều hơn là việc chuẩn bị thể lực… Đối thủ mà tôi sợ nhất ư? Thời gian.”
 
“NẾU MILAN KHÔNG ĐƯỢC THAM DỰ CÚP CHÂU ÂU? NẾU, NẾU…”
Gần như hoàn toàn trái ngược với Van Basten, sự xuất hiện của Gullit ở Milan lại rất rùm beng bởi tiếng còi báo động của cảnh sát hộ tống anh đi qua các con phố. Được vây quanh bởi những nhân viên của lực lượng mà tiếng Ý gọi là carabinieri luôn tỏ ra khó chịu, những chiếc đèn flash máy ảnh, các cổ động viên đang hát ca và đám đông người theo dõi, anh tỏ ra thích thú vì sự chú ý này. Anh đồng thời cũng thể hiện sự không hài lòng của mình. Trong lời nói đầu tiên, anh chia sẻ: “Họ nói với tôi ở Hà Lan rằng có ba nhật báo thể thao ở đây và chúng toàn là rác rưởi. Điều đó có đúng không?”
 
Galliani cảm thấy cần phải cảnh báo trước. “Gullit thường nói những gì cậu ấy nghĩ.” Quả thực là như vậy. “Điều gì sẽ xảy ra nếu Milan không được tham dự cúp châu Âu? Đó là một câu hỏi vớ vẩn, chúng tôi sẽ xem điều gì xảy ra vào cuối mùa giải. Nếu, nếu, nếu… này, nếu mẹ tôi có một cái dương vật, bà ấy sẽ trở thành bố tôi.”
 
Sau đó, tiền đạo với mái đầu dreadlock đặc trưng giải thích rằng: “Tôi lớn lên tự do, tôi lớn lên ở Amsterdam. Trưởng thành tự do là điều tuyệt vời nếu bạn mạnh mẽ. Có thể tôi đã được trợ giúp một chút bởi cung hoàng đạo của mình, Xử Nữ. Khi tôi biết con đường mình sẽ đi, không ai có thể ngăn tôi lại. Tôi là một kẻ bướng bỉnh ư? Có thể, nhưng tôi cũng mạnh mẽ và tự tin nữa.”
 
Roberto Donadoni vẫn nhớ sức mạnh đáng kinh ngạc của cầu thủ người Hà Lan, dáng vẻ và sự linh hoạt của anh: “Anh ấy có một nguồn sức mạnh giúp anh có thể đá ở mọi nơi. Lần đầu tiên tôi thấy anh ấy, đó là một giải đấu ở Barcelona, anh ấy đá trong vai trò một hậu vệ thòng! Sau đó anh ấy đá bên cánh phải, ở trung tuyến, tiền đạo lùi và bất kì chỗ nào khác nữa…”
 
Bây giờ khi nói chuyện về thời kì này, Sacchi luôn phủ nhận có bất kì vấn đề gì với trách nhiệm của mình trong việc thích ứng với chiến thuật mới: “Không hề có sự phản kháng hay điều gì tương tự vậy, chỉ có một chút sự hoài nghi thôi. Các cầu thủ thực sự không chắc nơi đây tất cả họ đều đang dẫn dắt.” Paolo Maldini, thời điểm Sacchi đến mới chỉ 19 tuổi, nói: “Thật dữ dội. Tôi thường về nhà vào buổi đêm và cảm thấy kiệt sức. Đó là một thảm họa. Mọi thứ thật sự khó khăn.”
AC Milan 1988: Chuyen ben trong de che chinh phat cua Arrigo Sacchi3
Capello và Liedholm
Đặc biệt là Van Basten và Gullit cần phải được thuyết phục với phương pháp mới của Sacchi; họ là người Hà Lan, thường được tự do sáng tạo, chưa từng được huấn luyện bởi một cựu nhân viên bán giày chưa bao giờ thi đấu một trận chuyên nghiệp nào.
 
