Chủ Nhật, 28/04/2024Mới nhất
Zalo

Giờ có nhiều đội bóng biết cách đánh bại Barca

Thứ Sáu 11/04/2014 14:24(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Một con số 0 tròn trĩnh cho cả Messi lẫn Barcelona, và vì con số 0 ấy, họ thất bại, để rồi từ đó không ít người đặt ra một câu hỏi: Lần đầu tiên kể từ năm 2007 không có mặt trong vòng bán kết của Champions League, một kỉ nguyên của Barca tiki-taka sắp, hoặc đã kết thúc?

Những con số thống kê về một thất bại thường gây cảm giác đau đớn hoặc tê tái. Con số của Messi với Atletico? Sau khi đã sút tung lưới đội bóng thủ đô Madrid 20 lần trong 15 trận đấu, là một serie 6 trận bất lực trước mành lưới của họ, và trận đấu thứ sáu trong số đó cũng đồng nghĩa với việc lần đầu tiên Barca vắng mặt ở bán kết Champions League sau 6 năm.

Một sự trùng lặp ngẫu nhiên, hay là một lời nguyền nào đó từ phía đội bóng đang đứng đầu bảng La Liga và đã chế ngự họ không chỉ ở hai trận bán kết Champions League mà còn cả trên đất Tây Ban Nha?

lionel messi
 

Khi Villa chạy nhiều gấp đôi Messi

Đêm Vincente Calderon, Barca chạm bóng gần 1 nghìn lần, nhiều gấp đôi các học trò của Simeone. Họ chuyền bóng 654 lần, gấp hai lần rưỡi Atletico (260 lần). Những con số chênh lệch quá mức như thế không đồng nghĩa với việc Barca chỉ có tấn công và Atletico dựng lên một phòng tuyến để tử thủ trong cả trận. Ngược lại, đã lâu lắm rồi người ta mới thấy cự li đội hình của Barca xa đến thế, khi bị đối phương đẩy vào thế bị động ngay cả khi họ đang cầm bóng. Việc Atletico chạy nhiều hơn Barca 3,5 km cho thấy, thực ra, đội đã chơi bóng nhiều hơn bằng cả cơ bắp lẫn cái đầu không phải Barca, mà là đội quân của Simeone.

Không dễ dàng khiến Barca thi đấu trong tâm trạng thiếu ổn định và lo lắng vì phản công ít chạm như cách mà Atletico đã làm. Cái cách mà Atletico đã chơi với Barca trong hai đêm của tháng 4-2014, khôn ngoan, chặt chẽ, di chuyển không bóng nhiều nhưng không rối loạn, mất phương hướng và chỉ biết chạy theo đối thủ, cũng không khác nhiều cách mà Mourinho đã áp dụng cho Inter để đánh bại chính Barca ở lượt đi bán kết Champions League 2010. Hồi ấy, Mourinho có Eto'o, một người luôn chấp nhận hy sinh để sẵn sàng lui về hỗ trợ phòng ngự và tranh cướp bóng ngay khi có thể, và có Pandev, người đóng vai trò của một "chân chạy". Trong hai đêm Camp Nou và Vincente Calderon, Atletico có một người như thế, một dạng kết hợp sự hy sinh của Eto'o và tính cơ động của Pandev. Một người có tên Villa, người cũ của Barca và là một chìa khóa thành công của họ.

Villa chạy rất nhiều, thường xuyên gây áp lực lên hàng thủ Barca, sẵn sàng tranh chấp tay đôi ngay khi có thể và luôn có mặt ở những điểm nóng, luôn có những đóng góp trong mọi đợt tấn công và phản công của Atletico (anh còn sút 2 lần trúng xà ngang). Thống kê của máy tính cho thấy, Villa đã chạy gần 10 cây số, tung ra 3 cú dứt điểm và thực hiện 32 đường chuyền.

