Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Thâm cung bí sử phí "lót tay" cầu thủ Việt

Thứ Sáu 01/11/2013 20:48(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tuần vừa rồi, làng bóng đá nội khá ầm ĩ với vụ tranh chấp hợp đồng giữa Chí Công, Đình Đức với câu lạc bộ chủ quản Becamex Bình Dương (Công ty cổ phần thể thao - bóng đá Bình Dương). Nó có thể sẽ là một vụ án dân sự, khi đôi ba bên đã thống nhất lôi nhau ra tòa, chuyện đúng là xưa nay hiếm. “Vô phước đáo tụng đình”, nhưng cũng từ đây, chuyện thâm cung bí sử trong thế giới bóng đá nội sẽ được hé lộ.

“Phí chuyển nhượng” hay “tiền lót tay”?

Lâu nay, làng bóng đá xứ sở vẫn âm ỉ câu chuyện về khoản “lót tay” mà các cầu thủ hay huấn luyện viên được hưởng, sau khi đặt bút ký hợp đồng với một đội bóng nào đó. Nó được quy định trong bản phụ lục hợp đồng lao động, gọi nôm na là “thỏa thuận cam kết” (dành cho cầu thủ chuyên nghiệp). Thường bản thỏa thuận cam kết được soạn làm ba bản, trong đó câu lạc bộ giữ hai, cầu thủ giữ một. Vì lý do tế nhị, sự thống nhất bằng giấy tờ (hoặc miệng) này, đôi bên không được phép tiết lộ ra ngoài, ngay cả khi tranh chấp nổ ra.

Chí Công (phải) và Đình Đức đang lăm le đưa Becamex Bình Dương ra tòa
Chí Công (phải) và Đình Đức đang lăm le đưa Becamex Bình Dương ra tòa

Vậy lý do tế nhị ở đây là gì? Đấy không đơn thuần chỉ là những cam kết về số tiền thực mà người lao động (bên B) được hưởng từ bên sử dụng lao động (bên A), với thời hạn giao tiền và các quy định khác. Người ta không thể công bố bản thỏa thuận cam kết, bởi nó có thể khiến tất cả phải tá hỏa. Ví như việc nếu Chí Công nhận đủ 9 tỉ đồng (chưa tính lương, thưởng và các chế độ phúc lợi xã hội khác) cho ba năm làm việc tại Becamex Bình Dương, thì những công nhân làm việc cho Becamex IDC (công ty mẹ) sẽ nghĩ gì về phân biệt đối xử với người lao động? Rất dễ kích động và gây sự phẫn nộ trong dư luận.

Trước đây, khi Vicem Hải Phòng hé lộ những bản hợp đồng tiền tỉ của các cầu thủ, công nhân các nhà máy thuộc công ty này đã mang nha một cuộc đình công vì chậm lương, thưởng.

Trở lại với câu chuyện chuyển nhượng của bóng đá thời kim tiền, bản thân nó đã là một loại quái thai của xã hội: Không có ngành nghề nào lại kiếm tiền dễ và nhiều như bóng đá, trong khoảng mười năm qua. Người ta đã so sánh anh bác sĩ phải học đến 18 năm (12 năm bậc phổ thông và ít nhất sáu năm đại học), cũng không thể kiếm được đồng lương vài chục triệu đồng/tháng, như với cầu thủ loại B. Điều đáng nói ở đây là, “phí chuyển nhượng” hay vẫn gọi nôm na là “tiền lót tay” cho một bản hợp đồng cầu thủ chuyên nghiệp, tại sao lại cao thế, khi bản thân cầu thủ vẫn nhận lương và thưởng như bao người lao động khác?!

