Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Những uẩn khúc về scandal chấn động của HLV Sam Allardyce

Thứ Tư 28/09/2016 08:50(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h.vn) – Chỉ 67 ngày sau khi được bổ nhiệm, với duy nhất 1 trận đấu, HLV Sam Allardyce đã phải rời chiếc ghế HLV trưởng ĐT Anh sau một “vết nhơ” tồi tệ nhất sự nghiệp của ông và cũng là một trong những sự cố đáng quên nhất với lịch sử đội tuyển Anh.

Chuyện gì đã xảy ra?

7h tối ngày 27/9 (giờ địa phương), HLV Sam Allardyce đã bị LĐBĐ Anh (FA) sa thải với sự nhất quán của đôi bên. Điều đó có nghĩa là Big Sam sẽ không được bồi thường và thậm chí có thể sẽ bị phạt thêm nếu như FA mở rộng điều tra trong thời gian tới.

Nhung uan khuc ve scandal chan dong cua HLV Sam Allardyce hinh anh
Sam Allardyce đã phải chia tay vị trí mà ông đã mong ước cả sự nghiệp

Nguyên nhân Big Sam bị sa thải xuất phát từ bài báo trên tờ Telegraph với tựa đề được dịch nôm na là: “Cuộc điều tra độc quyền: HLV ĐT Anh Sam Allardyce bán danh dự.” Trong bài báo này, Sam Allardyce đã gặp những thương gia đến từ châu Á (vốn là những phóng viên ngầm của Telegraph mà ông không hay biết) và được cho là đã đồng ý đến Singapore và Hong Kong trong tương lai gần để làm cố vấn cho những vị này, nhằm giúp họ vượt qua rào cản “sở hữu cầu thủ bên thứ ba”, một vấn đề đang bị FA cấm tiệt.

Ngoài ra, trong hai buổi gặp mặt với Sam Allardyce, những phóng viên ngầm của tờ Telegraph còn phát hiện ra Big Sam đã chế giễu người tiền nhiệm Roy Hodgson và trợ lý Gary Neville, chỉ trích các cầu thủ Anh tại EURO 2016, phản đối gay gắt quyết định tu bổ sân Wembley của FA và thậm chí là những vấn đề bên lề như việc thất vọng với hoàng tử William hay nói móc hoàng tử Harry. Telegraph sử dụng những chiếc máy quay lén có ghi âm để làm bằng chứng thuyết phục.

Thời gian diễn ra hai cuộc gặp mặt này nằm giữa thời điểm Sam Allardyce được bổ nhiệm vào chiếc ghế HLV trưởng ĐT Anh (ngày 22/7/2016) và trận đấu đầu tiên (cũng là duy nhất) của ông gặp Slovakia ngày 4/9. Còn thời điểm mà Telegraph xuất bản tin bài này trên trang báo điện tử của họ là 6 giờ sáng ngày 27/9, tức là chỉ 13 giờ trước khi quyết định sa thải HLV Sam Allardyce được đưa ra.

Tại sao Sam Allardyce lại bị FA sa thải?

Sam Allardyce đã nói rất nhiều điều không hay với những phóng viên ngầm, nhưng nguyên nhân chính khiến ông bị FA sa thải được cho là việc ông thảo luận về vấn đề “sở hữu cầu thủ bên thứ ba” với những người lạ mặt, với cương vị HLV trưởng ĐT Anh, đất nước đã cấm tiệt việc sở hữu kiểu này vào năm 2008, sau những rắc rối về trường hợp của Carlos Tevez và Javier Mascherano, khiến West Ham phải nhận mức phạt kỷ lục lên tới 5,5 triệu bảng Anh. Dẫu vậy, vấn đề sở hữu cầu thủ bên thứ ba vẫn đang chưa bị cấm tại nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và đặc biệt là các quốc gia Nam Mỹ.

Nhung dieu can biet ve scandal chan dong cua HLV Sam Allardyce hinh anh 2
Big Sam đang là tâm điểm của vết nhơ đáng hổ thẹn với bóng đá Anh

Nôm na mà nói, “sở hữu cầu thủ bên thứ ba” là khi có một bên thứ ba (sau cầu thủ và đội bóng sở hữu cầu thủ đó – thường là một công ty đại diện) nắm một phần bản quyền tài chính của cầu thủ, tức là khi cầu thủ đó bị đội bóng sở hữu đem bán, bên thứ ba sẽ thu về một khoản phần trăm mà theo chính lời Sam Allardyce, có thể là 10% hoặc lên tới 50%. Big Sam cũng nói rằng vấn đề sở hữu cầu thủ bên thứ ba không phải là vấn đề gì to tát bởi ông từng giải quyết nó với trường hợp của tiền đạo Enner Valencia, khi cầu thủ này cập bến West Ham từ Pachuca sau World Cup 2014. Lời nói này của Big Sam được cho là mấu chốt dẫn đến việc FA buộc phải sa thải ông bởi lẽ họ đang cố gắng đẩy lùi vấn đề sở hữu chồng chéo này không chỉ trong bóng đá Anh mà còn trên khắp thế giới.