Sự nổi bật của Villa trái ngược hẳn với sự "trầm lặng" của Messi. Bị chia cắt với các đồng đội, bị các tiền vệ và hậu vệ Atletico thu hẹp các khoảng trống cần thiết cho việc nhận bóng, xử lí bóng và tăng tốc, Messi chạy rất ít, chỉ hơn 6 km, bằng gần nửa Villa, mất bóng đến 18 lần, không một lần sút bóng trúng khung thành và chỉ có một đường chọc khe chính xác cho đồng đội.

Những con số thống kê ấy đủ vẽ lên bức tranh về thất bại cá nhân của Messi trong thất bại của một tập thể không còn đủ sức lực và khả năng sáng tạo để phá vỡ quy luật bất biến của bóng đá: Nếu anh muốn chiến thắng, anh phải đổ mồ hôi và chiến đấu nhiều hơn đối thủ, và khi thế trận bế tắc, anh phải bùng nổ để trở thành người hùng như đã từng.

Một Barca cũ kĩ, thiếu ổn định

Một Barca thực sự vĩ đại đã kết thúc kỉ nguyên của nó khi Messi và các đồng đội rời sân trong thất bại đêm thứ Tư? Có lẽ không muộn đến thế, mà sự kết thúc ấy đã xảy ra từ khi Guardiola chấm dứt cuộc phiêu lưu với đội bóng mà anh đã biến thành một người khổng lồ trên đấu trường thế giới suốt mấy năm qua. Thất bại trước Atletico xem ra đỡ đau đớn hơn 7 bàn mà họ phải hứng chịu trước Bayern vào tháng 4-2013, nhưng xu hướng bị loại từ tứ kết và gây ngạc nhiên cho tất cả khi lâu lắm rồi người ta mới lại thấy họ phải phòng ngự vất vả đến thế trước lối chơi tấn công điên rồ và toàn mặt sân của Atletico trong 20 phút đầu trận đã cho thấy hình ảnh tiêu cực trong chất lượng chơi và tâm lí chơi của Barca. Trên hai khía cạnh ấy, Barca đã chơi tồi không kém thời điểm họ đã thua Bayern.

Về sự sa sút của Barca, chúng ta chưa nói đến những sai lầm của Tata Martino hay bệnh tật của Tito Vilanova. Chúng ta chỉ nói đến một Barca cũ kĩ, thiếu ổn định và không được làm mới sau khi đã lên đỉnh cao với tiki-taca. Sau Guardiola, Barca vẫn là một đội hình như thế, với lối đá như thế, với rất ít thay đổi và sự xuất hiện của Neymar trên thực tế chưa đủ để tạo ra những nét mới giúp người ta nhìn thấy được những cải tiến trong xu hướng chiến thuật vẫn dựa trên nền tảng tiki-taka mà người hiện đang làm HLV Bayern đã để lại.

Dưới thời của Pep, đánh bại Barcelona là một việc không dễ dàng, nhưng đã có những đội bóng làm được điều ấy. Không nhiều, nhưng có. Sau khi Pep đi, đánh bại Barca với Messi ở phong độ cao cũng không hề dễ dàng, nhưng số đội bóng làm được điều đó đã trở nên nhiều hơn và thường xuyên hơn. Những chấn thương và sự trồi trụt phong độ của Messi, vốn đến nhiều hơn trong thời gian qua và việc anh không đoạt Quả bóng vàng một lần nữa, là những dấu hiệu cho thấy các vấn đề không của riêng anh mà còn cả Barca.

Cánh cửa đến La Liga và Cúp Nhà vua của Messi và Barca vẫn rộng mở, nhưng thất bại của cá nhân anh trên một mặt trận anh từng là vị vua không thể chối cãi trong nhiều năm là đáng lo ngại, vì nó xảy ra chỉ hai tháng trước khi World Cup 2014 bắt đầu. Bốn năm trước, Messi từng gây thất vọng tràn trề ở World Cup 2010, giải đấu mà người ta cứ ngỡ anh sẽ trở thành một người hùng. Mà ngày ấy, anh vẫn đang trên đường đi lên đỉnh cao của sự nghiệp, đang bắt đầu sưu tập Quả bóng vàng, và chưa trải qua những chấn thương như đã từng hứng chịu mới rồi...

Theo Thể Thao Văn Hoá

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X