Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe

Tác giả BLV Hoàng Thông (Le Foot) - Thứ Ba 22/08/2023 12:19(GMT+7)

Zalo

Đội bóng của Eddie Howe thật sự là một cỗ máy về khía cạnh thể chất. Mức độ quyết liệt, tốc độ và sự bền bỉ là có thể cảm nhận được trong các màn chơi cả khi không bóng lẫn có bóng của tập thể Newcastle.

dl
 

Đầu tháng 4 năm nay, Sky Sports từng đưa ra một thống kê: Newcastle Utd thời điểm ấy là đội dẫn đầu Premier League về số pha chạy nước rút trung bình mỗi trận. Con số chính xác bấy giờ là 153,58 pha chạy nước rút/trận. 

Đội bóng của Eddie Howe thật sự là một cỗ máy về khía cạnh thể chất. Mức độ quyết liệt, tốc độ và sự bền bỉ là có thể cảm nhận được trong các màn chơi cả khi không bóng lẫn có bóng của tập thể này. Ban huấn luyện đội bóng có lẽ đã xác định rõ ràng đấy chính là mô hình lối chơi mà họ muốn, từ đó mang về những con người phù hợp cho định hướng ấy. Song song, quá trình tập luyện hàng ngày đảm bảo duy trì mặt thể chất của các cầu thủ, phục vụ cho ý tưởng lối chơi. 

Vài ý nói trên là bối cảnh để chúng ta có thể hình dung về những gì Man City của Pep Guardiola phải đương đầu trong trận cầu cuối tuần qua. 

Nhìn vào đội hình xuất phát của hai phía, chúng ta có thể đặt ra giả thiết về hệ thống cơ bản của City và Newcastle như thế này. Với City là khi có bóng, với Newcastle là khi không bóng. Newcastle đã quá nhuần nhuyễn với hệ thống không bóng gây áp lực tầm cao kiểu này, như khi họ đánh bại Aston Villa ở vòng đấu mở màn mùa giải này, hay từng đánh bại Brighton ở lượt về mùa giải trước. 

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 1
 

Trên thực tế, City đã không triển khai bóng theo một cấu trúc như vậy. Bối cảnh nhân sự cùng sự thử nghiệm Akanji trong vai trò tiền vệ trung tâm ở Siêu cúp châu Âu dẫn tới việc: City triển khai bóng qua cấu trúc 2-3, Akanji được nhấc lên khỏi vị trí trung vệ lệch trái, chơi cạnh Rodri. Bên hông còn lại của Rodri là Kovacic. Phía sau nhóm 3 cầu thủ này là Gvardiol và Dias. Walker dâng cao giãn biên ở cánh phải, giống như Grealish ở cánh trái.

Rất có thể, để đương đầu trước một đối thủ chơi với cường độ cực cao và chuyển đổi trạng thái ghê gớm như Newcastle, Pep Guardiola càng muốn khu vực trung lộ có thêm nhiều sự kiểm soát. Sự kiểm soát đến từ việc đông quân số, các cầu thủ nơi trung lộ chơi gần nhau giúp những đường chuyền có cự ly ngắn và ít rủi ro mất bóng, cũng như thêm quân số là thêm những “extra pass”.

•    Extra pass: Một khái niệm vốn dĩ trong môn bóng rổ, nhưng từ lâu đã được Pep sử dụng trong những lần chia sẻ về bóng đá của ông. Hiểu nôm na thì có nghĩa là các cầu thủ kiên nhẫn, kết nối bóng với nhau, thao túng/lôi kéo đối thủ cho đến khi thời cơ thật sự chín muồi mới tung ra đường chuyền quyết định dẫn tới cơ hội thật sự. 

Và khi nhìn vào màn trình diễn của nhóm 3 cầu thủ Akanji, Rodri và Kovacic trước Newcastle, trong đó có Akanji – một hậu vệ và mới chân ướt chân ráo thử sức ở vai trò tiền vệ trung tâm – đó thật sự là trận đấu đẳng cấp về mức độ điềm tĩnh, làm chủ không gian và sự chính xác trong các quyết định. 

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 2
 

Nếu theo dõi khoảng thời gian đầu trận đấu, có thể các bạn sẽ thấy Newcastle có phần loay hoay trong việc bố trí nhân sự kèm người trước cấu trúc 2-3 này của City. Nhưng dần dần, hệ thống không bóng gây áp lực tầm cao của Chích Chòe được định hình:

•    Nhóm nhân sự gây áp lực tuyến đầu vẫn giữ nguyên, với Almiron và Gordon được giao trọng trách di chuyển đường cong bo cạnh hướng ra ngoài để gây áp lực lên hai trung vệ lệch của City, mà giờ đây là Gvardiol và Dias. Isak thì gây áp lực trên thủ môn đối phương;

•    Để đối phó với nhóm 3 tiền vệ trung tâm của City, Newcastle quyết định liều lĩnh đẩy cả Bruno Guimaraes lên cao, thay vì lót phía trước mặt hàng thủ và lo liệu số 10 của City. Bruno theo kèm Rodri, Tonali kèm Akanji và Joelinton kèm Kovacic.