Tại sao FA lại có đủ lý lẽ sa thải Big Sam?

Nhiều người sẽ cho rằng FA hành động quá nhanh và thiếu bằng chứng cũng như sự cẩn trọng khi sa thải Sam Allardyce, chỉ hơn nửa ngày sau khi bài báo được đưa ra. Đồng thời nhiều người cũng cho rằng Big Sam không hề làm điều gì sai trái. Ông có nhắc đến thương vụ Enner Valencia, nhưng theo luật của FA, một cầu thủ chỉ bị cấm được sở hữu bởi bên thứ ba khi họ đang thi đấu tại Premier League. Tức là nếu West Ham, bằng một cách nào đó, giải quyết xong xuôi vấn đề bên thứ ba trước khi ký hợp đồng với Valencia, họ sẽ không phạm luật. Đó cũng là cách mà M.U đã chiêu mộ Marcos Rojo cũng vào mùa hè năm 2014.

Thế nhưng trong hợp đồng giữa FA và Big Sam, nhiều luật gia của xứ sở sương mù tin rằng có những điều khoản liên quan đến vấn đề đạo đức hay là những rắc rối báo chí. Tức là HLV Sam Allardyce có thể bị sa thải nếu như công khai phản đối một điều mà FA ủng hộ, hoặc ông tạo ra một scandal lớn trong dư luận và buộc FA phải nhanh chóng can thiệp để bảo vệ hình ảnh của mình. Về cả hai điểm này thì dù Big Sam có không làm gì sai trái, nhưng ông cũng không còn cách nào khác là chấp nhận án sa thải.

Tại sao Big Sam lại mắc sai lầm này?

Theo tiết lộ của tờ Telegraph, Big Sam đã đồng ý gặp những “thương gia đến từ Viễn Đông” chủ yếu vì ông được đề nghị rằng sẽ đến Singapore cũng như Hong Kong để tư vấn về cách giải quyết vấn đề sở hữu cầu thủ bên thứ ba, nhằm nhận một khoản hoa hồng lên tới 400 nghìn bảng Anh. Dù cho ông đang nhận mức lương 3 triệu bảng mỗi năm, nhưng con số 400 nghìn bảng vẫn khó có thể chối từ đối với một chuyến đi chỉ kéo dài vài ngày và chỉ để chia sẻ kinh nghiệm. Đứng trên lập trường của tờ Telegraph, HLV Sam Allardyce đã trở thành một kẻ ham tiền mà bỏ đi danh dự.

Nhung uan khuc ve scandal chan dong cua HLV Sam Allardyce hinh anh 3
Hình ảnh cắt ra từ clip Big Sam bị quay lén, thực hiện bởi Telegraph

Còn với dư luận, Big Sam còn là một kẻ ngu ngốc. Chức vị HLV trưởng ĐT Anh chính là giấc mơ cả đời của Sam Allardyce, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên chỉ ít ngày sau khi nhậm chức, ông đã bỏ cả danh dự của mình để tham gia một buổi gặp mặt với những người mà ông mới gặp lần đầu, nói chuyện rất thoải mái về những vấn đề tối kỵ với một HLV trưởng đội tuyển Anh.

Liệu trong trường hợp này, Big Sam thiên về nhận định “hám tiền” hơn hay là “ngu ngốc” hơn? Cần phải nói thêm rằng trong cả hai buổi gặp mặt, Big Sam đều có người thân quen đi cùng. Đó là người đại diện, Mark Curtis, và cố vấn tài chính, Shane Moloney. Sam Allardyce chắc chắn phải hiểu rõ rằng những gì ông đã nói trong những buổi gặp mặt đó sẽ khiến ông đánh mất chiếc ghế trong mơ mà ông mới chỉ một lần duy nhất được ngồi lên.