Có lẽ trên thế giới, không có bản hợp đồng cầu thủ nào mà tiền “bonus” lại cao hơn quỹ lương, cũng như phí chuyển nhượng (dành cho cầu thủ còn hợp đồng). Sau khi luật Bosman ra đời, với quy định cầu thủ sau khi hết hợp đồng được tự do chuyển nhượng, thì số tiền ký hợp đồng cũng được quy định vào việc trả lương. Chuyện thưởng (bonus) chỉ có thể chi cho trung gian hoặc khi cầu thủ giúp đội bóng đạt được thành tích. Khái niệm gọi là “tiền lót tay” chỉ tồn tại trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, mà không biết tự bao giờ, nó trở thành mặc định, điều cốt lõi và đáng quan tâm nhất của một bản hợp đồng, chứ không phải chuyện đá bóng hay lương thưởng.

Tại sao tranh chấp?

Ở đâu có quyền lợi, ở đó có đấu tranh. Chuyện tranh chấp chỉ nổ ra, khi một (hoặc cả hai) bên cảm thấy không thỏa đáng với quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Về mặt quy trình, nếu không thể tự thương lượng, người ta có thể nghĩ ngay đến chuyện “đáo tụng đình”. Nhưng tại sao và như thế nào, phần lớn các cầu thủ khi xảy ra tranh chấp với câu lạc bộ chủ quản, lại không nghĩ ngay đến quan tòa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), tổ chức xã hội nghề nghiệp và là cơ quan quản lý nền bóng đá, mà nhất nhất phải mời luật sư bằng được cho một vụ án dân sự?

VFF vẫn có cả một ban gọi là Ban pháp chế, nơi giải quyết những tranh chấp hay mâu thuẫn quyền lợi trong bóng đá. Tuy nhiên, ban này thường không có đủ các chức năng điều tra, mà thường chỉ nghe báo cáo và xử theo kiểu án tại hồ sơ. Áp vào luật lao động hiện hành, nếu bên sử dụng lao động muốn thanh lý sớm hợp đồng, họ chỉ cần báo trước 45 ngày và trả cho người lao động hai tháng lương. Quy định này là quá rõ ràng.

Tuy nhiên, như đã nhắc ở trên, bên cạnh hợp đồng lao động dành cho cầu thủ chuyên nghiệp (theo mẫu của VFF), các câu lạc bộ và người lao động luôn ký kèm theo bản phụ lục thỏa thuận cam kết. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp không yêu cầu các câu lạc bộ hay bản thân cầu thủ phải nộp loại giấy tờ này (chỉ nộp một bản hợp đồng lao động). Do đó, VFF không thể nắm được bản chất vấn đề, nhất là khi giá trị tranh chấp về lợi ích kinh tế quá lớn.

Trở lại với câu chuyện của Đình Đức và Chí Công, với số tiền tranh chấp lên tới hơn hai tỉ đồng tổng cộng. Theo người đại diện Công ty cổ phần thể thao - bóng đá Bình Dương, đơn vị ký hợp đồng với Chí Công và Đình Đức, họ không có nghĩa vụ hoàn trả số tiền này (theo hợp đồng và phần phụ lục thỏa thuận cam kết đã ký ngày 1/10/2011 với Chí Công và ngày 1/11/2011 với Đình Đức). Trái lại, cầu thủ phải hoàn trả lại “số tiền mà câu lạc bộ đã ứng”, với Chí Công là 500 triệu đồng và Đình Đức là 450 triệu đồng. Đây chính là mẫu chốt của vấn đề.

Nếu cứ chiếu theo giấy trắng mực đen, cùng con dấu và các chữ ký, dễ cảm nhận câu lạc bộ Becamex Bình Dương sẽ đuối lý. Bởi trong phụ lục thỏa thuận cam kết ghi rõ, thời hạn cuối cùng phải trả nốt số tiền ký hợp đồng cho cầu thủ là tháng 2/2012, chứ không phải chuyện phân chia trả theo từng gói, với Chí Công là 3 tỉ đồng/năm và Đình Đức là 1,3 tỉ đồng/năm. Câu chuyện thế nào, hạ hồi (tòa) phân giải sẽ rõ.

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X