Trong nỗi buồn Marseille, người Đức có nhớ Klose?

Tác giả Teddy - Thứ Sáu 08/07/2016 19:58(GMT+7)

Zalo
Joshua Kimmich nỗ lực hết mình ở biên phải. Anh muốn cho người ta thấy mình không phải cái bóng của Philipp Lahm. Đường căng ngang từ chân hậu vệ này mở ra trước mặt Muller một cơ hội hiếm hoi đúng vào lúc số 13 đói khoảng trống nhất. Số 13 lóng ngóng rướn người và trượt trụ trên trảng cỏ trước vòng 16m50. Phút 93, khi Die Mannschaft tìm kiếm một bàn danh dự, họ quyết định dùng bóng bổng, nhưng kẻ thắng vẫn là một Lloris đã bắt quá hay trong suốt chiều dài trận bán kết. Tới lúc ấy, người ta biết Đức thua vì họ không có một tiền đạo đẳng cấp.
 
Trong noi buon Marseille, nguoi Duc co nho Klose hinh anh
Người Đức có nhớ Miroslav Klose vào lúc này?
Trớ trêu làm sao, một đất nước đã từng sản sinh ra những Gerd Muller, Rudi Voller, Jurgen Klinsmann hay Karl-Heinz Rummenigge lại đến với EURO 2016 trong nỗi lo thiếu tiền đạo. Niềm hi vọng gần như duy nhất của họ ở vị trí số 9 là Mario Gomez, và khi tiền đạo của Besiktas vắng mặt ở Velodrome, Didier Deschamps biết mình phải làm gì. Toàn bộ đội hình tuyển Pháp quây kín tuyến giữa, cô lập Kroos và Ozil, ép Đức phải dồn sang hai bên cánh. Jonas Hector và Joshua Kimmich đã chơi đầy cố gắng, nhưng những đường tạt bóng của họ dường như quá lạc lõng khi không có ai đón nhận.
 
Và thế là người ta lại được thêm một lần nhớ đến Miroslav Josef Klose với cú tung người santo quen thuộc.
 
KẺ THẦM LẶNG VĨ ĐẠI CỦA DIE MANNSCHAFT
 
Klose thi đấu hơn 20 năm, chuyển qua hơn 10 CLB mà tổng giá trị chuyển nhượng chưa được 30 triệu euro. Anh giản dị theo cách thu mình lại, đứng khiêm tốn trong cả rừng sát thủ làm thơ trên sân bóng, và cũng thầm lặng trong một thành phần tuyển Đức đầy ngôi sao. Hơn 2 thập kỷ trong sự nghiệp của mình, Miro chưa bao giờ chạy cả sân như Rooney, múa như Messi, đảo chân như Ronaldo, khoẻ như Drogba hay trận nào cũng phá bẫy việt vị như Inzaghi. Kỉ lục gia ghi bàn tại World Cup lái mọi ánh mắt của giới truyền thông sang sự dũng mãnh của Oliver Kahn, tố chất thủ lĩnh của Michael Ballack hay sự cống hiến bền bỉ của Philipp Lahm.
 
Trong noi buon Marseille, nguoi Duc co nho Klose hinh anh 2
Bàn thắng đầu tiên của Klose ở World Cup vào lưới Ả Rập Xê Út
Nói về Klose, ta khó tìm ra những ngôn từ hoa mỹ. Bởi những bàn thắng của anh đến như một lẽ tất yếu, như một nhiệm vụ mà anh phải làm, bởi anh là tiền đạo, đã là tiền đạo thì phải ghi bàn. Bởi dấu ấn đầu tiên trên chặng đường khoác áo tuyển của anh chỉ là vài bàn thắng vào lưới Ả Rập Xê Út 14 năm về trước. Bởi khi anh già đi, những vết khắc của thời gian chỉ được thể hiện qua những chi tiết rất nhỏ, mà ai không theo dõi Miro sẽ chẳng buồn để ý: những nếp nhăn trên trán, những vết chân chim nơi khoé mắt. Đôi mắt vừa bất lực, vừa uất nghẹn trên băng ghế dự bị trong trận cuối hành trình của Đức tại World Cup 2010, khi anh bị chấn thương trước khi Đức chạm trán Uruguay. 

