Thứ Năm, 28/03/2024Mới nhất
Zalo

HLV M.U có là ai, các sếp của họ vẫn phải đi học bóng đá!

Thứ Năm 28/01/2016 19:37(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Cuộc khủng hoảng của Manchester United vẫn chưa được giải quyết rốt ráo khi mà vấn đề của họ không chỉ đơn giản nằm ở HLV trưởng và cầu thủ.


Những bài báo chỉ trích HLV Louis van Gaal có lẽ đã dài tới mức có thể viết thành sách. Nào là phong cách chỉ đạo kém nhiệt huyết, huấn luyện khắc nghiệt hay chiến thuật nhàm chán… Nhưng ở một góc độ nào đó, chiến lược gia người Hà Lan chỉ là “bị bông” để người ta trút giận mỗi khi Manchester United thất bại. Khi tình hình khó khăn, thông thường HLV trưởng sẽ là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên và tại một trong những CLB lớn nhất trên thế giới, áp lực càng nặng nề hơn.

Van Gaal cau thu tre
Van Gaal đang rất cần cánh cửa rời sân Old Trafford

Trải qua nhiều gian truân trong mùa giải này, lãnh đạo M.U vẫn chưa ký giấy sa thải ông theo yêu cầu của vô số người. Có thể các sếp tại sân Old Trafford vẫn dành niềm tin cho ông, nhưng phần lớn hơn là họ cảm thấy một phần trách nhiệm của mình trong đó. Một CLB bóng đá
thời nay là một doanh nghiệp. Các giao dịch tài trợ, hợp đồng cầu thủ rồi những trận thắng tất cả đều góp phần quan trọng vào thành công về mặt tài chính.

Nhưng dĩ nhiên thành tích trên sân cỏ vẫn phải được đặt lên hàng đầu ít nhất là dưới góc nhìn của người hâm mộ. Khi đội bóng giành chức vô địch tại giải quốc nội hay châu lục, các “thượng đế” sẽ liên hệ tới thành công tài chính như một sự khẳng định về sức thống trị. Nhưng khi đội bóng đó lâm vào khủng hoảng thành tích và không có dù chỉ một tia sáng phía cuối đường hầm, sự giàu có, của ăn của để cũng chẳng làm xoa dịu hết nỗi đau thất bại trong lòng họ.

Tại bất cứ nơi đâu, các nhà lãnh đạo thường phải có một sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mà công ty của mình đang hoạt động, đó gần như là yêu cầu tối thiểu cho thành công. Khi Giám đốc điều hành (GĐĐH) và các nhà quản lý cấp cao đã lên được một kế hoạch đúng đắn, các nhân viên cấp dưới sẽ có thể tập trung tiến từng bước tới đỉnh cao. Nếu những người đứng đầu chưa chuẩn bị một hành trang đủ tốt cho mình và tập thể đã muốn vươn tới những kỳ tích, thất bại là điều hiển hiện.

Woodward Glazer
Nhưng GĐĐH Woodward và giới chủ nhà Glazer cũng không vô can

Nhìn vào M.U lúc này, dễ nhận ra giới chủ nhà Glazer và GĐĐH Ed Woodward không có nhiều kiến thức về bóng đá. Trong gần hai thập kỷ đầu tiên dưới thời HLV Sir Alex Ferguson, M.U thành công nhờ phát triển dưới mô hình sở hữu cộng đồng. Nhưng kể từ giữa năm 2005, nhà Glazer đã mua lại được phần lớn cổ phần từ các cổ đông lớn để biến M.U thành tài sản của mình. Một triều đại mới được mở ra nhưng dưới tài huấn luyện của Sir Alex và tài điều hành của David Gill, Quỷ đỏ tiếp tục thành công với 14 danh hiệu lớn nhỏ đáng chú ý nhất 5 Premier League và 1 Champions League. Bộ đôi này đều có kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để khiến sức mạnh của M.U không bị ảnh hưởng.

Nhưng khi Sir Alex giải nghệ và Gill nối gót ra đi vào năm 2013, M.U đã không còn ở trên đỉnh cao. Woodward được nhà Glazer bổ nhiệm làm GĐĐH và chọn David Moyes cho chiếc ghế HLV trưởng. Nhưng ai ngờ đâu khi mùa giải 2013/14 còn chưa kết thúc, đồng hương của Sir Alex đã bị sa thải chỉ sau 10 tháng nắm quyền. Moyes được xem là “vật tế thần” cho kỳ chuyển nhượng mùa hè thất bại (không mua sắm vào mùa đông) cùng một mùa giải thành tích bết bát.

Moyes vat te than
Moyes chỉ như "vật tế thần" của các lãnh đạo

Louis van Gaal trở thành thuyền trưởng tiếp theo lèo lái con thuyền M.U trước sóng gió đang gia tăng sau khi mất chức vô địch Premier League và bỏ lỡ tấm vé dự Champions League dưới thời Moyes. Dù được cấp tiền nhiều hơn người tiền nhiệm nhưng Van Gaal có một điểm tương đồng là không thể sở hữu những bản hợp đồng mà ông mong muốn nhất. Những Mats Hummels, Marco Reus, Toni Kroos hay Thomas Muller… đều đã được cựu HLV của Bayern Munich nhắm tới song chẳng ai cập bến Old Trafford và rõ ràng việc này không phải lỗi của ông.

Trong thời kỳ không còn là điểm đến hấp dẫn với các ngôi sao hàng đầu thế giới, M.U buộc phải phá giá trên thị trường chuyển nhượng và điều đó khiến họ đang lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”. Không thể có những mục tiêu ưng ý nhất, Quỷ đỏ buộc phải hướng tới những cái tên chưa quá lừng lẫy như Marcos Rojo, Ander Herrera, Matteo Darmian, Memphis Depay, Anthony Martial… nhưng đều với những mức giá không hề rẻ. Angel di Maria là ngôi sao sáng nhất mà M.U đã chiêu mộ được thời hậu Sir Alex, nhưng cũng đã phải phá kỷ lục chuyển nhượng của CLB (52,5 triệu).

Di Maria chuyen nhuong
Khâu chuyển nhượng của M.U vài năm qua rất có vấn đề

Về cơ bản, M.U vẫn là một doanh nghiệp song đường hướng phát triển của họ đã khác trước. Mục tiêu chủ yếu của các lãnh đạo bầy Quỷ đỏ đã không còn là sản xuất ra những trận bóng như mơ cho người hâm mộ. Tầm quan trọng từ những chiến thắng trên sân bị xếp sau những chiến thắng ở hậu trường, nơi nhà Glazer đang cố gắng vơ vét các hợp đồng tài trợ giá trị nhất để sớm thanh toán các khoản nợ mà họ đã phải gánh trong nỗ lực mua lại đội bóng.

Bởi vậy, xem ra việc M.U đang chật vật với phong cách chơi và cách quản lý cầu thủ của Van Gaal không phải là vấn đề nghiêm trọng nhất bởi rồi sớm muộn rồi ông cũng sẽ phải ra đi. Điều đặc biệt nguy hiểm ở đây là việc những người đứng đầu đang đi lệch lạc với truyền thống của CLB. M.U không kinh doanh theo cách bình thường, họ vốn kinh doanh bằng những chiến thắng trên sân cỏ.

Mourinho đến M.U? E rằng sẽ còn tệ hơn cả Van Gaal!
Người hâm mộ của Man United luôn hô vang “tấn công, tấn công, tấn công” trong mỗi trận đấu, họ chưa từng gọi “xe bus” tới.

Hải Ly
 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X