Tuy nhiên ông vẫn nói mà không hề biết rằng mình đã bị ghi hình lại, nhưng còn kỳ lạ hơn khi Big Sam đã rất cẩn thận để không vượt giới hạn, ít nhất là hai lần. Ông đã lỡ lời nói rằng FA là tổ chức bóng đá giàu nhất thế giới, nhưng sau đó ông đã rút lại và nói rằng FA là tổ chức có doanh thu lớn nhất với 325 triệu bảng. Ở lần thứ hai, khi phóng viên ngầm đặt câu hỏi rằng liệu có thể dùng tiền để dàn xếp việc sở hữu của bên thứ ba, Big Sam đã lắc đầu lia lịa và cho rằng tay “doanh nhân” này thật ngu ngốc.

Big Sam vẫn giữ được sự cẩn trọng, nhưng ông đã bị bóc mẽ sau khi trả lời câu hỏi từ chính người đại diện của mình rằng: “Liệu sở hữu cầu thủ bên thứ ba có phải là vấn đề không?”. Chính câu trả lời: “Không phải vấn đề” đã khiến chiếc ghế của Sam Allardyce bị đá bay, khi mà đây được cho là vấn đề hóc búa bậc nhất đối với FA trong những năm vừa qua. Liệu người đại diện của Big Sam, Mark Curtis, có liên quan đến vụ việc này bởi lẽ chắc chắn ông Curtis là người đã đưa những ‘phóng viên ngầm’ đến gặp Big Sam.

Tại sao Telegraph lại phát động chiến dịch điều tra này?

Cũng trong bài báo, Telegraph cũng xác nhận rằng trong thời gian tới, họ sẽ còn phanh phui thêm nhiều hơn nữa những mặt trái của bóng đá Anh. Đây là chiến dịch mà họ đã bắt đầu thực hiện từ 1 năm về trước và cho đến nay đã có những bằng chứng rõ ràng chỉ đích danh những HLV, nhà quản lý và đại diện nhận tiền “đi đêm” để thực hiện một số phi vụ chuyển nhượng. Tất nhiên đó đều là những tên tuổi nổi tiếng và tiếp tục gây ra cú sốc lớn đối với bóng đá Anh.

Nhung uan khuc ve scandal chan dong cua HLV Sam Allardyce hinh anh 4
Sam Allardyce và chiếc ghế chỉ được ngồi 1 lần

Đây được cho là một chiến dịch rất đáng hoan nghênh của Telegraph bởi nó chỉ ra được sự xuống cấp, lũng đoạn của bóng đá Anh, nhằm thúc đẩy một cuộc cải tổ sâu rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng Telegraph chỉ “treo đầu dê, bán thịt chó.” Thực tế là Big Sam không hề nói gì sai trái mà đó chỉ là vấn đề về việc ông đã thảo luận về vấn đề bị cấm và có hơi hướng cổ xuý cho việc lách luật. Thực chất là bản thân Big Sam không hề phạm tội “đi đêm” hay hối lộ ai cả, hay ít nhất là Telegraph chưa thể chứng minh được điều đó. Nếu như các bài báo tiếp theo của Telegraph cũng tiếp tục không thể chỉ ra bằng chứng phạm tội, cụ thể là tiền đã được sử dụng ngoài mục đích bởi ai đó, có lẽ Telegraph cũng chỉ đang đánh trống mà không cần dùi, hay là nhổ cỏ nhưng không nhổ tận gốc mà thôi.

The Telegraph là một trong những tờ báo nổi tiếng nhất tại Anh. Phiên bản online của họ bắt đầu tính phí cho người đọc vào cuối tháng 3/2013. Họ cùng với The Sun và The Times là những trang báo lớn tại Anh hiếm hoi tính phí người đọc tính đến thời điểm hiện tại. Tuy vậy, Telegraph hiện vẫn đang nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của truyền thông Anh và kịch hay chắc chắn vẫn còn ở phía trước.

Mọi chuyện sẽ ra sao với Big Sam?

HLV Sam Allardyce có lẽ sẽ chưa muốn kết thúc sự nghiệp huấn luyện của mình ở tuổi 61. Cho dù ông đang phải trải qua nỗi nhục nhã ê chề khi bị cách chức HLV trưởng ĐT Anh chỉ sau 1 trận đấu, nhưng sau thời gian “ở ẩn” có lẽ chỉ kéo dài vài tháng tới, Sam Allardyce có thể sẽ trở lại dẫn dắt một đội bóng tại giải hạng dưới, hoặc thậm chí là tại Premier League, bởi những gì ông đã làm không phải quá tệ và dẫu sao Big Sam vẫn rất mát tay với những đội bóng chiếu dưới.

Hàn Phi


⇒ Báo bóng đá 24h cập nhật nhanh chóng tin thể thaodự đoán bóng đá.

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X