Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Niềm tự hào Sông Lam và chuyện xây lâu đài trên cát

Chủ Nhật 08/09/2013 17:19(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Ba lần đoạt ngôi vương V. League, chưa bao giờ rơi vào nguy cơ xuống hạng ở giải chuyên nghiệp, công tác đào tạo trẻ bài bản, căn cơ bậc nhất, lực lượng CĐV hùng hậu bậc nhất, luôn đóng góp nhiều nhất nhân tài cho các đội tuyển…Đó thực sự là “Niềm tự hào Xứ Nghệ” khi nói về SLNA.

Có dạo, người ta phản ứng dữ dội khi một PV nọ nói rằng “Nghệ An làm bóng đá như xây lâu đài trên cát!”. Ấy là vào năm 2000 khi SLNA vô địch V. League lần thứ 2, khi đội bóng vẫn ăn nhờ phần lớn vào bao cấp của tỉnh và việc mỗi năm bỏ ra vài chục tỷ nuôi đội bóng không phải là điều gì ghê gớm. Ấy cũng là khi giá trị chuyển nhượng cầu thủ, tiền lót tay, tiền mua cầu thủ ngoại chưa được đẩy …lên mây, như sau này. Lúc đó, “lâu đài” bóng đá Nghệ An quả thật rất vững từ đào tạo trẻ, từ nguồn mua sắm ngoại, trả lương cho các trụ cột…

SLNA luôn tự hào là nơi có lò đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu cả nước.
SLNA luôn tự hào là nơi có lò đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu cả nước.

Nhưng bóng đá chuyên nghiệp VN đã và đang đi những bước không giống ai. Đội bóng A may mắn có ông bầu vững, thỏa sức chi lương, thưởng, sắm sanh, kể cả chi tiền mua…CĐV vào sân! Đội bóng B mua lại “quyền chơi bóng ở V. League” của đội bóng C do cơ quan chủ quản bỏ cuộc, mua cả thầy lẫn trò, trộn lẫn với nhau và …đá! Cứ thế, người ta xây “lâu đài” trên cơ sở tiền bạc, không cần đào tạo trẻ, không có CĐV. “Niềm tự hào” SLNA có tất cả, trừ tiền bạc. Quả vậy, đến lúc này, người ta mới thấy cụm từ “lâu đài cát” đã hiển hiện thật rõ ràng, cay đắng, không thể và không nên phản ứng một giây nào !!!

Đã không ít những cuộc vật lộn, mưu sinh tìm kế, tìm người, tìm tiền nuôi đội bóng. Kể cả bầu Hiển, ông bầu quyền lực nhất của bóng đá Việt, sau khi đến Đà Nẵng và trụ lại thành công cho đến nay, cũng từng đến Nghệ An, đã nhìn thấy những “khu đất vàng” ở Vinh, ở Cửa Lò nhưng chuyện không thành, trừ việc đưa Hữu Thắng và một loạt trụ cột SL thời bấy giờ ra Hà Nội T&T.

Rồi có những người khác nữa với những affe nửa vời, rồi mọi việc như nhiều người đã biết. Câu chuyện chỉ có một doanh nghiệp gốc Nghệ mới nuôi được SL dần dà cũng quay về điểm xuất phát cũ, nghĩa là khó vẫn hoàn khó. Hết mùa, đội bóng lại “treo niêu”, thất vọng nhìn một loạt cả tây lẫn ta đội nón ra đi. Vậy thì “Niềm tự hào” và “Lâu đài cát” cách nhau một khoảng cách bao xa và cụ thể là bao nhiêu đong đếm nhỉ?

Vì sao những vị cỡ bầu Hiển, bầu Trường, bầu Đức…không đến được với SL dù đội bóng có trong tay tất cả? Thiếu sự quyết đoán của tỉnh hay thực sự không có ông bầu nào dám hay không đủ sức “ôm” SL? Vì sợ bỏ tiền ra mà không thu lại gì? Vì sợ thầy trò SL đá hay nhưng không thể “quản” được cái đầu của họ?

Thật không dễ có câu trả lời trong ngày một, ngày hai. Chỉ biết rằng, phía trước SL là một chặng khó, rất khó. Vũ khí duy nhất là ý chí làm bóng đá của người Nghệ lúc này quả là mỏng manh, dễ vỡ như … “lâu đài cát” vậy. Ý chí đó chỉ phù hợp và thành công với bóng đá phong trào và ở giai đoạn trước.

Còn giờ đây, tỉnh nhà còn bao nhiêu việc phải lo, phải làm cần kíp hơn là bóng đá và câu chuyện bao cấp cũng đã lùi về xửa xưa. Doanh nghiệp, doanh nhân gốc Nghệ cũng đang vật lộn với suy thoái kinh tế  và chưa biết khi nào thì ngóc đầu lên nổi.

Những người yêu bóng đá Nghệ An vẫn hết mình cổ vũ cho đội bóng ở bất cứ đâu, nhưng tiền bạc lại là câu chuyện khác, rất khác trong bối cảnh này!

Vậy nên, lúc khó khăn, không phải chỉ cần ý chí “vào sân với 100% Nghệ” mà cần nhất là một quyết định dứt khoát để trao cho ai là “ông chủ” thực sự lâu dài của đội bóng. Câu chuyện của bóng đá chuyên nghiệp trong nước và trên thế giới, của MU, Chelsea hay đơn giản nhất như của Đà Nẵng, Bình Dương …chẳng phải đã nói lên tất cả. SLNA hay bất cứ đội bóng nào muốn tồn tại cũng phải đứng vững trên nền tảng đó.

Đủ lương, đủ thưởng, có tham vọng trước hết rồi mới tính đến câu chuyện thủy chung, tình nghĩa. Năm nào, mùa nào cũng bàn chuyện thương lượng, kỳ kèo với từng cầu thủ thì mang danh chuyên nghiệp mà để làm chi, làm chi, làm gì…

(Theo Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X