Đối phó với City luôn là một bài toán đặt ra như sau: Bạn chấp nhận đánh đổi điều gì trước khâu triển khai bóng của thầy trò Pep? Đó là xếp đông quân số gây áp lực tầm cao rát, nhưng chấp nhận thế một-một hoặc thua thiệt quân số ở tuyến thủ? Hay giữ thế quân số ngang bằng hoặc nhỉnh hơn ở tuyến thủ, đổi lại là nhường City áp đảo quân số ở giai đoạn triển khai bóng của họ?

Nhìn vào sa bàn nói trên, Newcastle đã chọn vế đầu tiên, tức dồn đông quân số gây áp lực tầm cao, đánh đổi bằng việc tuyến thủ ít người, thậm chí là thua thiệt.

Ederson được tính là một quân số trong khâu triển khai bóng của City, thế nên đó là khối 6 người. Đáp lại, Newcastle cũng có ngần ấy nhân sự. Nghĩa là Chích Chòe chọn gây áp lực tầm cao theo kiểu một-kèm-một.

Kịch bản ấy dẫn đến việc Newcastle chỉ còn 4 người nơi tuyến thủ, để đối phó với 5 người của City. 

Trong hệ thống về mặt lý thuyết, Foden là một tiền đạo cánh phải, nên trọng trách kèm người thuộc về hậu vệ cánh trái Dan Burn. Tương tự là Trippier với Grealish. 

Vậy nên, khi thực tế có sự biến chuyển, người người tự do của City thường xuyên là Kyle Walker.

Viễn cảnh lý tưởng nhất mà chúng ta có thể hình dung về đường nét lên bóng của City là họ sẽ mở những đường bóng sang cho Walker. Thực tế đã diễn ra thường xuyên như vậy trong trận đấu, với những cú phất bóng chéo của Gvardiol, Akanji hay Rodri. 

Nhưng Newcastle lựa chọn phương án mạo hiểm như vậy vì họ cũng có cơ sở cho việc nhanh chóng thiết lập lại kết cấu phòng ngự tầm trung-thấp, một khi khâu gây áp lực tầm cao không thành công. Đó là yếu tố về thể chất của các cầu thủ, những người như Tonali, Bruno hay Joelinton, với khả năng bao quát diện rộng và bền bỉ. Một cú phất bóng bổng, chéo sân sang cho Walker sẽ có thể vẫn đủ thời gian để những tiền vệ Newcastle kịp thời lui về bằng các pha chạy nước rút, từ đó mà cấu trúc phòng ngự đông quân số được thiết lập. 

Bấy giờ, cấu trúc không bóng tầm trung-thấp của Newcastle sẽ trông như thế này. Dan Burn được trả lại với vai trò kèm Walker. Joelinton ở vai trò số 8 lệch trái sẽ gánh nhiệm vụ có phần nặng nề hơn, khi vừa nhấc lên dập Kovacic nếu tiền vệ người Croatia có bóng, vừa dè chừng Phil Foden ở sau lưng. Foden, khi được xếp đá ở nách trung lộ hoặc hành lang trong, có lẽ là một trong những cầu thủ giỏi nhất và chủ động nhất ở khả năng nhận bóng giữa hai tuyến, từ đó xoay người hướng quả bóng về phía trước.

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 3
 

Điều đáng nói nữa ở giai đoạn này là dường như Anthony Gordon được đặc cách khỏi nhiệm vụ hỗ trợ Dan Burn phòng ngự. Khi hậu vệ biên đã theo kèm đối phương cùng cánh, tức Burn theo Walker, thường thì tiền vệ/tiền đạo cùng cánh – tức Gordon – sẽ phải nhanh chóng lùi xuống để “double team”, gấp đôi quân số để đề phòng trường hợp có một đối phương khác – tức Foden – khoét vào nách trung lộ (channel) rồi đâm ra sau lưng hàng thủ. Hành động “double team” này là để giúp trung vệ lệch vẫn giữ vị trí phòng ngự nơi trung lộ, thay vì bị tháo ra khỏi vị trí đó.

Song, vì Newcastle có vẻ tin tưởng Joelinton sẽ lo liệu được cả việc theo kèm Foden, nên Gordon hiếm khi lùi về đứng ngang hàng thủ. Do đó, cấu trúc thủ tầm trung-thấp của Newcastle là 4-4-2 hoặc 4-5-1. 

Đây là một ví dụ điển hình của hệ thống không bóng gây áp lực tầm cao quyết liệt từ Newcastle. Lúc này, Walker là người tự do, trở thành cửa thoát pressing từ đường chuyền của Gvardiol. Cũng trong khung hình, hậu vệ cánh trái Dan Burn đã theo Foden đến tận 1/3 cuối sân.

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 4
 

Ví dụ khác, với góc quay trên cao trong pha chiếu lại về một cơ hội nguy hiểm mà City tạo ra ở cuối hiệp một, thời điểm họ đã ghi bàn. Kết cấu kèm người liều lĩnh của Newcastle được phác họa rõ nét. Tuyến thủ rơi vào thế 3v3. 