Không santo sau khi ghi bàn nữa, mà chỉ nhảy lên sung sướng, hoặc trượt cỏ, rồi đặt tay lên tim. Ánh mắt đượm buồn cùng tấm băng đội trưởng trong mấy trận cuối cho Die Mannschaft. Câu nói “Này trọng tài, tôi đã dùng tay ghi bàn đấy” trong màu áo Lazio. Cái cảm giác mà Klose mang lại mỗi khi anh ghi bàn, với nhiều người, chỉ là một thoáng lặng người rất nhẹ. Ừ, chân gỗ ngồi dự bị ở Bayern hay dưỡng già ở Lazio thì chắc thỉnh thoảng ghi bàn cũng được!
 
Trong noi buon Marseille, nguoi Duc co nho Klose hinh anh 3
Klose vượt qua Người ngoài hành tinh Ronaldo bằng sự bền bỉ
Thật vậy, nhưng những cái thỉnh thoảng rất khẽ ấy đã đưa Klose đến vị trí của một cầu thủ săn bàn vĩ đại. Người bình thường nhất đã làm nên chiến quả phi thường nhất, kẻ sống lạc bầy đã khiến mọi người phải ngước nhìn. Cứ 4 năm một lần, Klose lại nổ súng ở sân chơi lớn nhất hành tinh, để rồi số lần santo của anh còn nhiều hơn số lần Ronaldo béo giơ một ngón tay lên và cười tươi ăn mừng bàn thắng. Để đến lúc Klose chia tay Die Mannschaft, con người tự cho mình đã hoàn thành sứ mệnh ấy lại để lại trên đôi mắt người Đức cũng như những người yêu mến anh trên toàn thế giới dòng lệ không ngừng chảy. 
 
Nhớ sự im lặng làm lắm người phát bực, sự mộc mạc giản dị không giống một ngôi sao, và nhất là những bàn thắng bình thường. Bóng được mở ra biên cho Kimmich, Kimmich khôn khéo “lườm rau gắp thịt” chuyền cho Emre Can, một đường căng ngang đẹp cho Muller,… nhưng rồi những pha ban bật hoa mỹ ấy vẫn chẳng giúp Joachim Low cùng các học trò tránh khỏi cảnh xách vali về nước. Miro, anh có bao giờ ước mình đang đứng ở đó? Với Miro, thêm mỗi bàn thắng là thêm một lần anh hoàn thành nhiệm vụ với màu áo đang mang trên mình.
 
BAO LÂU NỮA ĐỂ TÌM RA NGƯỜI THAY ANH?
 
Cuộc đời này nhiều khi ép chúng ta phải chọn. Chọn giữa sáng bừng nhưng mong manh hay ổn định trên một đường dài. Không cần phải xem trực tiếp trận bóng, ai cũng có thể hình dung ra Miro đã ghi bàn trên không hoặc ra chân ở khoảnh khắc giáp mặt với thủ môn đối phương, rồi nhảy santo ăn mừng như thế nào, một hình ảnh như thể được thu băng rồi cứ thế phát đi phát lại. Sự ổn định có thể giết cảm xúc, và Miro đã ổn định đến mức vượt qua cả Gerd Muller nhưng không mấy ai nhận ra, cho đến khi họ giật mình đọc lại các con số thống kê vào năm 2014. 
 
Trong noi buon Marseille, nguoi Duc co nho Klose hinh anh 4
Những Muller hay Gomez vẫn chưa đủ để thay thế bậc đàn anh
Tiền đạo là kẻ trực tiếp mang về chiến thắng với hiệu quả cụ thể nằm trên bảng tỉ số, cũng như một dàn nhạc thính phòng với các nhạc công xuất sắc cũng luôn cần một giọng ca đẳng cấp để bắt đầu trình diễn. Nhạc có hay đến mấy cũng cần có một khúc cao trào, phối hợp hay đến mấy thì cũng cần một người đưa bóng vào lưới. Trong chiến tranh vũ trang, một binh đoàn đừng hi vọng thắng chỉ nhờ những khẩu đại bác tầm xa, mà họ cũng cần cả những kẻ cầm tiểu liên nữa. Đôi khi, những người dùng súng tiểu liên mới là những cá nhân định đoạt cuộc chiến. 
 
