Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

"Vòi bạch tuộc" lũng đoạn bóng đá Việt?

Thứ Tư 23/07/2014 17:58(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Họ đều rất trẻ. Họ có tiền tài, danh vọng và quá nhiều thứ đáng gọi là ước mơ với một cầu thủ bóng đá. Thế nhưng họ sẵn sàng "bán" và "bán" dễ dàng như thể đó là một điều bình thường. Đó mới là điều kinh sợ ở một nền bóng đá mà việc bán mình giống như là một phần của bóng đá...

1. 9 cầu thủ V.Ninh Bình trong vụ tiêu cực ở AFC Cup, phần lớn đều còn rất trẻ. 6 cầu thủ Đồng Nai, tất cả đều thuộc lứa 88-90. Họ chưa có tất cả trong tay nhưng có rất nhiều, những thứ đáng là mơ ước với một cầu thủ chuyên nghiệp. Khoác áo ĐTQG, các đội tuyển trẻ, đá chính trong màu áo CLB, có cả sự nghiệp rộng mở phía trước, họ có tiền bạc, danh vọng và đủ cả.

400 triệu cho 6 cầu thủ hay 70-80 triệu với mỗi cầu thủ, nó có đáng bao nhiêu so với thu nhập của một cầu thủ đá V-League, khi lương tháng ít nhất cũng 20-30 triệu/tháng chưa kể tiền lương và thưởng mà sau mỗi chiến thắng cũng có 15-20 triệu/trận. Nó là gì so với những bản hợp đồng 3 tỷ, 5 tỷ hay 7 tỷ mà những Mạnh Dũng, Đức Thiện, Hữu Phát từng nhận được dù mới qua tuổi đôi mươi, với những gì mà họ nhận được từ bóng đá?

Nguyễn Thành Long Giang ở trụ sở C45
Nguyễn Thành Long Giang ở trụ sở C45

Vụ V.Ninh Bình chưa xét xử, chưa lắng xuống thì xảy ra tiếp vụ Đồng Nai. Toàn những gương mặt trẻ, có những thành đạt nhất định về nghề nghiệp và không phải những thành phần phức tạp, thậm chí được xếp và diện lành với những gì nhìn vào từ bên ngoài. Vậy tại sao họ lại "bán" dễ như thế?

Để trả lời đầy đủ, cặn kẽ cho câu hỏi đó không đơn giản, với môi trường bóng đá Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn đưa ra lời giải thích, bằng những câu chuyện giống như những lát cắt để lý giải một phần câu chuyện đau lòng.

Ít người chú ý, vài năm gần đây các đội tuyển trẻ khi tập trung thì địa điểm thường được chọn là Hà Nội thay vì TP.HCM như suốt thời gian trước đó. Không phải điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất luyện tập, thi đấu tốt hơn mà lý do xuất phát từ một vấn đề khá nhạy cảm mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Một HLV tham gia ban huấn luyện U20 QG tập trung ở Thành Long từng kể rằng, có một sự thật khi phát hiện ra khiến những người có trách nhiệm như ông rúng động và giật mình.

Một vài cầu thủ trẻ là trụ cột của đội hay có triển vọng, thường xuyên được những thành phần lạ săn đón, chăm sóc. Ăn chơi, mua sắm, tiền bạc, muốn cái gì cũng có và đi đâu, làm gì cũng có người đến tận cổng đưa rước. Cùng với những thông tin thu lượm được, họ biết rằng đó là cách làm mới trong chiến lược đón đầu của một ông trùm, một nhà môi giới dưới danh nghĩa GĐĐH kiêm HLV vốn đang lũng đoạn thị trường chuyển nhượng và khuynh đảo cả nền bóng đá.

Một sự thật quá đáng sợ, khi cái vòi bạch tuộc có thể thò xuống tận các cầu thủ trẻ và chấp nhận "đầu tư cho tương lai" ngay từ những gương mặt thuộc lứa U. Để làm gì nếu không phải dễ bề chi phối và trở thành công cụ cho những tính toán?

Có bao nhiêu cầu thủ trẻ từng tập trung ở Thành Long từng được chế độ chăm sóc đặc biệt? Và liệu có mối liên hệ nào giữa các cầu thủ trẻ dính trong vụ V.Ninh Bình và Đồng Nai, khi phần lớn trong số họ cùng lứa tuổi,từng cùng nhau trưởng thành, phát triển trong màu áo các ĐT trẻ và cùng có những mối quan hệ ràng buộc?

2. Sau 2 mùa giải thất bại vì chỉ về nhì, trước mùa giải 2013, Hà Nội T&T xác định phải thay đổi cách làm, chấp nhận bỏ tiền ra mua cầu thủ về. Trước vô số lựa chọn, có một nguyên tắc được ban lãnh đạo, ban huấn luyện và cả đại diện cầu thủ đội bóng Thủ đô thống nhất: Nói không với những gì liên quan đến XMXT. Sài Gòn.

Không chơi với "cò" Đại, không dây với XMXT Sài Gòn bởi có quá nhiều câu chuyện đáng sợ ở đội bóng vẫn được xem là "ổ dịch" này mà giới bóng đá không lạ gì. Họ sợ và ý thức rõ ràng rằng nếu dính vào thì dễ đối diện với nguy cơ "sống chung với lũ" nên lắc đầu với tất cả các trường hợp đề cập, kể cả chuyên môn, trình độ là thứ thừa nhận.

Có quá nhiều giai thoại kinh điển về đội bóng ô hợp như cái chợ mà cái gì cũng có thể mua bán này. Trong đó, câu chuyện dã man nhất chính là thông tin về việc người to nhất, cầm chịch đội bóng này ngập sâu vào nợ nần cũng bởi bể kèo khi một tay đạo diễn tất nhưng không kiểm soát được quân khi chính trong đội, bên dưới cũng "tát nước theo mưa", cũng "làm". Thế nên mới xuất hiện nghi ngờ vì lệch nhau, đá "bể nồi cơm" của nhau nên thỉnh thoảng lại có chuyện cầu thủ đang đá bị cất hay kỷ luật ngang xương.

XMXT. Sài Gòn và V.Ninh Bình, hai đội bóng từng làm loạn bóng đá Việt Nam và lần lượt bị giải tán, họ có quá nhiều điểm chung. Đó là những thứ quái thai, là tấn bi kịch mang tên bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, và cùng là sản phẩm của một bàn tay.

Bóng đá Việt Nam không chỉ có một bàn tay như thế.

Theo VTC

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X