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 5
 

Còn đây là ví dụ về cấu trúc không bóng tầm trung-thấp của Newcastle, với 4-5-1 và Joelinton theo Foden. Trọng trách này như đã nói là không dễ, bởi Foden luôn có thiên hướng di chuyển “rà rà” giữa hai tuyến đối thủ, anh không cố định ở nách phải. Chưa kể, Joelinton còn phải kiêm nhiệm cả việc dâng lên dập Kovacic.

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 6
 

Một hình ảnh có thể dễ dàng bắt gặp trong trận đấu, khi Walker là người tự do ở biên phải để nhận những đường chuyền chéo từ trung lộ.

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 7
 

Chính từ một pha bóng chuyển hướng chéo sân như vậy dành cho Walker mà hậu vệ cánh này đã tìm thấy Foden ở nách trung lộ. Joelinton đã không thể theo kịp Foden, còn Gordon đã không “double team” để che được nách trung lộ. Trong pha bóng này, trung vệ lệch trái Sven Botman đã kịp thời be góc và Foden phải xoay người đưa bóng trược trở lại. Đây là thời điểm phút thứ 14, tức từ trước khi City có bàn thắng. Lời cảnh báo đã có. 

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 8
 

Giờ hãy đến với bàn thắng duy nhất của trận đấu. Cấu trúc không bóng tầm trung của Newcastle vẫn được hiện rõ, điểm chú ý là việc Dan Burn dâng lên theo kèm Foden.

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 9
 

Vấn đề là sau đó, Foden với hành động di chuyển rà rà của mình, xuất hiện ở trung lộ, kéo theo Joelinton. Vậy ai sẽ kèm Kovacic? Joelinton có trọng trách đó, nhưng trong hoàn cảnh này thì không thể. Thế nên, đã có một thoáng Dan Burn lại lao lên, nhưng ngay lập tức giật về. Vì đơn giản, Burn không thể bỏ Walker tự do ở biên được.

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 10
 

Kovacic chuyền cho Walker, Burn di chuyển ra bắt lấy Walker, Joelinton tiếp tục lùi về theo Foden, đúng quy trình phòng ngự đề ra.

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 11
 

Walker trả về cho Kovacic. Trong một tích tắc, Joelinton không thể che kịp nách trung lộ, khoảng trống mở ra là vừa đủ cho một đường chuyền xuyên tuyến từ Kovacic đến Foden.

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 12
 

Không có người “double team” để bịt nách trung lộ đó, trung vệ lệch trái Botman buộc phải di chuyển ra khỏi vị trí. Hàng thủ bị tháo rời, và lần này Foden đủ thời gian để chuyền cho Alvarez, người dứt điểm thành bàn.

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 13
 

Trong hiệp hai, Newcastle vẫn duy trì kết cấu không bóng như hiệp một, khi Sean Longstaff vào thay Joelinton và Tonali bấy giờ đảo vị trí. Chích Chòe vẫn chấp nhận mạo hiểm với nhóm 3 tiền vệ trung tâm theo kèm 3 tiền vệ trung tâm của City, và Burn vẫn luôn theo dập Foden. 

Sự liều lĩnh của Newcastle & cách Man City đánh bại Chích Chòe 14
 

Kịch bản Foden nhận bóng giữa hai tuyến diễn ra thường trực. Đây là một pha bóng mà Rodri thay đổi vị trí đứng, dẫn tới Bruno trở thành người thừa trong trọng trách kèm người. Dan Burn thì lúc này lại theo kèm Walker ở biên. Sau khi Foden nhận bóng, City tạo ra một pha 4v3, đến khi Bruno tức tốc chạy về thì là 4v4. Cuối cùng, Haaland có cú dứt điểm bị thủ môn cản phá.

 

Sau 90 phút bóng lăn ở Etihad, City là đội thắng cuộc, nhờ vào sự điềm tĩnh của nhóm tiền vệ trung tâm và miếng đánh vào nách trung lộ (hành lang trong). Trong đó, Phil Foden cho thấy anh là một trong những cầu thủ lành nghề nhất ở khoản này, khi cực kỳ nguy hiểm ở khoảng trống giữa hai tuyến và tấn công hàng thủ đối phương. Nhưng Newcastle cũng xứng đáng được nể trọng, bởi sự liều lĩnh của họ trong kết cấu không bóng. Hiếm đội dám đặt hàng thủ vào thế ngang ngửa quân số với hàng công của City như Newcastle. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Bậc thầy chiến thuật Eddie Howe đã đè bẹp Tottenham như thế nào?

Trên lý thuyết, tất cả các kế hoạch và ý tưởng đều có thể thực hiện được. Tuy nhiên, để thực hiện những kế hoạch ấy khi đối đầu với một đối thủ mang đẳng cấp cao thì nó lại là câu chuyện và nhiệm vụ hoàn toàn khác biệt... Đó chính là lý do vì sao HLV Eddie Howe đã dành lời khen và ca ngợi các cầu thủ của mình sau khi hồi còi mãn cuộc của trọng tài chính vang lên.

X
top-arrow