Thứ Năm, 25/04/2024Mới nhất
Zalo

Những lý do để tin U19 Việt Nam sẽ không thui chột

Thứ Tư 26/10/2016 16:25(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tấm vé lịch sử dự World Cup U20 thế giới năm 2017 đương nhiên là hết sức đáng mừng. Nhưng bên cạnh đó, hầu hết chúng ta đều đang lo liệu lứa U19 Việt Nam năm nay có thật sự là tương lai bóng đá nước nhà hay không? Hay lại đi vào lối mòn “sớm nở chóng tàn” như biết bao thế hệ trước đó.

Có thể nói, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn hiện thực hóa giấc mơ World Cup ở sân chơi 11 người là chiến tích ngoài mong đợi. Thậm chí phần nào đó là bất ngờ và gây sốc. Nhưng nói gì thì nói, đó vẫn là lịch sử chói lọi nhất của bóng đá nước nhà từ trước đến nay. Đương nhiên ai cũng phấn khởi vì sự tiến bộ của bóng đá nước nhà. Bên cạnh đó cũng có những lo ngại song hành. Dễ nhận thấy nhất là nỗi lo lứa U19 Việt Nam bị thui chột giống như đa số các đội tuyển trẻ trước đây. Thực tế, đây không phải lần đầu chúng ta có đại diện lọt vào đến bán kết giải châu lục, U16 của lứa Văn Quyến từng làm được. Nhưng đó cũng là một trong số những thế hệ cầu thủ nhận kết cục đáng buồn nhất về sau này.

Đây! Những anh tài khủng nhất mà U19 Việt Nam có thể gặp ở World Cup
Lọt vào World Cup U20, những cầu thủ trẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với những sao trẻ tiếng tăm hàng đầu thế giới hiện nay.

Lứa U16 năm 2000 có những Minh Đức, Lâm Tấn, Như Thuật, Ánh Cường và nhất là Văn Quyến thật sự mang lại hy vọng lớn lao cho NHM. Nhưng rồi thì chỉ có Văn Quyến và phần nào đó là Minh Đức trụ lại được với bóng đá đỉnh cao nhưng cũng rất ngắn ngủi. Đúng 13 năm sau chiến tích lịch sử ấy thì chỉ còn Minh Đức, Văn Vinh, Văn Quyến “thoi thóp” ở các CLB V-League. Những người còn lại thì thậm chí phải chuyển nghề khác để mưu sinh. Sau này, có thêm những Quốc Vượng, Phan Thanh Bình, Thái Sung… và nhất là cựu “thần đồng” Thế Vọng có kết cục vô cùng bị thảm. Với quá khứ như thế, nếu chúng ta không lo cho U19 Việt Nam mới là lạ. Khả năng thui chột cũng không phải không có.

Nhung ly do de tin U19 Viet Nam se khong thui chot hinh anh goc
U19 Việt Nam được trang bị đầy đủ chuyên môn và văn hóa

Tuy nhiên có hai vấn đề rất khác biệt của U19 Việt Nam hiện nay so với các thế hệ trước và đó cũng được coi là nguyên nhân dẫn tới thui chột. Đầu tiên là chuyện gian lận tuổi, thứ hai là nền tảng cơ bản.

Căn bệnh thành tích ở các giải trẻ từng được coi là “ung nhọt” của nền bóng đá trong nhiều năm trước. Thậm chí ngay thời điểm này vẫn có những tuyển thủ Quốc gia không được sống với tuổi thật của mình. Nói ra để thấy, thành công của lứa U16 năm 2000 hay những cầu thủ trẻ về sau liệu có phải do thực lực hay không vẫn là một sự bí ẩn. Họ đá tốt ở các giải trẻ với các đối thủ ít tuổi hơn mình, hay hơn là dễ hiểu. Nhưng sau đó được báo chí, NHM tâng lên “thần đồng”, họ không giữ được mình và nhanh chóng sa sút. Đó là lý do mà có thời những cầu thủ 27, 28 tuổi đã thi đấu như “lão tướng” và bắt đầu đi học bằng HLV để chuẩn bị giải nghệ.

