Thứ Hai, 06/05/2024Mới nhất
Zalo

Claudio Ranieri: Câu chuyện về "nhà tư duy"

Thứ Bảy 07/05/2016 13:06(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Ranieri đã sống dưới rất nhiều áp lực của sự hồ nghi, đến nỗi Chủ tịch Vichai chẳng thèm có mặt trong buổi phỏng vấn đầu tiên với chiến lược gia người Italia. Chỉ sau chín tháng, họ gọi ông là "Chúa" hay "huyền thoại".

 
"Tôi chỉ muốn đưa Claudio đến ngay trước mặt họ bởi chỉ cần gặp ông ấy, người ở Leicester sẽ bị thuyết phục ngay thôi" - Steve Kutner thừa nhận rằng HLV Ranieri từng nhận được những ánh mắt hoài nghi của ban lãnh đạo Leicester. Đó là thời điểm tháng 7/2015, Ranieri đang nghỉ mát thì nhận được cú điện thoại của người đại diện Kutner về công việc tại Leicester.
 
Trước đó vào ngày 30/6/2015, Nigel Pearson bị sa thải vì những vấn đề liên quan đến scandal hậu trường mà con trai ông (một cầu thủ thuộc đội trẻ Leicester) dính vào. Thời điểm nhận được cú điện thoại của Kutner, Ranieri vẫn đang băn khoăn về chuyện tương lai. Tất nhiên là Ranieri muốn trở lại dẫn dắt một đội bóng nào đó, ở Anh thì càng tốt. "Gã thợ hàn" từng có những kỷ niệm ngọt ngào trong quãng thời gian làm việc ở Chelsea và vẫn sở hữu một số bất động sản tại London. 
 
Claudio Ranieri Cau chuyen ve nha tu duy hinh anh
Kante từng bị chính HLV Ranieri gạt đi vì những nghi ngờ về mặt thể hình.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ ban lãnh đạo Leicester chẳng tin tưởng Ranieri cho lắm. Đến sau này kể cả khi Leicester đã vô địch Premier League, giới lãnh đạo đội bóng vẫn thừa nhận họ từng muốn mời Guus Hiddink về sân King Power hơn là Ranieri. Kutner cảm nhận được sự hoài nghi của Leicester với Ranieri. Thế là người đại diện của "gã thợ hàn" tập hợp CV của Ranieri theo cách ấn tượng nhất để gửi cho Leicester. Đồng thời, thuyết phục họ gặp mặt Ranieri một lần.
 
Nỗ lực của Kutner khiến Leicester quyết định phỏng vấn chiến lược gia 64 tuổi tại London. Sự hấp dẫn, đam mê và kiến thức sâu rộng của Ranieri đã thuyết phục được Jon Rudkin, giám đốc bóng đá Leicester; Susan Whelan, giám đốc điều hành; Andrew Neville, giám đốc các hoạt động bóng đá và Aiyawatt Srivaddhanaprabha, Phó Chủ tịch. Họ quyết định gặp gỡ Ranieri thêm một lần nữa và Chủ tịch Vichai cũng tham dự. 
Chê Ranieri nữa không, Jose Mourinho?
Người đặc biệt Mourinho là chiến lược gia bóng đá thành công, nhưng ông cũng sẽ tìm thấy nhiều thứ để học tập hoặc ít ra là chiêm nghiệm từ Ranieri.

 
Sự thông thái của Ranieri khiến ban lãnh đạo Leicester cảm thấy việc bổ nhiệm ông sẽ trở thành một quyết định rất thú vị. Trong buổi ra mắt huấn luyện viên mới, Gary Lineker đã chia sẻ trên mạng xã hội Twitter dòng trạng thái: "Claudio Ranieri? Thật à?".
 
Những ngày đầu thực sự khó khăn với Ranieri bởi cái bóng của Nigel Pearson tại King Power vẫn còn rất lớn. Cuối mùa trước, Pearson giúp Leicester thắng bảy trong chín trận cuối mùa trước để giúp "bầy cáo" thoát khỏi việc xuống hạng một cách ngoạn mục. Vì vậy, nhóm cầu thủ Leicester từng làm việc dưới thời Pearson không phục Ranieri cho lắm. Nhưng "gã thợ hàn" không chống lại họ, ông cải biến mọi thứ theo cách mềm dẻo hơn.
 
Robert Huth được Ranieri mua đứt sau bản hợp đồng mượn từ Stoke, Fuchs và Okazaki tới từ Schalke rồi Mainz. Còn Kante, bản hợp đồng được đánh giá là thành công nhất của Ranieri lại bị từ chối ngay trong buổi đầu tiên. Thực ra ban đầu, Ranieri thừa nhận chẳng biết gì về Kante cả. Khi được Walsh tư vấn về Kante, HLV Ranieri vẫn còn rất băn khoăn về tiền vệ người Pháp. Ông cho rằng người đá ở vị trí tiền vệ phòng ngự phải có sức mạnh, thể hình và thể lực. "Kante nhỏ con quá" - Ranieri xem qua cuốn băng rồi nói với Walsh.
 
Nhưng sau đó, Ranieri liên tục bị Walsh quấy rầy bởi cứ gặp nhau, ông lại bị nhắc: "Kante! Kante! Kante!". Khi thấy tuyển trạch viên thân tín gắn bó trong suốt 16 năm phát cuồng vì một cầu thủ như thế, ông quyết định thuyết phục ban lãnh đạo chi ra 5,6 triệu bảng để đón Kante từ Caen bổ sung cho đội hình Leicester và phần còn lại là lịch sử.
 
Claudio Ranieri Cau chuyen ve nha tu duy hinh anh 2
Thành công của Leicester nhờ "nhà tư duy" Ranieri.

Sự khéo léo của Ranieri đã làm thay đổi bộ mặt của Leicester. Ông đan những tân binh với các cầu thủ cũ dưới thời Nigel Pearson và tiếp cận họ một cách đầy hóm hỉnh. Ông mua bánh Pizza nếu các cầu thủ chơi tốt, ông tặng quả chuông cho các cầu thủ và thành viên ban huấn luyện để nhắc họ không bao giờ được ngủ quên trong những chiến thắng bất ngờ mùa này.
 
Với đối thủ của mình, Ranieri cũng dành cho họ sự tôn trọng tuyệt đối. Ngay trong buổi đầu tiên đến sân King Power nhậm chức, ông đã dán ảnh của tất cả những chiến lược gia khác của Premier League trong phòng làm việc. Giải thích cho hành động này, Ranieri cho rằng điều đó sẽ làm những đồng nghiệp của ông cảm thấy được chào đón khi họ gặp nhau sau trận đấu trên sân nhà của Leicester. Ông cũng đồng ý cho những ông chủ người Thái can thiệp đôi chút vào phòng thay đồ với những thầy tu đến từ đất nước của chủ tịch Vichai làm lễ ban phước trước khi trận đấu diễn ra. 
 
Và giờ đây, người Leicester không còn một chút hoài nghi nào về Ranieri. Trong buổi phỏng vấn gần nhất, Ranieri tự gọi mình là "nhà tư duy" khi thừa nhận ông đã phải cân nhắc rất nhiều để hòa nhập vào Leicester, để thay đổi và giúp "bầy cáo" đi đến thành công. 
 
Hãy gọi Ranieri là "nhà tư duy"!
 
Như Đạt 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X