Thứ Tư, 08/05/2024Mới nhất
Zalo

Đi tìm lời giải cho “cơn khát” tiền đạo của bóng đá Việt Nam

Thứ Tư 20/04/2016 11:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

V-League càng phát triển thì các ĐTQG càng yếu đi, đó là một thực trạng suốt bao năm qua của bóng đá Việt Nam nhưng những người quản lý lại không tìm được giải pháp nào để giải quyết vấn đề.

Sống nhờ ngoại binh

Kể từ ngày V-League ra đời vào năm 2000, bóng đá Việt Nam được thổi luồng gió mới mang tên ngoại binh. Sự có mặt của những cầu thủ nước ngoài thật sự là đòn bẩy giúp giải VĐQG của chúng ta bước lên tầm cao mới. Các cầu thủ nội được dịp cọ xát, thi đấu thường xuyên với các “ông Tây” nên sẽ thi đấu tốt hơn khi bước ra đấu trường quốc tế. Quan trọng hơn các ngoại binh chất lượng đã, đang và sẽ đem đến những trận cầu hay, chất lượng cho V-League. Sự phụ thuộc vào các nhân tố nước ngoài ngày càng lớn dần. Để đến bây giờ họ là một nửa sức mạnh, thậm chí là yếu tố tiên quyết trong thành bại của mỗi đội bóng.

HAGL 2-1 Cần Thơ (KT): Ngược dòng nghẹt thở
(Bongda24h.vn) - Cập nhật liên tục diễn biến tường thuật trực tiếp tình huống video clip kết quả kèm link xem bóng đá trực tuyến chất lượng cao trận đấu HAGL...

Trong lịch sử 15 mùa giải của V-League, đã có cả tá những ngoại binh chất lượng cao đến rồi đi. Đến thời điểm này, hầu như CLB nào cũng có kinh nghiệm trong việc tuyển cầu thủ ngoại, không còn bị “hớ” như trước kia nữa. Thế nhưng chất lượng ngoại binh tốt cũng đem lại những mặt trái, đó là sự dựa dẫm, ỷ lại vào các “ông Tây”. Hiện nay tại V-League 2016, sự thực dụng đã đi đến đỉnh điểm khi hầu như đội nhà cũng dùng “chiến thuật” 2 tiền đạo ngoại. Tốt cho thành tích chung của CLB nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới ĐTQG. Mà nếu xét trên quan điểm giải VĐQG phải nâng tầm các đội tuyển thì V-League lại đang đi theo hướng ngược lại.

Di tim loi giai cho con khat tien dao cua bong da Viet Nam hinh anh
Xuân Nam là tiền đạo tốt nhưng không có cơ hội thể hiện mình

Sợ lo lắng không thừa bởi các CLB chỉ lo đến thành tích của mình mà bỏ qua cái chung vì tương lai của nền bóng đá. Nhà vô địch Bình Dương có nhiều đóng góp cho ĐTQG đấy nhưng ngay đến cả Công Vinh phải đá dạt cánh, nhường chỗ cho Nsi. Điều tương tự cũng diễn ra ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Thanh Quảng Ninh khi mà những chân sút nội tốt như Đình Tùng, Văn Thắng, Mạc Hồng Quân phải thi đấu ở hàng tiền vệ vì hàng tiền đạo đã được quy hoạch cho các cầu thủ ngoại. Các đội bóng khác như QNK Quảng Nam, Cần Thơ, SLNA, SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T, Đồng Tháp đều đá với 2 tiền đạo nước ngoài. Tính sơ sơ là có 9/14 đội chỉ dùng tiền đạo ngoại, các chân sút nội hoàn toàn không có chỗ. 5 đội còn lại chỉ sử dụng 1 tiền đạo “Tây” là Bình Dương, Sài Gòn , Khánh Hòa, Long An và HAGL.

Từ Atletico, Leicester đến tuyển Việt Nam: Vì 4-4-2 là chân lý
Có một điểm chung giữa Atletico Madrid và Leicester, hai đội bóng “bình dân” nhưng lại đang gặt hái được nhiều kết quả tốt ở mùa này, đó chính là họ cùng áp...