GĐKT bóng đá Thái Lan: “U19 Thái Lan vẫn mạnh hơn U19 Việt Nam”
Dù rất ấn tượng với U19 Việt Nam nhưng GĐKT của bóng đá Thái Lan là ông Witthaya Hloagune vẫn khẳng định thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn yếu hơn U19 Thái Lan.

Điều thứ hai có lẽ là quan trọng hơn. Các cầu thủ từ lứa 1994 trở về trước đa số là tự phát. Các cầu thủ đi lên từ bóng đá phong trào, được các CLB đưa về vài năm ăn tập và đá V-League. Đương nhiên họ thiếu rất nhiều thứ như kỹ năng, tư duy chiến thuật, ý thức và nhất là đạo đức nghề nghiệp. Chỉ cần có chút ít cám dỗ bên ngoài là họ đánh mất mình. Đau đớn nhất là vụ 9 cầu thủ Ninh Bình bán độ năm 2014. Số tiền quá nhỏ so với thu nhập của các cầu thủ, thậm chí có cầu thủ sở hữu vài doanh nghiệp nhưng sẵn sàng bán mình vì vài chục triệu. Đó là hệ quả của nhận thức hạn hẹp và tư duy bóng đá nghiệp dư. Còn về chuyên môn, nhiều “thần đồng” trước đây có vài “bài tủ” làm NHM hưng phấn nhưng chỉ là nhất thời. Họ không có kỹ năng cơ bản nên nhanh chóng lộ ra bản chất thật của mình.

Nhung ly do de tin U19 Viet Nam se khong thui chot hinh anh goc 2
U16 Việt Nam năm 2000 là lứa bị thui chột đáng tiếc nhất

Từ hai điều trên có thể thấy U19 Việt Nam hiện nay hay lứa Công Phượng năm 2014 đã có sự cải thiện rõ rệt. Họ được đào tạo theo chuẩn châu Âu, đi vào khuôn khổ từ khi 10-11 tuổi. Được ăn tập trong suốt 7, 8 năm liên tục. Kỹ năng thì rõ ràng đã được cải thiện đáng kể. Các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn có điểm mạnh nhất là thể hình, thể lực và nhất là tư duy thi đấu hiện đại. Quan trọng hơn, rất khó để gian lận tuổi khi các địa phương tuyển người đầu vào từ lúc còn nhỏ. Có thể kể đến trường hợp của anh em nhà Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Dụng là điển hình. Bùi Tiến Dụng sinh năm 1998 vào đúng khóa nên được PVF giữ lại. Tiến Dũng bị trả về Thanh Hóa vì sinh năm 1997 dù gây ấn tượng về chuyên môn.

Thành công của U19 Việt Nam: Thành quả từ V.League 1&2
(Bongda24h.vn) – “Thất bại này của U19 Bahrain xuất phát từ việc các cầu thủ không được thi đấu thường xuyên ở môi trường đỉnh cao trong thời gian qua,” HLV...

Lứa U19 Việt Nam giành vé dự World Cup U20 thế giới năm 2017 là tuổi thật, khả năng thật. Họ đi trên đôi chân của chính mình chứ không như các “thần đồng” trước kia. Gian lận tuổi, chưa có nền tảng cơ bản về chuyên môn lẫn đạo đức nhưng lại được tung hô quá sớm, dẫn tới sa ngã hoặc mắc bệnh “sao”. Thời nay ca tụng và khen ngợi vẫn có nhưng các cầu thủ đã được trang bị đầy đủ kiến thức, văn hóa để chống chọi lại “bão” dư luận. Họ hiểu được bản thân có gì để phấn đấu. Đương nhiên không thể kiểm soát hết được các cầu thủ, vẫn sẽ có những cầu thủ trẻ sớm mắc bệnh “sao”. Nhưng về cơ bản, đa số các thành viên của U19 Việt Nam hiện nay có nhiều điều kiện để tránh đi phải con đường “xuống dốc” như các thế hệ đàn anh đi trước.

Doãn Công


⇒ Bóng đá 24h cập nhật tin tức AFF CUP 2016 và lịch thi đấu AFF CUP 2016.

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X