Klose giống như một khẩu Blyskawica, kiểu súng tiểu liên mà người Ba Lan đã sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Chi phí sản xuất hạn hẹp, kỹ sư Waclaw Zawrotny định hướng sản xuất Blyskawica như một khẩu súng giá rẻ. Thế nhưng, chính một Blyskawica giản dị đã đóng góp phần không nhỏ trong quá trình chống lại sự chiếm đóng của Đế quốc Đức trong lòng Ba Lan. 
 
Những gì người Đức cần lúc này là một chân sút mộc mạc, không đắt tiền nhưng ổn định như Klose. Một người biết xuất hiện trong những lúc Tổ quốc cần anh nhất. Trớ trêu thay, Klose lại là một người con của Ba Lan, và lúc này tiền đạo xuất sắc nhất Bundesliga lại là một người Ba Lan khác, Robert Lewandowski. Dường như “hàng xóm” của Die Mannschaft luôn biết cách chế ra những vật liệu và sản sinh ra những sát thủ đơn giản mà hiệu quả, trong khi bản thân nước Đức đã quá lâu rồi không có ai đạt đến tầm như vậy. 
 
Trong noi buon Marseille, nguoi Duc co nho Klose hinh anh 5
Đến khi nào thì Die Mannschaft sẽ tìm được người kế tục Miro?
Bóng đá Đức ở thời hoàng kim sản sinh ra biết bao nhiêu những hậu vệ xuất sắc như Mats Hummels, bao nhiêu tiền vệ đi guốc trong bụng đối phương như Ozil, nhưng những Lasogga hay Volland chỉ xuất hiện trong thoáng chốc rồi lại tắt lịm. Joachim Low bị cười chê khi mang Gomez đến Pháp, và đúng thật, chính sự khan hiếm tiền đạo đã giết Đức khi họ chỉ còn cách trận Chung kết một bước chân. Người ta giật mình khi nhìn thấy lúc này, Davie Selke gần như là chân sút trẻ tài năng nhất ở quốc gia này. Liệu có mấy ai biết tới chàng tiền đạo đang thi đấu cho RB Leipzig ấy?
 
Sau thất bại tức tưởi ở Velodrome, người ta lại tự hỏi liệu bao giờ thì tuyển Đức tìm được người thay thế Miroslav Klose? Với cá nhân tôi, sẽ chẳng có ai thay thế được Klose, người đã nói câu này: “Ronaldo thực sự là một huyền thoại. Tôi không biết anh ấy thấy sao khi chứng kiến kỉ lục bị phá vỡ, nhưng với tôi anh ấy quá toàn năng”. 
 
Có bao nhiêu tiền đạo trên thế giới này đủ vĩ đại để phá kỉ lục của người khác rồi nói một câu như thế?
 
TEDDY(TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Ronaldo: Chiếc băng bị ném và Nhà lãnh đạo kiểu Bồ Đào Nha

Trong bài viết về Nghệ Thuật Lãnh Đạo đã được đăng tải trên tạp chí Forbes, nhóm tác giả Young Entrepreneur Coucil (YEC) đã chỉ ra ba bước để trở thành một lãnh đạo xuất sắc, đó là thúc đẩy bản thân, thúc đẩy đồng đội và thiết lập tầm nhìn cho cả đội. Đó là điều chúng ta ít được thấy hoặc được biết về Cristiano Ronaldo, nhưng mùa hè kỳ diệu trên đất Pháp chính là thời điểm mà khả năng lãnh đạo của Ronaldo phát tiết.

Hồi ức Berlin: Chuyện đứa con hoang của màu áo Thiên Thanh

Ngày 9/7/2006, sân vận động Olimpiastadion Berlin chứng kiến cái kết đẹp của một câu chuyện thần kỳ mang tên Italia. Bất chấp bóng ma về vụ bê bối Calciopoli ngay trước thềm giải đấu, Azzurri đã thi đấu tuyệt vời để lần thứ tư nâng cao cúp vàng danh giá. Trong câu chuyện ấy, người ta nhắc tới thủ lĩnh Fabio Cannavaro khi anh đạt tới đỉnh cao sự nghiệp, nhắc tới nhạc trưởng Pirlo, người đã chơi cực hay và trở thành nguồn cảm hứng cho cả đội. Nhắc tới cả đôi bàn tay vững chắc của Gianluigi Buffon

X
top-arrow