VFF và VPF phải vào cuộc

Nhìn qua tình hình V-League 2016 có thể tóm gọn rằng trong cả giải vô địch quốc gia của chúng ta thì chỉ có 5 suất đá chính cho tiền đạo nội. Ngoại trừ Anh Đức thể hiện đúng tố chất của một cây săn bàn thì số còn lại đều cũng chỉ đá hộ công. Nhưng đội trưởng của Bình Dương đã ở tuổi băm và giã từ ĐTQG thì việc nền bóng đá thiếu chân sút là lẽ tất yếu phải đến. Nói cách khác, chúng ta đang lao vào những cuộc đua tranh thành tích tại V-League mà chẳng biết đi về đâu và điều đó lại khiến nền bóng đá, khiến các ĐTQG tự làm yếu mình vì thiếu chân sút. Mà kể cũng lạ, viễn cảnh đó đã diễn ra nhiều năm nay nhưng những nhà quản lí không có bất cứ hành động nào can thiệp.

Di tim loi giai cho con khat tien dao cua bong da Viet Nam hinh anh 2
Cả nền bóng đá, chỉ có Anh Đức được đá tiền đạo đúng nghĩa

Nếu cho rằng việc dùng tiền đạo ngoại là quyền của CLB vì họ phải bỏ tiền đầu tư nên cần thành tích thì đúng nhưng chưa đủ. VFF và phần nào đó là VPF tồn tại là để đưa bóng đá nước nhà đi lên. Họ có quyền lực tối thượng trong tay nên không thể ngồi im trước vấn nạn lớn của môn thể thao vua nước nhà. Liên đoàn bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể thay đổi việc này bằng cách đưa ra những quy định cụ thể để định hướng các CLB. Ví dụ, VFF đưa ra quy định chỉ sử dụng 1 cầu thủ ngoại thì chắc chắn các tiền đạo nội sẽ được ra sân. Ít nhất là sẽ có 14 chân sút ở 14 CLB ra sân thường xuyên tại V-League, tất nhiên khi được thi đấu nhiều thì tình hình sẽ được cải thiện nhiều hơn.

Nếu chuyên nghiệp hơn, VFF và VPF vẫn có thể cho phép các CLB sử dụng 2, thậm chí là 3 ngoại binh. Tuy nhiên, trong quy định sẽ chỉ có 1 cầu thủ ngoại được thi đấu ở vị trí tiền đạo. Hai cầu thủ còn lại sẽ được trải đều ở hàng hậu vệ và tiền vệ. Khi đó các đội bóng vẫn được hưởng lợi ích từ các “ông Tây”, V-League vẫn đảm bảo chất lượng, đồng thời các ĐTQG cũng không chịu thiệt thòi như trước. Tất nhiên toàn bộ các đội bóng phải cam kết tuân thủ đúng quy định thì mới thực hiện được. Trường hợp cuối cùng không thể giải quyết, VFF và VPF hoàn toàn có thể đưa ra quy định cấm sử dụng cầu thủ ngoại. Như vậy chắc chắn toàn bộ những tiền đạo nội sẽ được trao cơ hội thi đấu. Tương lai của các ĐTQG cũng sáng sủa hơn hiện nay rất nhiều. Malaysia đã từng phải làm như vậy và đã rất thành công. Đó là một mô hình để chúng ta phải học tập chứ không thể mãi chạy theo thành tích được.

Di tim loi giai cho con khat tien dao cua bong da Viet Nam hinh anh 3
Xuân Thành từng là vua phá lưới giải Hạng Nhất nhưng phải đá hậu vệ

Kết lại

Chất lượng mặt bằng ngoại binh V-League 2016 là tương đối tốt. Nhưng chẳng ai có thể vui nổi khi nhìn các tiền đạo nội cứ chết dần, chết mòn trên băng ghế dự bị. Công Vinh, Đình Tùng, Văn Thắng phải thi đấu ở hàng tiền vệ nhưng họ còn may mắn hơn rất nhiều cái tên khác cả năm chẳng được ra sân. NHM đang rất muốn nhìn những Hà Minh Tuấn, Hồ Tuấn Tài, Phan Văn Long, Phúc Tịnh, Thanh Bình, Văn Thành… được đặt ở đúng vị trí sở trường của mình. Đau xót nhất là việc vua phá lưới giải hạng nhất trước kia là Xuân Thành đã phải đá hậu vệ gần như suốt sự nghiệp. Hay như tiền đạo trẻ Xuân Nam nổi đình đám ở giải Lào nhưng đang phải đá hậu vệ phải ở Hà Nội T&T. Nói sơ qua thôi cũng đủ thấy lo cho bóng đá Việt Nam rồi. Vì thế VFF phải vào cuộc ngay ở mùa giải tới, bằng không cơn khát tiền đạo của các ĐTQG sẽ chẳng bao giờ tìm được lời giải.

Doãn Công

=> Đọc báo bóng đá để cập nhật tin thể thao mới nhất.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X