Một buổi tập đầy thử thách trên sân được thiếp lập. Để chứng minh tầm quan trọng của tập thể, năm cầu thủ được tập hợp lại - thủ thành Galli cùng bộ tứ vệ Tassotti, Baresi, Costacurta và Maldini - và đối mặt với 10 cầu thủ tấn công mà Van Basten và Gullit nằm trong số đó. Bên tấn công có 15 phút để ghi bàn, luật duy nhất là nếu bên năm người giành được bóng, họ phải bắt đầu lại từ 10m bên trong phần sân của mình.
 
Bên tấn công không bao giờ ghi được bàn, dù chỉ một lần. Một sự chấp nhận về tính tổ chức cùng với việc tỏa sáng cá nhân đã ra đời.
 
Mọi thứ khởi đầu đủ tốt, hai cầu thủ Hà Lan ghi bàn trong trận ra mắt Serie A, chiến thắng 3-1 ở Pisa. Thất bại trên sân nhà trước Fiorentina của Roberto Baggio khiến nhiều người phải nhíu mày, thế nhưng có một cảm giác ngày càng tăng lên rằng điều gì đó đang diễn ra ở đây và khi mọi thứ đã được kích hoạt, Milan là một điều gì đó thực sự mới mẻ. Sacchi đã giới thiệu một loại phòng ngự khu vực mới (nôm na là phụ trách quán xuyến một khu vực trên sân hơn là kèm một cầu thủ), với các khu vực đòi hỏi phải giữ sự nhuần nhuyễn khi triển khai trên sân. Hàng phòng ngự tiến lên với mục đích thu hẹp không gian chơi bóng của đối thủ. Bóng được chuyền liên tục.
 
Mauro Tassotti bên cánh phải và Maldini bên cánh trái được tự do dâng cao, Carlo Ancelotti được giao nhiệm vụ quán xuyến khu trung tuyến. Franco Baresi đảm trách ở hàng hậu vệ và thỉnh thoảng sẽ băng lên trong khi trung vệ còn lại là Filippo Galli giữ vị trí và giúp Giovanni Galli (hai người này không hề có quan hệ họ hàng) giảm bớt áp lực. Hàng tiền vệ giàu năng lượng cần phải ăn khớp với nhau, kỉ luật và tập trung.
AC Milan 1988: Chuyen ben trong de che chinh phat cua Arrigo Sacchi1
Ancelotti - hạt nhân nơi tuyến giữa của Sacchi
Ancelotti, người đã gia nhập từ Roma vào mùa hè, là người đại diện của Sacchi trên sân, một cầu thủ có nhiều bóng hơn bất kì ai. Alberigo “Bubu” Evani (sở dĩ có biệt danh như vậy vì giống với người bạn Boo-Boo của Yogi Bear) sẽ ở bên trái, Angelo Colombo bên cánh phải. Cả hai người này sẽ trám vào vị trí khi hai hậu vệ phía sau họ băng lên để lại.
 
Ngay phía trước bộ ba này sẽ là Roberto Donadoni, đá trong vai trò mezza punta, một tiền vệ tấn công (hay tiền đạo lùi), tạo sự gắn kết với hai tiền đạo. Gullit sẽ xuất phát phía sau Van Basten hoặc Pietro Paolo Virdis, cầu thủ đến từ Sardegna trước đây đã từng là đối tác của Hateley trên hàng công.
 
