Thứ Sáu, 26/04/2024Mới nhất
Zalo

Nhìn từ Big Sam: Khi bóng đá Anh làm cách mạng với những người già

Thứ Tư 27/07/2016 19:16(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Người Anh liệu có biết cách sửa chữa những sai lầm? Có vẻ là không, khi họ bổ nhiệm một chiến lược gia không gây ấn tượng mạnh về dấu ấn chiến thuật như Sam Allardyce ngồi vào "chiếc ghế nóng".

 
Thất bại ở Euro 2016 một lần nữa cho thấy điểm yếu lớn của người Anh về mặt chiến thuật. HLV Roy Hodgson không có phương án B khi chạm trán Iceland ở vòng knock out trong trường hợp đối thủ đổ bê tông. Kết quả là Tam Sư gần như không tạo ra tình huống đá chú ý nào trong gần 70 phút khi bị Iceland dẫn trước rồi ngậm ngùi xách va li về nước.
 
DT Anh hinh anh
Người Anh thường tự mãn với ánh hào quang từ quá khứ.

Vậy đâu là kết quả của việc Roy Hodgson quá "bí" trong cách tiếp cận từng trận đấu cụ thể? Câu trả lời là sự tự tôn của người Anh. Thường tự hào là cái nôi sản sinh ra bóng đá hiện đại, Anh là nơi sản sinh ra những cuộc cách mạng chiến thuật trong thời kỳ đầu của lịch sử bóng đá hiện đại như chiến thuật kết hợp, sơ đồ 2-2-6, sơ đồ 2-3-5, 4-4-2 hay WM,..

Nhưng kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, những cuộc cách mạng chiến thuật lớn trong lịch sử gần như không còn bóng dáng người Anh nữa. Tiêu biểu là cuộc cách mạng vị trí của người Hungary thập niên 50 của thế kỷ trước, Catenaccio của người Italia, bóng đá tổng lực của Hà Lan hay gần nhất là tiki taka gắn liền với Tây Ban Nha.

Trong suốt chiều dài lịch sử, ĐT Anh luôn tự hào là đất khởi nguyên của bóng đá nhưng chỉ một lần duy nhất vô địch các giải đấu lớn quốc tế. Đó là World Cup 1966 tổ chức trên sân nhà.

Ngủ quên trong tự mãn
 
Sự tự mãn là khởi nguyên cho mọi thất bại của người Anh trên đấu trường quốc tế. Người Anh vẫn tự hào về lối chơi "kick and rush" (chạy và đá - PV) với sơ đồ 4-4-2 tồn tại qua nhiều thập kỷ. Ở xứ sở sương mù, các học viện đào tạo trẻ vẫn chú trọng việc dạy cho các cầu thủ triết lý cổ điển với những giáo trình có từ hàng chục năm trước mà không có nhiều sự đổi mới.
 
Người Anh cuồng bóng đá nên họ coi đó là một nghề nghiệp cao quý. Nhưng chính điều đó làm hại họ bởi không phải ai cũng có thể tiếp cận các khóa học để thực sự hiểu sâu về bóng đá. Ở Đức, một khóa học để lấy chứng chỉ UEFA B chỉ vào khoảng 340 bảng để báo danh. Trong khi tại Anh, con số đó lớn gấp hai đến tám lần.
 
DT Anh hinh anh 2
ĐT Anh vẫn gây thất vọng ở những giải đấu quốc tế.

Hậu quả là người Anh không có nhiều bậc thầy về mặt chiến thuật. Tại Đức hiện nay, số huấn luyện viên đạt chứng chỉ UEFA hạng B là 28.400 người, hạng A là 5.500 người và hạng Pro (cao nhất của UEFA) là 1.070 người. Ở Anh, con số tương tự là hạng B có 1.759, hạng A là 895 và hạng Pro vỏn vẹn có 115.
 
Điều đó khiến người Anh không có được những nghiên cứu chuyên sâu về mặt chiến thuật để bắt kịp thời thế. Trong khi người Đức từ bỏ lối huấn luyện thiên về các cầu thủ cao to, mạnh mẽ về thể chất để chú trọng kỹ thuật, sự sáng tạo từ đầu những năm 2000, người Tây Ban Nha sớm hơn với La Masia ghi dấu Johan Cruyff những năm 90 của thế kỷ trước thì cho đến ngày hôm nay, người Anh vẫn sử dụng tư duy đào tạo "lỗi thời" đó.
 
Iceland, đất nước nhỏ bé chỉ với 330.000 dân nhưng có số người hiểu sâu về bóng đá đạt mức kỷ lục tại châu Âu. Cho đến trước Euro 2016, tính trung bình cứ 500 người dân Iceland lại có một người từng nhận chứng chỉ huấn luyện của UEFA. Điều đó giúp họ có cái nhìn sâu hơn về sự phát triển của bóng đá, một trong những yếu tố đưa Iceland đánh bại Anh tại Euro 2016.
Sam Allardyce có thực sự tốt?
 
Giới truyền thông xứ sở sương mù tung hô Allardyce nhưng trên thực tế, có lẽ đó cũng chỉ là bong bóng đẹp đẽ do chính người Anh thổi ra. Allardyce không phải bậc thầy về chiến thuật, chắc chắn thế. Nhiều người thậm chí còn nhận định Allardyce sẽ sớm bước theo vết xe đổ của Roy Hodgson.
 
DT Anh hinh anh 3
Sam Allardyce được đánh giá không hơn Roy Hodgson là bao.

Nguyên nhân? Allardyce đã 61 tuổi và ông thuộc lớp chiến lược gia "kiểu Anh" điển hình với lối chơi bóng dài giống Roy Hodgson khi dẫn dắt các đội hạng trung tại Premier League như Bolton, Newcastle, Blackburn, West Ham, Sunderland. Và thành tích của "Big Sam" tại Premier League là... không gì cả.
 
Các đội bóng của Allardyce nổi tiếng chơi rắn và có phần thực dụng. Thành tích của "Big Sam" tại Premier League là tỉ lệ chiến thắng chỉ 33,6%. Số bàn thắng Allardyce giành được cùng các đội bóng tại giải đấu hàng đầu xứ sở sương mù là 557 bàn trong 467 trận. 
 
Vấn đề ở chỗ các đội bóng của Big Sam thường thi đấu phòng ngự nhưng để thua đến 637 bàn tại đấu trường Premier League. Hệ số của Allardyce tại các đội bóng thi đấu ở Premier League gồm Bolton, Newcastle, Blackburn Rovers, West Ham và Sunderland là -80.  
 
Những con số nói trên chẳng thể khiến những người yêu mến bóng đá Anh yên lòng bất chấp những tuyên bố "đao to búa lớn" của Big Sam. Nói đến cách mạng, người ta nghĩ ngay đến những người trẻ. Nhưng bóng đá Anh gần một thập kỷ qua vẫn loay hoay trong cuộc cách mạng với... những người già.
Như Đạt

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X