Virdis trở thành cầu thủ quan trọng trong mùa giải đầu tiên đó sau khi Van Basten phải ngồi ngoài vì một chấn thương vào tháng 10/1987. Milan đã lo rằng Van Basten không hạnh phúc. Anh ít khi ra ngoài ăn tối với các đồng đội mới, thay vào đó thích ở nhà với Lisbeth - vợ anh - “để nói một chút tiếng Hà Lan” và nghe những đĩa nhạc của George Michael. Sau buổi tập, Van Basten thích chơi cờ tào cáo với các thành viên đội trẻ  hơn là đi vào thành phố để mua sắm ở cửa hàng của một nhà thiết kế hay nán lại nhâm nhi một cốc caffè macchiato trong một quán bar “sang chảnh”. Anh luôn tỏ ra lịch sự với tất cả mọi người nhưng rõ ràng không phải một con người giỏi giao tiếp xã hội. Người Ý không bao giờ quá tin những người không thể hiện cảm xúc của họ. Báo chí đặt biệt danh cho anh là “Iceman” vì sự lạnh lùng ở tính cách cũng như trên sân cỏ.
AC Milan 1988: Chuyen ben trong de che chinh phat cua Arrigo Sacchi2
Sacchi và van Basten
Vào thời điểm cầu thủ này đã sẵn sàng để trở lại đội một, Milan đang đe dọa chức vô địch của Napoli. Tiền đạo này có vài lần vào sân thay người từ hiệp hai trong tháng Tư và rất nóng lòng trước cuộc đụng độ Napoli ngày 1/5. Và đó sẽ được minh chứng là thời khắc lịch sử Milan. 
 
Milan hành quân đến Napoli với một điểm kém hơn đội bóng của Diego Maradona. Sau sự lạc quan từ chiến thắng trong trận derby trước Inter tuần trước, họ đang ở trạng thái rất tự tin. Maradona đã kêu gọi người hâm mộ Napoli biến sân San Paolo trở thành “nghĩa địa” với đội khách. Vardis đưa Milan vươn lên dẫn trước ở phút 36, sau đó Maradona gỡ hòa ngay trước khi hiệp một kết thúc với một cú đá phạt tuyệt đẹp.
 
Âm thanh cuồng nhiệt đến từ khắp các khán đài ngày càng to hơn nữa (Napoli chỉ cần một điểm để bảo đảm rằng họ vẫn sẽ có thể bảo vệ được danh hiệu), Van Basten đã được tung vào sân ở hiệp hai thế chỗ Donadoni. Đá cặp với Vardis, anh liên tục kéo dãn hàng thủ của Napoli. Người đồng đội của anh tiếp tục đe dọa hàng thủ đối phương trước khi Van Basten tung một cú dứt điểm sát thủ dù sau đó Careca đã có một bàn thắng muộn. Napoli thua hai trận đấu tiếp theo trong khi Milan thì hòa cả hai. Sacchi, trong mùa giải đầu tiên ở câu lạc bộ, đã giành được scudetto. Với huấn luyện viên và vị chủ tịch, đó là một lời khẳng định. Mọi thứ sẽ không bao giờ thực sự giống như thế nữa.

(Còn nữa...)

Lược dịch và hiệu đính từ bài viết Milan '88: The inside story of Sacchi's all-conquering kings, as told by them của tác giả Matt Barker trên FourFourTwo.

CG(TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Hiệu suất dứt điểm kém cỏi có thể Liverpool lỡ hẹn với chức vô địch Premier League

Sau khi giành Carabao Cup vào cuối tháng Hai, một bộ phận fan Liverpool đã mơ về cú ăn bốn. Vào thời điểm ấy, đó là một giấc mơ có-cơ-sở. Tuy nhiên, thất bại trước Man United ở FA Cup, cộng thêm việc vừa thua Atalanta 0-3 trên sân nhà trận lượt đi tứ kết Europa League, đội bóng áo Đỏ Merseyside có lẽ chỉ còn duy nhất 1 mục tiêu trong mùa giải cuối cùng triều đại Jurgen Klopp: giành chức vô địch Premier League.

Liverpool trước nguy cơ mất tất cả: Thay đổi hay là chết?

3-0! Nếu ai đó bỏ lỡ trận đấu của Liverool vào rạng sáng nay, khi bật livescore lên và thấy tỷ số như vậy, như một phản xạ tự nhiên, họ phải dụi mắt mình để xem liệu chữ số 3 và 0 kia có được sắp xếp đúng thứ tự hay không. Sau tất cả, mọi thứ đều chính xác, không có gì sai số cả, Atalanta của Gian Piero Gasperini đã kéo sập Anfield một lần nữa dưới thời vị huấn luyện viên 66 tuổi người Torino.

X
top-arrow